Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

LỄ KỶ NIỆM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI FATIMA (13/10/1917)

…Người giáo dân Việt Nam chúng ta vẫn được đánh giá là những tín hữu có lòng yêu mến Đức Mẹ 1 cách đặc biết. Và sự hiện diện đông đảo của anh chị em vào đúng 12H,00 hôm nay trong thánh đường này đã xác nhận điều đó.
Lòng yêu mến của chúng ta đối với Mẹ Maria là hoàn toàn có cơ sở vững chắc, bởi vì Giáo Hội dạy chúng ta rằng: “Lòng tôn kính đối với Đức Maria không hệ tại những tình cảm chóng qua và vô bổ nhưng phát xuất từ 1 Đức tin chân thật, Đức tin đó dẫn đưa chúng ta tới chỗ nhận ra địa vị cao trọng của Mẹ Maria”.
Thật thế, còn địa vị nào cao trọng hơn địa vị làm Mẹ Thiên Chúa. Lòng yêu mến của chúng ta đối với Mẹ Maria cũng có cơ sở vững chắc vì thánh Benađô đã quả quyết với chúng ta rằng: “Không ai chạy đến với Mẹ Maria mà phải trở về tay không”. Và chính vì cảm nhận được tình thương đặc biệt của Mẹ Maria nên Paul Claudel, 1 triết gia người Pháp có lòng yêu mến Đức Mẹ 1 cách đặc biệt, một buổi trưa nọ, ông đã lẻn vào nhà thờ 1 mình, quì dưới chân Đức Mẹ và cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Maria, con đến đây với Mẹ không phải để dâng lên Mẹ những gì, bởi vì con nghèo nên không có gì để dâng Mẹ. Con đến đây với Mẹ cũng không phải để xin Mẹ điều gì, bởi vì Mẹ biết quá rõ con đang cần đến những gì. Con đến đây với tâm hồn tràn ngập hạnh phúc vì con biết rằng con là con của Mẹ và Mẹ của con đang đứng đó”.

Vậy, MẹMaria thương chúng ta như thế nào?
Trước hết, Mẹ Maria đã ban cho chúng ta Đức Giêsu con Mẹ. Mẹ Maria cũng nghèo như chúng ta, Mẹ không có gì để cho chúng ta nhưng Mẹ lại ban cho chúng ta chính nguồn mọi ân phúc là Đức Giêsu Kitô, người con một do lòng Mẹ sinh ra. Khi ban Đức Giêsu cho chúng ta, Mẹ Maria đã ban tặng chúng ta tất cả.
Kế đến, Mẹ Maria yêu thương chúng ta đến độ dù chúng ta tội lỗi yếu hèn, Mẹ cũng không bao giờ bỏ rơi chúng ta. (kể chuyện “Người phụ nữ ôm đứa con đã chết từ lâu” X. Bài giảng Lễ Đức Mẹ Mân Côi – Chúa nhật năm thánh 2000 - ).
Dù sao tình mẫu tử của người mẹ trong câu chuyện trên cũng chỉ là 1 phản ảnh mờ nhạt về tình mẫu tử của Mẹ Maria đã dành cho chúng ta. Dù chúng ta có tội lỗi tới đâu, dù chúng ta có xấu xa tới đâu, dù chúng ta có hèn hạ tới đâu, dù chúng ta có nghèo nàn tới đâu, Mẹ Maria cũng không bỏ rơi chúng ta chỉ vì 1 lẽ rất đơn giản: “Mẹ là Mẹ của chúng ta”.
…Cách đây 83 năm, cũng vào ngày này, cũng vào giờ này vì yêu thương chúng ta Mẹ Maria đã hiện ra tại Fatima. Mẹ hiện ra nhưng không hứa ban cho chúng ta những ơn phần xác bởi vì đó là chuyện đương nhiên và vì Mẹ có từ chối chúng ta bao giờ đâu. Nhưng Mẹ đã hiện ra tại Fatima là để trao cho chúng ta 3 mệnh lệnh: Hãy cải thiện đời sống, hãy siêng năng lần hạt và hãy tôn sùng trái tim Mẹ, nếu muốn cho thế giới này được sống trong hoà bình.
Hôm nay đây, giờ phút này, Mẹ Maria cũng đang đứng đó nhìn mỗi người chúng ta. Và Mẹ cũng nói với chúng ta rằng nếu muốn gia đình được bình an, nếu muốn xã hội được bình an, nếu muốn quê hương được bình an, nếu muốn thế giới được bình an, hãy cải thiện đời sống, hãy siêng năng lần hạt và hãy tôn sùng trái tim Mẹ. Amen.
LỄ KÍNH ĐỨC MẸ
(Lc 1, 39 – 56)

…Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe ghi lại lời Kinh tạ ơn chúc tụng Chúa của Mẹ Maria, kinh Magnificat.
Nếu chúng ta đọc hết lời kinh này của Mẹ Maria, chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên vì chúng ta không hề thấy Mẹ Maria xin với Thiên Chúa điều gì, kể cả nhưng điều chính đáng và cần thiết nhất như xin Chúa được khỏe mạnh, xin cho được bình an, xin cho được ơn nghĩa với Chúa. Tất cả những điều đó giả như Mẹ xin thì cũng là điều chính đáng. Tuy nhiên, Mẹ Maria đã không xin bởi vì Mẹ hiểu rằng tạ ơn thì tốt hơn xin ơn. Trong suốt lời kinh Magnificat, Mẹ Maria chỉ nói lên niềm vui đang có ở trong lòng Mẹ và Mẹ biến niềm vui cứu độ đó thành lời chúc tụng Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”.
Vậy đâu là lý do thúc đẩy Mẹ Maria chỉ biết dâng lời tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa?
Trước hết, Mẹ Maria đã có thể tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa vì Mẹ đã có được tâm hồn hoàn toàn phó thác cậy trong nơi Thiên Chúa. Đối với Mẹ, được Thiên Chúa yêu thương dẫn dắt là 1 hạnh phúc lớn đối với con người, bởi đó, điều quan trọng không phải là cái gì sẽ xảy đến trong cuộc đờ, nhưng là tìm ý Chúa trong những gì đang xảy đến cho Mẹ hiểu rằng, Thiên Chúa co thể biến sự dữ thành sự lành cho những ai yêu mến Ngài. Và như vậy, Mẹ vẫn có thể an tâm để tiếp tục sống phó thác tin tưởng và cậy trông.
Kế đến, Mẹ Maria đã có thể tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa là vì Mẹ có 1 tâm hồn nhạy cảm truớc những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Thật tiếc, nếu chỉ thấy toàn là đau buồn, bất hạnh trong cuộc sống, thì không thể tạ ơn chúc tụng được mà chi có thể là buồn sầu, than van mà thôi. Bởi đó, Mẹ Maria đã tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa là vì Mẹ luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp và những niềm vui không hề thiếu trong cuộc đời của Mẹ. Với con mắt Đức tin, Mẹ Maria đã có thể nhận ra những ân huệ mà Thiên Chúa thưởng ban 1 cách thật kín đáo, thật âm thầm. Bởi đó Mẹ đã có thể thốt lên: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh, chí tôn”. Ngoài ra, Mẹ Maria không chỉ nhận ra những ân huệ Thiên Chúa ban cho cá nhân Mẹ mà Mẹ còn nhận ra những ân phúc Thiên Chúa ban cho dân tộc Mẹ trong suốt lịch sử cứu độ kể từ tổ phụ Abraham và cho đến mãi muôn đời.
…Nhìn vào lời kinh tạ ơn chúc tụng của Mẹ Maria và rồi nhìn lại lời nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ thấy có 1 sự khác biệt rất rõ. Chúng ta thường xin Chúa hết ơn này đến ơn khác mà ít khi chúng ta nghĩ tới việc tạ ơn Chúa. Trong khi đó, tạ ơn chúc tụng là tâm tình luôn luôn phải có trong kinh nguyện của chúng ta bởi vì có gì chúng ta đang có lại không phải do Thiên Chúa ban.
Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết nhận ra những ân huệ Chúa ban và không ngừng dâng lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa. Amen.
LỄ TRÁI TIM VẸN SẠCH ĐỨC MARIA

… Hôm nay Giáo Hội mừng kính Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria. Lễ này được Giáo Hội mừng kính ngay sau lễ tôn kính Thánh tâm Chúa Giêsu. Điều đó giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa ngày lễ của Mẹ Maria hôm nay.
Thật vậy, nếu như Thánh tâm Chúa Giêsu là dấu chỉ tình thương vô hạn mà Thiên Chúa dành cho con người, thì Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nử Maria cũng thế, cũng là dấu chỉ của tình yêu nhưng là tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa và đối với Đức Giêsu Kitô, con yêu dấu của Mẹ. Tuy nhiên, 1 cách đặc biệt, khi tôn kính Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria, Giáo Hội cũng tôn kính tình yêu hiền mẫu của Mẹ đối với toàn thể nhân loại.
Thế nhưng, tình thương của Mẹ Maria đối với con người không ngừng bị xúc phạm. Hình ảnh trái tim của Mẹ bị lưỡi gươm đâm thấu mà cụ già Simêon đã cho thấy điều đó. Và trong sứ điệp Fatima, Mẹ Maria đã tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Mẹ đã bị tội lỗi của thế gian gây nên biết bao thương tích. Bởi đó, 1 trong ba mệnh lệnh Fatima là “Hãy đền tạ trái tim vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria”.
Cũng như tình yêu của Thiên Chúa, con người cũng không thể hiểu thấu được tình yêu của Mẹ Maria đối với chúng ta. Thật thế, khi trao ban thánh Gioan cho Mẹ Maria, Đức Giêsu cũng trao ban mỗi người chúng ta cho Mẹ Maria. Bởi đó, dù thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay đần độn, khoẻ mạnh hay bệnh tật, mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria đón nhận như người con trọn vẹn của Mẹ. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria dành cho tất cả tâm tình và tình thương mà Mẹ đã dành cho Đức Giêsu.
… Là con cái của Mẹ Maria, chúng ta hãy siêng năng chạy đến với Mẹ để được Mẹ ủi an nâng đỡ và nhất là chúng ta hãy thi hành những lời căn dặn của Mẹ:
- Là cải thiện đời sống,
- Siêng năng lần hạt mân côi,
- Tôn sùng Trái tim Mẹ – Amen.
LỄ ĐỨC MẸ LAVANG 14/8/99

Kính thưa quí cha,
Kính thưa quí tu sĩ nam nữ,
Kính thưa quí ông bà và anh chị em,
Chuyện kể rằng: một hôm, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính toà Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, Ngài bỗng dừng lại, thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử toạ như sau: “Ai trong anh chị em có thể cho tôi biết Đức Mẹ là ai?”.
Thánh nhân phải lặp lại câu hỏi đến 3 lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối nhà thờ như sau: Thưa cha, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: “Đúng thế, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói như thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria”. Liền sau đó, cử toạ bắt đầu kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ Maria: Mẹ là cửa thiên đàng, Mẹ là Đấng an ủi kẻ có tội, Mẹ là Đấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Đấng cứu chữa kẻ bệnh tật,…
Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Đức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nói tiếp: Đức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn biết thêm về Đức Maria…
Chờ mãi không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: “Đức Maria chính là Mẹ của mỗi người chúng ta”.
Kính thưa quí ông bà và anh chị em,
Đức Maria là Mẹ của chúng ta. Đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Thật vậy, trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thân thiết với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế, trên thiên đàng, không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria. (thêm Lẽ sống P. 351).
Thánh benado đã cảm nghiệm được tình mẫu tử ấy nơi Đức Maria khi Ngài quả quyết: Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến kêu xin Mẹ mà phải trở về tay không. Chắc hẳn đó cũng là cảm nghiệm của mỗi người chúng ta. Bởi lẽ, ai trong chúng ta cũng đã cảm nhận được biết bao ơn lành từ Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu hiệu năng của Mẹ Maria. Mẹ Maria tuy chỉ là một tạo vật như chúng ta, nhưng Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương kén chọn để làm Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa. Bởi đó, lời cầu bầu của Mẹ chắc chắn sẽ được Thiên Chúa chấp nhận. Chẳng hạn, tại tiệc cưới Cana, khi thấy gia đình đôi tân hôn hết rượu, Mẹ đã cầu xin Con Mẹ cứu giúp và tuy chưa tới giờ của Người, Đúc Giêsu vẫn thực hiện phép lạ đầu tiên là biến nước lã thành rượu ngon để đôi tân hôn không bị bẽ mặt với khách mời. Mẹ Maria cũng nghèo như chúng ta, Mẹ không có gì để trao bàn cho chúng ta, nhưng Mẹ lại trao ban cho chúng ta kho tàng ân phúc là chính Đức Giêsu, Con Mẹ.
Kính thưa quí ông bà và anh chị em,
Mẹ Maria là Mẹ của mỗi người trong chúng ta. Và có ai trong chúng ta lại không cảm thấy hạnh phúc trào dâng trong tâm hồn khi được gọi Đức Maria là Mẹ. Thật vậy, không có người Mẹ nào lại quên được đứa con mà mình đã cưu mang và sinh hạ. Mẹ Maria đã cưu mang và sinh hạ chúng ta trong ơn thánh. Bởi đó, dẫu chúng ta có xấu xa tội lỗi, có đớn hèn tới đâu đi chăng nữa, Mẹ Maria cũng không bao giờ xua đuổi chúng ta chỉ vì một lẽ đơn giản, chúng ta là con của Mẹ.
Mẹ Maria thực sự là Mẹ của người tín hữu nói chung, nhưng Mẹ Lavang lại là Mẹ của ngươi tín hữu Việt Nam một cách đặc biệt. Thật thế, tại Lavang cách đây 200 năm, vì thương con cái Mẹ đang bị truy lùng ráo riết, đang phải sống trong cảnh đói khổ, bệnh tật, Mẹ Lavang đã hiện đến an ủi và chữa lành. Con cái Mẹ là những tín hữu Việt Nam lúc ấy đã tìm thấy nơi Mẹ một chốn ẩn náu an toàn và nhờ sự trợ giúp của Mẹ, họ đã vượt qua được những cơn gian nan khốn khó. Và từ đó tới nay, suốt 200 năm, Mẹ Lavang vẫn không ngừng an ủi cứu giúp các con cái Mẹ sống trên đất Việt mỗi khi họ chạy đến với Mẹ, mỗi khi họ gặp phải chông gai thử thách. Bởi đó, hiệp thông cùng với toàn thể con cái Mẹ khắp nơi trên đất nước Việt Nam, hôm nay chúng ta họp nhau nơi đây, chắc chắn không chỉ để cầu xin Mẹ những ơn chúng ta đang cần đến sự chuyển cầu của Mẹ, nhưng trên hết, có lẽ chúng ta muốn dâng lên Mẹ tâm tình cảm tạ tri ân vì muôn hồng ân mà Giáo Hội Việt Nam cũng như mỗi người chúng ta đã, đang và sẽ nhận được nhờ lời chuyển cầu của Mẹ.
Kính thưa quí ông bà và anh chị em,
Đến với Mẹ Lavang hôm nay, chúng ta cũng muốn noi gương bắt chước các nhân đức sáng ngời của Mẹ. Thật vậy, công đồng Vaticanô II đã dạy: “Các tín hữu hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính đối với Đức Maria không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một Đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mên và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (GH 67).
Như thế, giữa một thế giới đang bị tục hoá một cách trầm trọng, chúng ta được mời gọi nơi gương Mẹ Maria sống tinh thần nghèo khó thật sự, nghĩa là không để lòng mình quá dính bén tới những thực tại trần thế mau qua mà quên đi hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã dành để cho chúng ta trên trời. Giữa những đau buồn và thử thách, chúng ta được mời gọi noi gương Mẹ Maria đứng vững trong Đức tin, như xưa Mẹ đã đứng vững dưới chân thánh giá để cho thánh ý của Thiên Chúa và chuơng trình cứu độ của Người được hoàn thành. Giữa một thế giới mà con người chỉ biết sống ích kỷ cho riêng mình, chúng ta được mời gọi noi gương Mẹ Maria, dám hy sinh một cách quảng đại để phục vụ anh chị em đồng loại, nhất là những người nghèo khổ. Và còn biết bao nhân đức khác chúng ta có thể học được nơi Mẹ của chúng ta.
Lạy Mẹ Lavang,
Xin Mẹ thương đến Giáo Hội Việt Nam chúng con,
Xin Mẹ thương đến quê hương Việt Nam thân yêu của chúng con,
Xin Mẹ thương cứu giúp những ai đang sống trong đau khổ, thất vọng và thử thách.
Xin Mẹ thương đến mọi người trong Giáo xứ chúng con, nhất là những ai đang hiện diện nơi đây với biết bao ước nguyện chúng con muốn dâng lên Mẹ. Xin Mẹ nhận lấy và chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con.
Lạy Mẹ Lavang,
Chúng con xin cảm tạ và yêu mến Mẹ,
Xin Mẹ mãi mãi là Mẹ của mỗi người chúng con. Amen.
LỄ ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LỘ ĐỨC


1) Ngày 11/02/1858, Đức Mẹ đã hiện ra lần đầu tiên với thánh nữ Bernadetta tại Lộ Đức bên Pháp. Kể từ đó, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh nữ liên tiếp 18 lần.
Riêng ngày 25/02/1858, theo lệnh của Đức Mẹ, thánh nữ Bernadetta đã lấy tay cào đất và lạ lùng thay, 1 dòng nước vọt lên có sức chữa lành biết bao bệnh nhân.
Nhưng điều quan trọng hơn cả, là vào ngày 25/03/1858, Đức Mẹ đã mạc khải cho thánh nữ Bernadetta đặc ân cao trọng mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, đó là đặc ân vô nhiễm nguyên tội.
Trước sự kiện lạ lùng này, ban đầu có biết bao chống đối cấm cánh từ phía Giáo quyền. Thế nhưng, những phép lạ nhãn tiền đã liên tiếp xảy ra: 1 người thợ đẽo đá mù loà được sáng mắt, 1 phụ nữ bại tay sáu năm được bình phục, 1 em bé hai tuổi hấp hối, sau khi được tắm trong dòng suối lạ, đã được lành bệnh. Cuối cùng mọi người đều phải nhìn nhận sự thật về việc Đức Mẹ hiện ra.
Kể từ đó, biết bao phép lạ về phần xác cũng như phần hồn đã xảy ra cho những ai thành tâm chạy đến cầu khẩn với Mẹ Maria, tại Lộ Đức. Cũng từ đó, hàng năm có hàng triệu người hành hương tới Lộ Đức để xin Mẹ cứu giúp.
2) Hàng năm, Giáo Hội vẫn có thói quen cử hành Thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho các bệnh nhân. Hôm nay, 1 sự trùng hợp lạ lùng là ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức cũng trùng với ngày thức 6, ngày mà chúng ta vẫn có thói quen cầu nguyện cho các bện nhân, đặc biệt là các bệnh nhân trong giáo xứ. Chúng ta tha thiết cầu xin Mẹ Maria ban ơn nâng đỡ anh chị em đang gặp đau khổ và thử thách trong cơn bệnh hoạn và nhất là xin cho họ tìm được sự an ủi nơi cánh tay dịu hiền của Mẹ Maria.

Cùng với Giáo hội, chúng ta kính nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và chúng ta đừng quên chạy đến với Mẹ là nguồn suối tuôn chảy tràn muôn ơn phúc để chúng ta cũng tìm được sự nâng đỡ ủi an của Mẹ. Amen.
X. Lẽ sống 17/08 “Bức tượng người mù”, P.358 (X. thêm).
LỄ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG

1) Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe thuật lại việc Đức Maria vội vã lên đường đi thâm viếng người chị họ đang mang thai trong lúc tuổi già. Biến cố thăm viếng này của Mẹ Maria mang 1 ý nghĩa hết sức đặc biết đối với vai trò làm Mẹ của Đức Maria. Thật vậy, trong biến cố này, Mẹ Maria đã khai mạc sứ mạng của Mẹ là luôn có mặt để nâng đỡ và phù trợ con người.

2) Trước hết, sự hiện diện của Mẹ Maria nới gia đình Giacaria mới làm cho bà Elisabeth cảm thấy an tâm hơn khi gần tới ngày sinh nở, vừa đem lại niềm vui ơn cứu độ cho Gioan Tẩy giả. Thế nhưng, không chỉ có thế mà bên cạnh Đức Giêsu, từ tiệc cưới Cana cho đến dưới chân thánh giá và cả trong những ngày đầu của Giáo Hội sơ khai, Mẹ Maria luôn có mặt để nâng đỡ, để an ủi và để củng cố niềm tin cho mọi người.

3) Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh cho chúng ta thấy, tuy âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, Mẹ Maria lúc nào cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta. Bởi đó, qua việc mừng kính Đức Maria thăm viếng bà Elisabeth hôm nay, Giáo Hội muốn mời gọi tất cả chúng ta hơn bao giờ hết, hãy tin tưởng vào sự hiện diện đầy yêu thương và dịu hiền của Mẹ Maria trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Kết: Chắc chắn trong cuộc sống riêng tư của mỗi người chúng ta, không thiếu những lúc tối tăn bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết tựa nương vào ai. Những lúc ấy, chúng ta hãy đến với Mẹ Maria với niềm xác tín rằng: không ai chạy đến với Mẹ mà phải trở về tay không. Amen.
LỄ VỌNG ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
(Lc 11, 27 – 28)

…Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe cho thấy, ngoài 8 mối phúc thật mà chúng ta vẫn thuộc lòng ngay từ tấm bé, còn có 1 mối phúc thật khác, đó là: “Phúc cho những ai nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Mối phúc này Đức Giêsu không chỉ hứa cho Mẹ Maria, nhưng còn cho tất cả chúng ta.
Mối phúc thật này đã được Đức Giêsu mạc khải trong 1 bối cảnh rất đặc biệt. Đó là khi Đức Giêsu đang giảng dạy dân chúng, thì có 1 phụ nữ vì (thấy) kinh ngạc về sự khôn ngoan của Đức Giêsu, nên đã cất tiếng ca ngợi: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”. Thế nhưng, Đức Giêsu đã cho thấy lời khen ngợi ấy chưa hoàn toàn đúng nên Ngài đã sửa lại: “Đúng hơn, phúc cho những ai biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa. Như vậy, Mẹ Maria không chỉ có phúc vì Mẹ đã cưu mang Đức Giêsu và cho Ngài bú mớm, nhưng đặc biệt vì Mẹ đã biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa.
Nhìn lại cuộc đời của Đức Maria, chúng ta thấy, Mẹ đã luôn tìm kiếm và thực thi ý Chúa. Mẹ đã không chỉ xin vâng trong ngày truyền tin, nhưng là cả cuộc đời, đặc biệt khi Mẹ đứng dưới chân Thập Giá. Ở đó, dù không hiểu hết được Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, dù rất đau khổ khi thấy con mình phải chết 1 cách đau thương tủi nhục, Mẹ Maria vẫn hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa để hiến dâng Người Con yêu cầu làm hy lễ cứu độ.
Là con cái của Mẹ, chúng ta cũng được mời gọi noi gương Mẹ lắng nghe và thi hành ý Chúa. Tại tiệc cưới Cana, khi thấy người ta thiếu rượu, Đức Maria đã xin Đức Giêsu can thiệp và mặc dù biết giờ của Đức Giêsu chưa tới nhưng Mẹ vẫn căn dặn các gia nhân, những người giúp việc: “Người bảo gì, các anh hãy làm theo”. Thiết tưởng, hôm nay Mẹ Maria cũng nói với mỗi người chúng ta: Đức Giêsu bảo gì, chúng con hãy làm theo.
… Thi hành ý Chúa thật quan trọng đến độ Đức Giêsu đã quả quyết: “Không phải những ai nói Lạy Chúa, lạy Chúa… nhưng chỉ có … Mới được vào Nước Trời. Như vậy, chúng ta được mời gọi đừng chỉ giữ đạo trong 4 bức tường, nhưng hãy đem Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Amen.
LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI (Lc 1, 39 – 56)

…Hôm nay, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Tín điều này đã được Đức Giáo Hoàng Piô 12 công bố ngày 1/11/1950. thực ra niềm tin vào mầu nhiệm Đức Maria hồn xác lên trời không phải chỉ có từ khi được Đức Giáo Hoàng Piô 12 công bố thành tín điều buộc các tín hữu phải tin, nhưng đã có từ thời Giáo Hội sơ khai.
Vậy có bao giờ chúng ta tự hỏi con đường đưa Mẹ Maria lên trời là con đường nào không?
Xin thưa con đường đã đưa Mẹ Maria lên trời là con đường vâng phục thánh ý của Thiên Chúa. Thật vậy, cả cuộc đời của Mẹ Maria, từ lời xin vâng đầu tiên trong ngày truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập Giá, Mẹ Maria luôn tìm kiếm và vâng phục thánh ý của Thiên Chúa. Có thể nói, Mẹ chỉ nói xin vâng 1 lần vào ngày truyền tin nhưng lời xin vâng ấy đã được Mẹ thực hiện suốt cả cuộc đời. Thực hiện lời xin vâng ấy hẳn phải làm cho Mẹ phải hy sinh, phải đau khổ rất nhiều. Chúng ta dễ có cảm tưởng chỉ có cuộc đời của cuộc đời mới có hy sinh đau khổ, còn Mẹ Maria thì không. Thực ra, cuộc đời của Mẹ Maria và con đường Mẹ đã đi qua là con đường Thập Giá và đau khổ. Thí dụ khi mà người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Đức Giêsu, thì chúng ta đừng quên lúc đó Đức Giêsu đã chết. Bởi đó, có thể nói lúc đó người lính đó không chỉ đâm vào cạnh sườn Đức Giêsu nhưng là đâm vào trái tim của Mẹ Maria. Chính vì vậy, dưới chân thập giá, Mẹ Maria xứng đáng được gọi là Nữ vương các thánh tử đạo. Vâng theo thánh ý của Thiên Chúa như thế quả là đau lắm!
Thế nhưng, chính nhờ sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa ấy mà Mẹ Maria đã cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Có thể nói, vì Thiên Chúa đã muốn cứu độ con người bằng con đường nhập thể và tử nạn, nên nếu không có sự vâng phục của Mẹ Maria trong ngày truyền tin và đặc biệt dưới … Thập Giá, chuyện cứu độ ấy đã không được thực hiện. Nếu như xưa kia vì tội bất tuân phục của Evà mà cả nhân loại phải đau khổ và phải chết, thì nhờ sự vâng phục của Đức Maria được mệnh danh là Evà mới, thì nhân loại đã đón nhận được Đức Giêsu, nguồn ơn cứu độ của con người.
Mẹ Maria đã vâng phục thánh ý Thiên Chúa và Mẹ cũng muốn chúng ta noi gương Mẹ thực hiện như vậy. Trong tiệc cưới tại Cana, khi thấy người ta hết rượu, Mẹ Maria đã xin Đức Giêsu can thiệp và dù biết rằng giờ của Đức Giêsu chưa tới, Mẹ vẫn căn dặn các gia nhân, những người giúp việc là: “Nếu Người bảo gì, các anh cứ làm theo”. Hôm nay Mẹ Maria cũng khuyên dạy mỗi người chúng ta: “Đức Giêsu bảo gì, chúng con hãy làm theo”. Và chỉ khi nào chúng ta sẵn sàng thi hành ý Chúa chúng ta mới hy vọng cùng Mẹ vui hưởng hạnh phúc Nước Trời bởi vì Đức Giêsu đã quả quyết với chúng ta: “Không phải những ai nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa … nhưng chỉ…”.
… Để kết thúc bài suy niệm hôm nay, xin được mượn lời của Đức Cha Fx. Nguyễn Văn Thuận và thiết tưởng đó cũng là lời nhắn nhủ của Mẹ Maria dành cho chúng ta về việc vâng theo thánh ý Thiên Chúa, nêu chúng ta muốn được lên trời với Mẹ, đó là:
“Chúa muốn mưa, con cũng muốn.
Chúa muốn nắng, con cũng muốn.
Chúa muốn sướng, con cũng muốn.
Chúa muốn cực, con cũng muốn.
Chúa muốn vui, con cũng muốn.
Chúa muốn khổ, con cũng muốn.
Chúa và con chỉ có một ý mà thôi.
LỄ MẸ SẦU BI (Ga 19, 25 – 27)

… Hôm qua Giáo Hội đã suy tôn Thập Giá của Đức Giêsu. Và hôm nay, Giáo Hội lại tưởng nhớ Đức Maria với tước hiệu là Mẹ sầu bi. Sở dĩ 2 lễ này được đặt gần nhau như thế vì Giáo Hội ý thức rằng, Thập Giá của Đức Giêsu luôn gắn liền với những đau khổ của Mẹ Maria. Đó là điều hiển nhiên, bởi vì có nỗi đau nào của người con mà lại không xé nát tâm hồn của người Mẹ.
Thật thế, suốt cả cuộc đời, Mẹ Maria đã chia sẻ trọn vẹn Thập Giá với Con của Mẹ. Lời tiên tri của cụ già Simêon xưa: “Phần Bà, 1 lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà”, lời tiên báo ấy đã hoàn toàn ứng nghiệm trong từng biến cố lớn nhỏ của cuộc đời Mẹ. Kể từ ngày Mẹ đáp lới xin vâng với Thiên Chúa trong ngày truyền tin cho tới khi Mẹ đứng dưới chân Thập Giá. Thế nhưng, những đau khổ bên ngoài ấy có lẽ cũng chỉ phản ánh phần nào những khổ đau trong tâm hồn của mẹ, bởi vì là con người, Mẹ Maria cũng không thể hiểu hết được ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhưng Mẹ vẫn can đảm đáp lời xin vâng. Và lời xin vâng ấy đòi Mẹ phải dâng hiến Người Con một yêu dấu cho Thiên Chúa và cho nhân loại.
Thế nhưng, nếu không có sự ưng thuận và lời xin vâng của Mẹ Maria, thì ý định cứu độ của Thiên Chúa đã không được thực hiện. Thật vậy, chính nhờ lời xin vâng trong Đức tin, mà Mẹ Maria đã cộng tác 1 cách đặc biệt vào trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Nếu như xưa kia trong vườn địa đàng, vì sự bất tuân của Evà mà cả nhân loại phải đau khổ và phải chết, thì nay, chính nhờ lời xin vâng tự nguyện của Mẹ Maria mà toàn thể nhân loại được cứu độ.
Như vậy, sự vâng phục của Mẹ Maria hẳn phải là mẫu gương cho mỗi người Kitô hữu chúng ta bởi vì tuy là Mẹ Đức Giêsu nhưng Mẹ Maria cũng là người môn đệ trung tín của Con Mẹ. Là môn đệ Mẹ Maria đã bước theo Đức Giêsu với 1 tâm hồn hoàn toàn vô vị lợi. Mẹ Maria không xin cho được ngồi bên hữu bên ta Đức Giêsu như Gioan và Giacôbê, nhưng Mẹ đã tự nguyện uống chén đắng tới giọt cuối cùng. Mẹ Maria không thề thốt như Phero là: “Dù tất cả bỏ Thầy nhưng con sẽ không bỏ Thầy”, vậy mà Mẹ Maria đã theo Đức Giêsu tới cùng dưới chân Thập Giá. Mẹ Maria không được diễm phúc có mặt khi Đức Giêsu biến hình sáng láng trên núi thánh, nhưng Mẹ đã có mặt trên Núi Sọ để chứng kiến Con Mẹ chết 1 cách đau thuơng và tủi nhục trên Thập Giá. Mẹ Maria cũng không đổ máu như các Tông Đồ để làm chứng cho Đức Giêsu, nhưng Mẹ đã thực sự tử đạo ở dưới chân Thập Giá bởi vì khi người ta giết Con Mẹ là ngưòi ta giết chết chính Mẹ.
…Dưới chân Thập Giá, thánh Gioan đại diện cho toàn thể nhân loại được Đức Giêsu trao phó Đức Maria làm Mẹ. Bởi đó, là con cái của Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi noi gương Mẹ chấp nhận hy sinh, mọi đau khổ, mọi Thập Giá trong cuộc đời để cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Amen.
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI (năm 2000)
(Chúa nhật)

Gợi ý đầu lễ:
Có nhiều cách thức giúp chúng ta tỏ lòng yêu mến đối với Mẹ Maria. Thế nhưng, Giáo Hội vẫn khuyến khích chúng ta sử dụng kinh Mân Côi, một lời cầu nguyện tuy đơn sơ nhưng lại vô cùng hiệu quả bởi vì đó là lời kinh đẹp lòng Mẹ Maria nhất.
Kính Mân Côi cũng đơn sơ như tiếng mẹ mà không ai trong chúng ta lại không dùng để thưa với người mẹ trần thế của chúng ta.
Nếu không có người con nào lại không dùng tiếng mẹ để thưa với mẹ mình, thì hẳn không 1 Kitô hữu nào lại không thích dùng kinh Mân Côi để thưa với Đức Maria, Mẹ của chúng ta.
Xin cho chúng ta cảm nhận được hạnh phúc được làm con của Mẹ Maria.

Bài giảng:
…Kể chuyện “Mẹ chúng ta” X. 17/08, P. 206.
…Đức Maria là Mẹ của chúng ta. Vâng, đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Với tình mẫu tử dạt dào, Mẹ Maria hằng để tâm săn sóc chúng ta, cho dù chúng ta có ý thức điều đó hay không, thậm chí cho dù chúng ta có lãng quên sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ trong cuộc đời, Mẹ Maria cũng không bỏ rơi chúng ta. Nói tới đây tôi nhớ tới 1 câu chuyện rất cảm động xảy ra tại Huế vào thời loạn ly. Người ta kể rằng, để tránh bom đạn và cái chết, dân chúng sợ hãi đã kéo nhau trú ẩn trong 1 căn phòng chật chội. Căn phòng càng lúc càng trở nên quá chật hẹp so với lượng người mỗi lúc 1 đông, nên bầu khí ngày càng trở nên ngột ngạt, khó thở. Đặc biệt, đến ngày thứ 3, người ta ngửi thấy một mùi hôi thối khác thường. Ban đầu, ai cũng nghi là do xác chết của 1 con vật đâu đó. Nhưng tìm mãi cũng không thấy. Sang tới ngày thứ 3, vì không còn chịu nổi sự hôi tanh nồng nặc đó nữa, người ta mới quyết định chia nhau ra để đi tìm cho được nguyên nhân đang gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tìm mãi tìm mãi, cuối cùng người ta cũng xác định được nơi xông ra mùi hôi thối đó, nhưng họ cũng không thấy có xác con vật nào mà chỉ thấy 1 phụ nữ đang ngồi đó với thân hình tiều tuỵ và vẻ mặt thật đau khổ đang ôm trong lòng 1 cái bọc. Mọi người thắc mắc hỏi, nhưng người phụ nữ đó vẫn không nói. Cho đến khi không chịu nổi nữa, người ta mới xúm lại giằng cho được cái bọc khỏi tay người phụ nữ, bất chấp những tiếng kêu la đau đớn của bà. Và người ta vô cùng kinh ngạc khi thấy đó là 1 đứa bé đã chết từ lâu. Vậy mà người mẹ vẫn cứ khư khư giữ lấy như 1 báu vật. Dù chỉ còn là 1 xác chết hôi thối, nhưng vì là con mình, nên người mẹ kia đã không đành lòng vứt bỏ. Cũng vậy và hơn thể nữa, dù chúng ta có tội lỗi, dù chúng ta có xấu xa, dù chúng ta có hèn hạ tới đâu, Mẹ Maria cũng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, đơn giản chỉ vì chúng ta là con Mẹ.
Nếu chúng ta hiểu được tình mẫu tử mà Mẹ Maria dành cho chúng ta như thế, chắc chắn chúng ta sẽ không còn coi việc lần hạt Mân Côi là chuyện nhảm nhí dành cho những người thất học, những ông già bà cả, bởi lẽ còn lời kinh nào đẹp hơn lời kinh Kính Mừng, lời kinh mà chính sứ thần đã dùng để ca tụng Mẹ. Kinh Kính Mừng cũng đơn sơ như tiếng mẹ mà chúng ta không ngừng thưa với người mẹ trần thế của chúng ta. Bởi đó, cũng như bất cứ người mẹ nào, Mẹ Maria cũng thích được chúng ta gọi Mẹ bằng những tiếng gọi đơn sơ ấy: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”. Người ta kể rằng, trên chuyến xe lửa nọ, có 1 cụ già đầu râu tóc bạc lặng lẽ ngồi 1 mình, miệng lâm râm thầm thì cầu nguyện với chuỗi mân côi. Thấy vậy, 1 chàng thanh niên cười thầm trong bụng: “Thời buổi văn minh tiến bộ mà cụ già kia vẫn còn làm những chuyện nhảm nhí. Không hiểu nổi và cũng không chịu nổi, anh ta mới đến gần và nói với cụ 1 cách hỗn xược: “Cụ ơi, thời đại văn minh mà sao cụ còn làm những chuyện trẻ con như vậy”. Bị xúc phạm, nhưng cụ già vẫn giữ được bình tĩnh và tiếp tục lần hạt. Sau 1 lúc lân la chuyện trò, người thanh niên mới thắc mắc và xin được biết quí danh cụ già. Bấy giờ cụ già vui vẻ rút ra từ trong túi áo 1 tấm danh thiếp và trao cho chàng thanh niên. Thật bất ngờ, sửng sốt và hổ thẹn, khi chàng thanh niên nhận ra cụ già mà anh cho là quê mùa dốt nát kia lại là 1 bác học lỗi lạc, thời danh: Louis Pasteur.
…Dù chúng ta có là gì đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy nhỏ bé trước Đức Maria, 1 người Mẹ đầy tình mẫu tử, đầy sự dịu dàng, trìu mến đối với các con cái của Mẹ. Paul Claudel, 1 triết gia công giáo có lòng yêu mến Đức Mẹ đặc biệt đã có lần cầu nguyện với Đức Mẹ như sau: “Lạy Mẹ, con đến đây… vì con biết con là con của Mẹ và Mẹ của con đang đứng đó” (X. LM với sứ vụ yêu thương phục vụ của Chúa Kitô, ĐC. Pet. Soạn, tài liệu, P.11. Tĩnh tâm LM Sg từ 4 – 8 – 2000).
Chúng ta hãy đến với Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta bằng việc lần chuỗi Mân Côi. Và điều quan trọng không phải là lần nhiều hay lần ít, nhưng là lần hạt 1 cách sốt sắng và nhất là phải suy niệm các mầu nhiệm được chứa đựng trong kinh Mân Côi, để rồi chúng ta noi gương bắt chước các nhân đức sáng ngời của Mẹ.
Hãy đến với Mẹ Maria để Mẹ đưa chúng ta đến với Đức Giêsu – Con Mẹ, Đấng cứu chuộc của chúng ta. Amen.
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI (chính ngày)

…Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: “Lòng tôn sùng chân chính đối với Đức Maria không hệ tại ở những tình cảm chóng qua vô bổ, nhưng phải dựa trên Đức tin chân thật. Đức tin ấy dẫn đưa chúng ta tới chỗ nhìn nhận địa vị cao trọng của Mẹ Maria”. Và Đức tin ấy phải được xây dựng trên mạc khải trong Kinh thánh.
Thật vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết, dưới chân Thập Giá, Đức Giêsu đã trao phó Đức Maria cho thánh Gioan. Và Gioan đã đại diện cho toàn thể nhân loại, toàn thể các tín hữu đón nhận Đức Maria làm Mẹ. Đức Maria là Mẹ của chúng ta, đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Vì là Mẹ, nên dù chúng ta có tội lỗi tới đâu, dù chúng ta có xấu xa tới đâu, dù chúng ta có hèn hạ tới đâu, Mẹ Maria cũng không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Có lẽ vì cảm nhận được tình mẫu tử của Mẹ Maria, nên Paul Claudel, 1 triết gia người Pháp có lòng mộ mến Đức Mẹ đặc biệt, một buổi trưa nọ, ông đã lẻn vào nhà thờ 1 mình, quì bên Đức Mẹ và cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Maria, con đến với Mẹ không phải để dâng lên Mẹ những gì, bởi vì con nghèo chẳng có gì xứng đáng để dâng cho Mẹ, con đến đây cũng không phải để xin Mẹ điều gì, bởi vì Mẹ biết quá rõ con cần đến những gì. Con đến bên Mẹ với tâm hồn tràn ngập hạnh phúc vì biết rằng con là con của Mẹ và Mẹ đang đứng đó nhìn con”.
Nếu chúng ta thực sự cảm nhận được tình mẫu tử của Mẹ Maria dành cho chúng ta, chắc chắn chúng ta không còn coi việc lần hạt Mân Côi là chuyện nhảm nhí dành cho những người thất học, những ông già bà cả, bởi lẽ không không có lời kinh nào làm đẹp lòng Mẹ Maria hơn lời kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi cũng đơn sơ như tiếng mẹ mà chúng ta vẫn dùng để thưa với mẹ của chúng ta. Bởi đó, cũng như bất cứ người mẹ nào, Mẹ Maria cũng thích được gọi bằng những tiếng gọi đơn sơ ấy: “Kính mừng Maria…”.
Người ta kể rằng, trên chuyến xe lửa nọ, có 1 cụ già đầu râu tóc bạc lặng lẽ ngồi 1 mình, miệng lâm râm thầm thì cầu nguyện với chuỗi mân côi. Thấy thế, 1 chàng thanh niên cười thầm trong bụng: “Thời buổi văn minh tiến bộ mà cụ già kia vẫn còn làm những chuyện trẻ con, nhảm nhí. Không hiểu nổi và cũng không chịu nổi, anh ta mới đến gần và nói với cụ già 1 cách hỗn xược: “Cụ ơi, thời đại văn minh mà tại sao cụ còn làm những chuyện trẻ con như vậy”. Bị xúc phạm, nhưng cụ già vẫn giữ được bình tĩnh và tiếp tục lần hạt. Thấy cụ già không nao núng, chàngmới xin được biết quí danh. Bấy giờ, cụ già vui vẻ rút ra từ trong túi áo 1 tấm danh thiếp và trao cho chàng thanh niên. Thật bất ngờ đến sửng sốt và hổ thẹn, khi chàng thanh niên nhận ra cụ già mà anh cho là quê mùa dốt nát kia lại là 1 bác học lỗi lạc, thời danh: Louis Pasteur.
…Chúng ta hãy đến với Mẹ Maria bằng việc lần chuỗi Mân Côi. Và điều quan trọng không phải là lần nhiều hay ít, nhưng là lần hạt 1 cách sốt sắng và nhất là phải suy niệm các mầu nhiệm được chứa đựng trong kinh Mân Côi để i chúng ta cũng biết noi gương bắt chước các nhân đức sáng ngời của Mẹ.
Hãy đến với Mẹ Maria để Mẹ đưa chúng ta đến với Đức Giêsu – Con Mẹ, Đấng cứu chuộc của chúng ta. Amen.