Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Bản tóm tắt Sứ điệp Truyền Giáo 2013

Bản tóm tắt Sứ điệp Truyền Giáo 2013

(Gp. Bà Rịa)

Ngày thế giới truyền giáo năm nay trùng vào Năm Đức Tin, Hội Thánh có cơ hội gia tăng đời sống thân mật với Chúa hơn và can đảm hơn trong sứ vụ loan loan báo Tin Mừng. Sau đây là một số suy tư của Đức Giáo Hoàng gửi cho các tín hữu :
1. Đức tin trước hết là hồng ân của Thiên Chúa ban để con người có thể nhận biết và yêu mến Người, nhất là cho họ được tham dự vào sự sống thần linh của Ba Ngôi. Để đáp trả hồng ân đức tin này, người tín hữu không ngừng phó thác bản thân đời mình một cách tự do cho Thiên Chúa và tin tưởng vào lòng thương xót vô biên của Người. Tuy nhiên, hồng ân đức tin này không dành riêng cho một số người, mà còn được trao ban cho hết mọi người. Đức Bênêđictô XVI khẳng định rằng: việc “mở rộng truyền giáo là dấu chỉ cho thấy sự trưởng thành của một cộng đoàn Hội Thánh”. Thật vậy, một cộng đoàn “trưởng thành” là một cộng đoàn tuyên xưng, cử hành, sống bác ái và không ngừng rao giảng Lời Chúa, nhất là cho những người chưa một lần gặp gỡ Đức Kitô. Khả năng quảng bá, thông truyền đức tin cho người khác và sống đức ái, là thước đo sự tăng trưởng lòng tin của cá nhân cũng như của cộng đoàn.

2. Năm Đức Tin không chỉ thúc đẩy Hội Thánh ý thức về sự hiện diện của mình trong thế giới, mà còn quan tâm đến sứ mạng trong các dân tộc đa văn hóa. Công đồng Vaticano II nhấn mạnh đến việc mở rộng ranh giới đức tin là nhiệm vụ của mọi cộng đoàn Kitô hữu. “Chính các cộng đoàn này phải làm chứng cho Đức Kitô trước các dân tộc” (AG 37). Và bởi vì đây là yếu tố căn bản của đời sống Kitô hữu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặc biệt mời gọi tất cả các giám mục, linh mục, các hội đồng linh mục, mục vụ và mọi người có trách nhiệm phải ưu tiên cho chiều kích truyền giáo này một chỗ đứng trong chương trình đào tạo và mục vụ.
3. Công việc truyền giáo của Hội Thánh qua mọi thời đại luôn cho thấy có những thách đố đến từ bên trong cũng như bên ngoài. Yếu tố bên trong có thể do thiếu nhiệt tình, niềm vui, sự can đảm và hi vọng trong việc loan báo Đức Kitô cho mọi người. Còn yếu tố bên ngoài là do việc loan báo Tin Mừng không phải là một hành vi cá nhân, nhưng “luôn luôn là một hành vi của Hội Thánh” (EN 60). Vì thế, sự cộng tác truyền giáo sẽ là động lực tạo nên sức mạnh bền vững nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần
4. Với công nghệ kĩ thuật cao, phương tiện truyền thông hiện đại tạo nên cơ hội hòa trộn con người khắp nơi trong và ngoài các quốc gia. Sự kiện này làm nảy sinh vấn đề như di dân, từ đó mọi người đều chịu ảnh hưởng và tác động lẫn nhau trong đời sống tôn giáo cũng như vật chất, nhất là vấn đề về đức tin. Trong hoàn cảnh hỗn tạp như thế, Hội Thánh cần phải can đảm rao giảng Tin mừng của Đức Kitô để mang lại niềm hi vọng, sự hòa giải và tình hiệp thông, đặc biệt là sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa đầy lòng thương xót trong thế giới. Hội Thánh cũng ý thức rằng, truyền giáo hôm nay không phải là việc chiêu dụ người ta trở về với Chúa, nhưng là làm chứng bằng đời sống của chính mình để sao cho mọi người thấy được cuộc gặp gỡ thân tình của chúng ta với Đức Kitô, đấng trao ban tình yêu và ơn cứu độ đến cho thế giới.
5. Sau cùng, Đức Thánh Cha mời gọi và khích lệ mọi người truyền giáo, đặc biệt là sự dấn thân quảng đại của các nhà truyền giáo của các Hội Thánh trẻ, nhờ đó, nhiều Hội Thánh đang gặp khó khăn được ơn canh tân, đổi mới. Ngài xin các giám mục, dòng tu và các cộng đoàn hoạt động theo sự chỉ dẫn của sắc lệnh Ad Gentes, đồng thời giúp các Hội Thánh khác có thêm các ơn gọi truyền giáo. Sau cùng, ngài mong ước Năm Đức Tin giúp các tín hữu gia tăng mối tương quan thân tình của chúng ta với Đức Kitô, “vì chỉ ở trong Người, chúng ta mới có niềm tin vững chắc hướng tới tương lai và bải đảm một tình yêu chân chính và lâu bền” (Porta Fidei, 15).