Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Bản toát yếu sách Giaó lý của Hội Thánh Công giaó - 2009



PHẦN I
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

MỤC THỨ NHẤT
“TÔI TIN” – “CHÚNG TÔI TIN”

1. Ý định Thiên Chúa về con người là gì?
Thiên Chúa tự bản thể là Đấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định hoàn toàn do lòng nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ đườc thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài. Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa Cha đã cử Con Ngài đến làm Đấng Cứu Thế chuộc tội cho nhân loại đã sa ngã trong tội lỗi, để kêu gọi họ vào trong Hội Thánh Ngài, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đón nhận họ làm dưỡng tử và làm người thừa hưởng hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài.

CHƯƠNG MỘT
CON NGƯỜI “CÓ KHẢ NĂNG”
ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA
“Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và rất đáng ca tụng…. Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con không yên nghỉ cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa” (Thánh Augustino).

2. Tại sao con người khát khao Thiên Chúa?
Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình, chính Thiên Chúa đã khắc ghi vào trong tâm hồn họ sự khát khao nhìn thấy Ngài. Cả khi họ không nhận ra sự khát khao này, Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo họ đến với mình, để họ được sống và tìm được nơi Ngài chân lý và hạnh phúc viên mãn mà họ không ngừng tìm kiếm. Vì vậy, tự bản chất và do ơn gọi của mình, con người là một hữu thể tôn giáo, có khả năng đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa. Mối liên hệ mật thiết và sống động này với Thiên Chúa đem lại cho con người phẩm giá căn bản của mình.

3. Với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có thể nhận biết Thiên Chúa không?
Khởi từ công trình tạo dựng, nghĩa là từ thế giới vật chất và con người, con người có thể chỉ dùng lý trí cũng nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của vũ trụ, là sự thiện hảo tối cao, là chân lý và vẻ đẹp vô cùng vô tận.

4. Chỉ với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có đủ khả năng để nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa hay không?
Chỉ với ánh sáng của lý trí, con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa. Hơn nữa, tự mình, con người không thể nào đi vào mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa đã muốn soi dẫn con người bằng cách mạc khải cho họ, không những về những gì vượt quá sự hiểu biết nhân loại, mà cả về những chân lý tôn giáo và luân lý, tự chúng vốn không vượt quá khả năng của lý trí, như vậy mọi người có thể biết được những chân lý đó cách dễ dàng, chắc chắn và không sợ sai lầm.

5. Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa thế nào?
Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa cho tất cả mọi người, khởi đi từ những nét hoàn hảo của con người và của những thụ tạo khác, vì đó là một phản ánh, dù rất hữu hạn, về sự hoàn hảo vô tận của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta phải không ngừng thanh luyện ngôn ngữ của chúng ta vì nó bất toàn và bị lệ thuộc vào hình ảnh, đồng thời ý thức rằng chúng ta không bao giờ có thể diễn tả đầy đủ mầu nhiệm vô tận của Thiên Chúa.

CHƯƠNG HAI
THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI

MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

6. Thiên Chúa mạc khải cho con người điều gì?
Với lòng nhân hậu và sự khôn ngoan, Thiên Chúa tự mạc khải chính mình cho con người. Qua các biến cố và lời nói, Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài cũng như ý định của lòng nhân hậu, mà Ngài đã hoạch định tự muôn đời trong Đức Kitô vì lợi ích của con người. Ý định này nhằm cho mọi người, nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần, được thông phần sự sống của Thiên Chúa, để trở nên nghĩa tử trong Người Con duy nhất của Ngài.

7. Những giai đoạn đầu tiên của mạc khải là gì?
Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho nguyên tổ chúng ta, là ông Adam và Eva, và mời gọi họ hiệp thông mật thiết với Ngài. Sau khi họ sa ngã, Ngài đã không chấm dứt việc mạc khải, nhưng đã hứa ban ơn cứu độ cho tất cả dòng dõi họ. Sau cơn lụt đại hồng thủy, Ngài đã thiết lập với ông Noe một Giao ước giữa Ngài với tất cả các sinh vật.

8. Những giai đoạn tiếp theo của mạc khải của Thiên Chúa là gì?
Thiên Chúa chọn ông Abraham, khi gọi ông rời bỏ quê hương để làm cho ông trở thành “cha của vô số dân tộc” (St 17, 5) và hứa sẽ chúc lành cho “mọi gia tộc trên mặt đất” (St 12, 3) qua ông. Dòng dõi ông Abraham là những kẻ được ủy thác các lời Thiên Chúa đã hứa với các Tổ phụ. Thiên Chúa đã lập Israel làm dân Ngài tuyển chọn, cứu thoát họ khỏi ánh nô lệ Ai Cập, thiết lập với họ Giao ước Sinai, và qua ông Mose, Ngài ban cho họ Lề luật của Ngài. Các Tiên tri đã loan báo một ơn cứu chuộc toàn diện cho Dân Chúa và một ơn cứu độ bao gồm mọi dân tộc, trong một Giao ước mới và vĩnh cửu. Từ dân Israel, từ dòng dõi vua Đavít, Đấng Mesiah sẽ sinh ra: đó là Chúa Giêsu.

9. Giai đoạn mạc khải trọn vẹn và cuối cùng của Thiên Chúa là gì?
Giai đoạn mạc khải trọn vẹn và cuối cùng của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ngôi Lời nhập thể, là Đức Giêsu Kitô, Đấng trung gian và viên mãn của mạc khải. Chúa Giêsu, Con duy nhất của Thiên Chúa, đã làm người, là Lời hoàn hảo và cuối cùng của Chúa Cha. Mạc khải đã được hoàn tất cách trọn vẹn qua việc Thiên Chúa Cha sai Con Ngài và ban tặng Thánh Thần, mặc dù đức tin của Hội Thánh phải trải qua bao thế kỷ mới dần dần nhận biết ý nghĩa đầy đủ của mạc khải.

“Từ khi Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Ngài, Đấng là Lời duy nhất và dứt khoát của Ngài, Thiên Chúa đã nói với chúng ta một lần duy nhất trong Lời này và Ngài không còn gì để nói thêm nữa” (Thánh Gioan Thánh Giá).

10. Các mạc khải tư có giá trị nào?
Các mạc khải tư mặc dầu không thuộc về kho tàng đức tin, những có thể giúp chúng ta sống đức tin, với điều kiện là các mạc khải đó vẫn giữ một liên hệ chặt chẽ với Đức Kitô. Huấn quyền Hội Thánh, có thẩm quyền để phân định các mạc khải tư đó, không thể chấp nhận những mạc khải nào muốn vượt qua hay sửa đổi mạc khải cuối cùng là chính Đức Kitô.

LƯU TRUYỀN MẠC KHẢI
CỦA THIÊN CHÚA

11. Tại sao phải lưu truyền mạc khải của Thiên Chúa và lưu truyền bằng cách nào?
Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4), nghĩa là nhận biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế, cần phải rao giảng Đức Kitô cho mọi người, như chính lời Người dạy: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Điều này được thực hiện bởi truyền thống Tông đồ.

12. Truyền thống Tông đồ là gì?
Truyền thống Tông đồ là việc chuyển đạt sứ điệp của Đức Kitô, đã được hoàn tất ngay từ lúc khởi đầu Kitô giáo, qua việc rao giảng, làm chứng, qua các cơ chế, phụng tự, và các sách được linh hứng. Các Tông đồ đã chuyển đạt mọi điều các ngài đã lãnh nhận từ Đức Kitô và học hỏi từ Chúa Thánh Thần cho những người kế nhiệm các ngài, là các Giám mục, và qua các vị, cho mọi thế hệ đến tận thế.

13. Truyền thống Tông đồ được thực hiện như thế nào?
Truyền thống Tông đồ được thực hiện bằng hai cách: qua việc chuyển đạt sống động Lời Chúa (được gọi cách đơn sơ là Thánh Truyền) và qua Thánh Kinh, trong đó cũng một lời rao giảng ơn cứu độ được ghi lại bằng chữ viết.

14. Tương quan giữ Thánh Truyền và Thánh Kinh như thế nào?
Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết và giao lưu mật thiết với nhau. Thật vậy, cả hai làm cho mầu nhiệm Đức Kitô được hiện diện và sung mãn trong Hội Thánh và cả hai cùng xuất phát từ một cội nguồn là Thiên Chúa. Cả hai làm nên một kho tàng đức tin duy nhất, nơi Hội Thánh nhận được sự đảm bảo chắc chắn về tất cả những chân lý được mạc khải.

15. Kho tàng đức tin đã được ủy thác cho ai?
Các Thánh Tông đồ đã ủy thác kho tàng đức tin cho toàn thể Hội Thánh. Nhờ Chúa Thánh Thần hỗ trợ và nhờ Huấn quyền hướng dẫn, với cảm thức siêu nhiên của đức tin, toàn thể dân Chúa đón nhận mạc khải của Thiên Chúa, hiểu biết mỗi ngày một sâu xa hơn, và cố gắng áp dụng vào đời sống.

16. Ai có thẩm quyền để giải nghĩa kho tàng đức tin?
Chỉ có Huấn quyền sinh động của Hội Thánh, nghĩa là vị kế nhiệm Thánh Phero làm Giám mục Roma, và các Giám mục hiệp thông với ngài, mới có đủ thầm quyền giải thích kho tàng đức tin. Huấn quyền, trong việc phục vụ Lời Chúa, được hưởng đặc sủng chắc chắn về chân lý, cũng có trách nhiệm xác định các tín điều, nghĩa là những công thức trình bày các chân lý chứa đựng trong mạc khải của Thiên Chúa; thẩm quyền này cũng áp dụng đối với các chân lý có liên hệ thiết yếu với mạc khải.

17. Đâu là mối tương quan giữa Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền?
Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền liên hệ chặt chẽ với nhau, đến độ thực thể này không hiện hữu nếu không có hai thực thể kia. Dưới tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, cả ba cùng góp phần cách hữu hiệu vào ơn cứu độ loài người, mỗi thực thể theo cách thức riêng của mình.

THÁNH KINH

18. Tại sao Thánh Kinh dạy chân lý?
Bởi vì chính Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh. Do đó Thánh Kinh là quyển sách được linh hứng và dạy dỗ cách không sai lạc những chân lý cần thiết cho ơn cứu độ chúng ta. Thật vậy, Chúa Thánh Thần đã linh hứng cho các tác giả phàm nhân để họ viết ra những điều Thiên Chúa muốn dạy dỗ chúng ta. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo không phải là một “tôn giáo của sách vở”, nhưng là của Lời Thiên Chúa, “không là một lời được viết ra và câm lặng, nhưng là Ngôi Lời nhập thể và sống động” (Thánh Benado Clairvaux).

19. Chúng ta phải đọc Thánh Kinh như thế nào?
Thánh Kinh phải được đọc và giải thích với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và với sự hướng dẫn của Huấn quyền Hội Thánh, theo ba tiêu chuẩn:
1. Phải chú ý đến nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Thánh Kinh;
2. Phải đọc Thánh inh trong Thánh Truyền sống động của Hội Thánh.
3. Phải chú ý đến tính tương hợp của đức tin, nghĩa là đến sự liên hệ hài hòa giữa các chân lý đức tin với nhau.

20. Quy điển cách Sách Thánh là gì?
Quy điển các Sách Thánh là danh mục đầy đủ các Sách Thánh, mà truyền thống Tông đồ đã phân định rõ ràng cho Hội Thánh. Quy điển này gồm có bốn mươi sáu tác phẩm Cựu Ước và hai mươi bảy tác phẩm Tân Ước.

21. Đâu là tâm quan trọng của Cựu Ước đối với các người Kitô hữu?
Người Kitô hữu tôn kính Cựu Ước như là Lời đích thực của Thiên Chúa. Tất cả các tác phẩm của Cựu Ước được Thiên Chúa linh hứng nên có một giá trị trường tồn. Cựu Ước làm chứng về phương pháp giáo dục của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Nhất là, các tác phẩm Cựu Ước được viết ra để chuẩn bị cho việc Đức Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài, ngự đến.

22. Đâu là tầm quan trọng của Tân Ước đối với các người Kitô hữu?
Đối tượng trung tâm của Tân Ước là Đức Giêsu Kitô. Tân Ước dạy chúng ta chân lý cuối cùng được Thiên Chúa mạc khải. Trong Tân Ước, bốn quyền Tin Mừng – Matthew, Marco, Luca, Gioan – là những lời chứng chính yếu về đời sống và về lời giảng dạy của Chúa Giêsu; vì thế bốn quyền sách này là trung tâm của tất cả các Sách Thánh và có một vị trí độc nhất trong Hội Thánh.

23. Đâu là sự thống nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước?
Thánh Kinh chỉ là một, vì chỉ có một Lời Chúa duy nhất, một chương trình cứu độ duy nhất của Thiên Chúa và một linh hứng duy nhất của Thiên Chúa cho cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước và Tân Ước hoàn thành Cựu Ước: cả hai soi sáng cho nhau.

24. Thánh Kinh giữ vai trò nào trong đời sống Hội Thánh?
Thánh Kinh nâng đỡ và thêm sức mạnh cho đời sống Hội Thánh. Đối với con cái Hội Thánh, Thánh Kinh củng cố đức tin, là lương thực và nguồn mạch của đời sống thiêng liêng. Thánh Kinh là linh hồn của khoa thần học và giảng thuyết mục vụ. Tác giả Thánh vịnh gọi Thánh Kinh là “đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118 [119], 105). Vì thế, Hội Thánh khuyến khích chúng ta thường xuyên đọc Thánh Kinh, vì “không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô” (Thánh Gieronimo).

CHƯƠNG BA
LỜI ĐÁP TRẢ CỦA CON NGƯỜI
VỚI THIÊN CHÚA

TÔI TIN

25. Con người đáp trả như thế nào với Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải?
Được ân sủng của Thiên Chúa nâng đỡ, con người đáp lời Thiên Chúa bằng việc vâng phục đức tin, nghĩa là tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa và đón nhận chân lý của Ngài, chân lý được Thiên Chúa bảo đảm vì Ngài là chính Chân Lý.

26. Trong Thánh Kinh, ai là những chứng nhân chính yếu cho việc vâng phục đức tin?
Có nhiều chứng nhân, nhưng đặc biệt là hai vị:
- Ông Abraham, dù bị thử thách, “vẫn vững tin vào Thiên Chúa” (Rm 4, 3) và luôn vâng theo tiếng gọi của Ngài; vì thế ông trở thành “tổ phụ của tất cả những người tin” (Rm 4, 11.18).
- Đức Trinh Nữ Maria, trong suốt cuộc đời đã thể hiện một cách tuyệt vời sự vâng phục đức tin: “Fiat mihi secundum verbum tuum – xin Chúa thực hiện cho tôi như lời Thiên sứ nói” (Lc 1, 38).

27. Tin vào Thiên Chúa có ý nghĩa cụ thể gì cho con người?
Tin có nghĩa là gắn bó với chính Thiên Chúa, tin tưởng phó thác bản thân cho Ngài và chấp nhận tất cả những chânlý do Ngài mạc khải vì Ngài chính là Chân Lý. Tin có nghĩa là tin kính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

28. Đức tin có những đặc điểm nào?
Đức tin là nhân đức siêu nhiên cần thiết để được cứu độ. Đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban không và tất cả những ai khiêm tốn cầu xin đều có thể đạt tới. Hành vi đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa là một hành động của của lý trí con người, được lòng muốn thúc đẩy do tác động của Thiên Chúa, tự do chấp nhận chân lý Thiên Chúa. Ngoài ra, đức tin còn có đặc tính chắc chắn, vì được đặt nền tảng trên Lời Chúa; đức tin hành động “nhờ đức ái” (Gl 5, 6); đức tin luôn tăng triển, đặc biệt nhờ lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Ngay từ bây giờ, đức tin cho chúng ta nếm trước niềm vui trên Trời.

29. Tại sao không có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học?
Dù đức tin vượt lên trên lý trí, nhưng không bao giờ có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học, vì cẩhi đều có cùng một cội nguồn là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban ánh sáng lý trí và ban đức tin cho con người.

“Tôi tin để hiểu, và tôi hiểu để tin” (Thánh Augustino).

CHÚNG TÔI TIN

30. Tại sao đức tin là một hành vi cá nhân nhưng đồng thời cũng là hành vi mang tính Giáo Hội?
Đức tin là một hành vi cá nhân, vì đó là sự đáp trả tự do của con người đối với Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải. Nhưng đồng thời đó cũng là một hành vi mang tính Giáo Hội, tính chất này được bày tỏ trong lời tuyên xưng: “Chúng tôi tin”. Thật vậy, chính Hội Thánh tin: và như thế, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đi trước, sinh ra và nuôi dưỡng đức tin của mỗi người. Vì thế, Hội Thánh là Mẹ và là Thầy.

“Không ai có thể có Thiên Chúa là Cha, mà lại không có Hội Thánh là Mẹ” (Thánh Cypriano).

31. Tại sao những công thức đức tin lại quan trọng?
Những công thức đức tin là quan trọng vì giúp chúng ta diễn tả, thấm nhuần, cử hành và cùng chia sẻ với những người khác các chân lý đức tin, qua việc sử dụng một ngôn ngữ chung.

32. Phải hiểu như thế nào về đức tin duy nhất của Hội Thánh?
Dù được hình thành do nhiều người khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa và phong tục, nhưng Hội Thánh đồng thanh tuyên xưng một đức tin duy nhất, được lãnh nhận từ một Chúa duy nhất và được chuyển đạt qua một truyền thông Tông đồ duy nhất. Hội Thánh tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – và dạy một con đường cứu độ duy nhất. Vì thế, chúng ta, cùng một lòng một ý, tin những gì chứa đựng trong Lời Chúa, được truyền đạt hay được viết ra, và những gì được Hội Thánh xác định là do Thiên Chúa mạc khải.
MỤC THỨ HAI
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

KINH TIN KÍNH

KINH TIN KÍNH CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ
Tôi tin kính Đức Chúa Trời
Là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô
Là Con Một Đức Chúa Cha
Cùng là Chúa chúng tôi.
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần
Mà Người xuống thai,
Sinh bởi bà Maria đồng trinh,
Chịu nạn đời quan Phongxio Philato,
Chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá,
Chết và táng xác,
Xuống ngục tổ tông,
Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại,
Lên Trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng,
Ngày sau bởi Trời lại xuống
Phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.
Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này,
Các Thánh thông công.
Tôi tin phép tha tội.
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
Tôi tin hằng sống vậy. Amen

KINH TIN KÍNH NICEA–CONSTANTINOPOLI
Tôi tin kính một Thiên Chúa
Là Cha toàn năng,
Đấng tạo thành trời đất,
Muôn vật hữu hình và vô hình.
Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô,
Con Một Thiên Chúa,
Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời.
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,
Ánh sáng bởi Ánh sáng,
Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,
Được sinh ra mà không phải được tạo thành,
Đồng bản thể với Đức Chúa Cha:
Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.
Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta,
Người đã từ Trời xuống thế.
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần,
Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria
Và đã làm người.
Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta,
Thời quan Phongxio Philato;
Người chịu khổ hình và mai táng,
Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.
Người lên Trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha,
Và Người sẽ lại đến trong vinh quang
Để phán xét kẻ sống và kẻ chết,
Nước Người sẽ không bao giờ cùng.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần
Là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống,
Người bởi Đức Chúa Cha
Và Đức Chúa Con mà ra.
Người được phụng thờ và tôn vinh
Cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con:
Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Tôi tuyên xưng có một phép Rửa để tha tội.
Tôi trông đợi kẻ chết sống lại
Và sự sống đời sau. Amen

CHƯƠNG MỘT

TÔI TIN KÍNH
ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA

CÁC KINH TIN KÍNH

33. Các kinh Tin Kính là gì?
Đó những công thức ngắn gọn, còn được gọi là những “bản tuyên xưng đức tin” hay “kinh Tin Kính” qua đó Hội Thánh, ngay từ thuở ban đầu, đã diễn tả đức tin của mình một cách tổng hợp và chuyển đạt đức tin ấy bằng một ngôn ngữ chuẩn hóa và chung cho mọi tín hữu.

34. Các kinh Tin Kính cổ nhất là những kinh nào?
Đó là những kinh Tin Kính dùng khi cử hành Bí tích Rửa tội. Vì Bí tích Rửa tội được ban “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19), nên các chân lý đức tin mà các người lãnh nhận Bí tích Rửa tội tuyên xưng, được phân chia theo ba ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi.

35. Các kinh Tin Kính quan trọng nhất là những kinh nào?
Những kinh quan trọng nhất là:
- Kinh Tin Kính của các Thánh Tông đồ, là bản tuyên xưng đức tin cổ xưa dùng khi cử hành Bí tích Rửa tội của Giáo Hội Roma;
- Kinh Tin Kính Công đồng Nicea–Constatinopoli, là kết quả của hai Công đồng chung đầu tiên, tại Nicea (năm 325) và tại Constatinopoli (năm 381).
Hai kinh này vẫn còn là hai bản kinh chung cho tất cả các Giáo Hội lớn của Đông phương và Tây phương.

“TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA PHÉP
TẮC VÔ CÙNG, DỰNG NÊN TRỜI ĐẤT”

36. Tại sao bản tuyên xưng đức tin được khởi đầu bằng “Tôi tin kính Đức Chúa Trời”?
Bởi vì xác quyết “Tôi tin kính Đức Chúa Trời” là điều quan trọng nhất. Xác quyết này là nguồn gốc của mọi chân lý khác về con người, về vũ trụ và về toàn bộ đời sống của tất cả những ai tin Thiên Chúa.

37. Tại sao chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất?
Bởi vì Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Israel biết rằng Ngài là Thiên Chúa duy nhất, khi Ngài nói: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6, 4), “Ta là Thiên Chúa, chẳng còn Chúa nào khác” (Is 45, 22). Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận điều này: Thiên Chúa là “Đức Chúa duy nhất” (Mc 12, 29). Tuyên xưng Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa và là Đức Chúa không hề đưa đến sự chia cắt nào nơi Thiên Chúa duy nhất.

38. Thiên Chúa tự mạc khải với danh xưng nào?
Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho ông Mose là Thiên Chúa hằng sống, “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3, 6). Ngài cũng mạc khải Danh Thánh huyền nhiệm của Ngài cho ông: “Ta là Đấng Hằng Hữu” (YHWH). Ngay từ thời Cựu Ước, Danh Thánh của Thiên Chúa không được phép đọc lên, nên phải thay thế bằng danh hiệu Đức Chúa. Như vậy trong Cựu Ước, Chúa Giêsu được người ta gọi là Đức Chúa, tức là được nhìn nhận là Thiên Chúa thật.

39. Có phải chỉ một mình Thiên Chúa “hiện hữu” không?
Trong khi tất cả mọi thụ tạo đều lãnh nhận từ Thiên Chúa tất cả những gì chúng là và có, chỉ Thiên Chúa mới tự mình hiện hữu một cách trọn vẹn và tuyệt hảo. Ngài là “Đấng Hằng Hữu” không có khởi đầu và cũng chẳng có cùng tận. Chúa Giêsu cũng mạc khải rằng Người mang Danh Thánh: “Ta Hằng Hữu” (Ga 8, 28).

40. Tại sao việc mạc khải Danh Thánh Thiên Chúa là điều quan trọng?
Qua việc mạc khải Danh Thánh, Thiên Chúa cho thấy sự phong phú chất chứa trong mầu nhiệm khôn lường của Ngài. Chỉ mình Ngài hiện hữu từ muôn thuở và cho đến muôn đời. Ngài siêu việt trên vũ trụ và lịch sử. Chính Ngài là Đấng tạo thành trời đất. Ngài là Thiên Chúa trung tín, luôn gần gũi với dân để cứu độ họ. Ngài là Đấng Thánh tuyệt đối, “giàu lòng thương xót” (Ep 2, 4), luôn sẵn sàng tha thứ. Ngài là Hữu Thể thiêng liêng, siêu việt, toàn năng, vĩnh cửu, ngôi vị, trọn hảo. Ngài là chân lý và tình yêu.

“Thiên Chúa là Hữu Thể vô cùng tuyệt hảo, là Ba Ngôi cực Thánh” (Thánh Turibius thành Mogrovejo).

41. Phải hiểu “Thiên Chúa là chân lý” như thế nào?
Thiên Chúa là chính Chân Lý; và do đó, Ngài không lầm lẫn, cũng không thể lừa dối ai. Ngài là “Ánh sáng, nơi Ngài không có một chút bóng tối nào” (1Ga 1, 5). Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, là sự Khôn Ngoan nhập thể, đã được sai đi vào thế gian “để làm chứng cho chân lý” (Ga 18, 37).

42. Thiên Chúa mạc khải Ngài là Tình Yêu như thế nào?
Thiên Chúa tự mạc khải cho dân Israel rằng Ngài là Đấng có một tình yêu mạnh mẽ hơn tình yêu của cha mẹ đối với con cái hoặc của vợ chồng đối với nhau. Tự bản chất, “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8.16), Ngài tự hiến ban mình cách trọn vẹn và ban không, Ngài “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, (…) để nhờ Con Ngài, mà thế gian được cứu độ” (Ga 3, 16–17). Khi sai phái Con Ngài và Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu.

43. Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất bao hàm những gì?
Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất bao hàm: việc nhận biết sự vĩ đại và quyền năng của Ngài; sống trong tâm tình cảm tạ; luôn tin tưởng vào Ngài, cả khi gặp nghịch cảnh; nhận biết sự hợp nhất và phẩm giá đích thực của mọi người, đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa; sử dụng cách đúng đắn những gì Thiên Chúa đã dựng nên.

44. Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là gì?
Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực Thánh. Các người Kitô hữu được Rửa tội nhân Cha và Con và Thánh Thần.

45. Chỉ dùng lý trí, con người có thể biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hay không?
Thiên Chúa đã để lại những dấu vết về thực thể Ba Ngôi của Ngài trong công trình tạo dựng và trong Cựu Ước; nhưng thực thể nội tại của Ba Ngôi cực Thánh vẫn là một mầu nhiệm mà lý trí thuần túy của con người và ngay cả đức tin của Israel không thể nào đạt tới được, trước khi Con Thiên Chúa nhập thể và Chúa Thánh Thần được gửi đến. Mầu nhiệm này đã được Đức Giêsu Kitô mạc khải và là nguồn gốc của tất cả các mầu nhiệm khác.

46. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta điều gì về mầu nhiệm Chúa Cha?
Đức Giêsu Kitô mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là “Cha”, không những vì Ngài là Đấng sáng tạo vũ trụ và con người, nhưng trên hết, vì từ đời đời Ngài đã sinh ra Chúa Con tự lòng mình, Đấng là Ngôi Lời, là “phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1, 3).

47. Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta, là ai?
Ngài là Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi cực Thánh. Ngài là Thiên Chúa, hợp nhất và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con. Ngài “xuất phát từ Chúa Cha” (Ga 15, 26), Đấng là nguyên lý không có khởi đầu, là nguồn gốc tất cả cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng xuất phát từ Chúa Con (Filioque), vì Chúa Cha đã trao ban Ngài cho Chúa Con như ân ban vĩnh cửu. Được Chúa Cha và Chúa Con nhập thể sai phái, Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh đến sự nhận biết “Chân lý trọn vẹn” (Ga 16, 13).

48. Hội Thánh diễn tả đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào?
Hội Thánh diễn tả đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi khi tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất mà Ngài có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi vị Thần linh chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, vì mỗi Ngôi vị đều có trọn vẹn bản thể duy nhất và không thể phân chia của Thiên Chúa. Ba Ngôi thực sự phân biệt với nhau qua các liên hệ tương quan với nhau. Chúa Cha sinh ra Chúa Con: Chúa Con được Chúa Cha sinh ra; Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con.

49. Các Ngôi vị Thiên Chúa hoạt động như thế nào?
Ba Ngôi vị Thần linh không thể tách rời nhau trong cùng một bản thể duy nhất, thì cũng không thể tách rời tỏng các hoạt động của mình: Ba Ngôi có chung một hoạt động duy nhất. Tuy nhiên, trong hoạt động thần linh duy nhất này, mỗi Ngôi vị hiện diện theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi.

“Lạy Thiên Chúa của con, lạy Ba Ngôi con tôn thờ… xin ban bình an cho linh hồn con, xin biến linh hồn con thành Thiêng đàng của Chúa, thành nơi cư ngụ mà Chúa ưa thích, và nơi nghỉ ngơi của Chúa. Ước gì con không bao giờ bỏ mặc Chúa một mình, nhưng ước gì con ở đó với trọn vẹn bản thân, hoàn toàn tỉnh thức trong đức tin, hoàn toàn thờ lạy, và hoàn toàn phó thác cho hoạt động sáng tạo của Chúa” (Chân phước Elisabeth Chúa Ba Ngôi).

50. Thiên Chúa toàn năng nghĩa là gì?
Thiên Chúa đã tự mạc khải là “Đấng Mạnh Mẽ, Đấng Oai Hùng” (Tv 23 [24], 8), Đấng “không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Sự toàn năng cả Ngài là phổ quát và mầu nhiệm. Sự toàn năng này được biểu lộ trong việc sáng tạo vũ trụ từ hư vô và sáng tạo con người vì tình yêu, nhưng nhất là trong mầu nhiệm nhập thể và trong sự Phục sinh của Con Ngài, trong hồng ân đón nhận chúng ta làm nghĩa tử và thứ tha tội lỗi. Vì thế, Hội Thánh dâng lời cầu nguyện lên “Thiên Chúa toàn năng và hằng hữu” (“Omnipotens sempiterne Deus…”).

51. Tại sao việc khẳng định rằng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa dựng nên trời và đất” (St 1, 1) lại rất quan trọng?
Bởi vì việc tạo dựng là nền tảng cho tất cả các dự định cứu độ của Thiên Chúa. Tạo dựng biểu lộ tình yêu toàn năng và khôn ngoan của Thiên Chúa; đó là bước đầu tiên hướng đến Giao ước của Thiên Chúa duy nhất với Dân Ngài; đó là khởi điểm của lịch sử cứu độ, lịch sử này đạt tới chóp đỉnh nơi Chúa Giêsu; đó là câu trả lời đầu tiên cho các câu hỏi căn bản của con người về nguồn gốc và cùng đích của mình.

52. Ai đã tạo dựng vũ trụ?
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là nguyên lý duy nhất và không thể phân chia của vũ trụ, mặc dù công trình tạo dựng vũ trụ được đặc biệt gắn cho Chúa Cha.

53. Vũ trụ được tạo dựng để làm gì?
Vũ trụ được tạo dựng để tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã muốn biểu lộ và thông ban lòng nhân hậu, chân lý và vẻ đẹp của Ngài. Mục đích tối hậu của việc tạo dựng là để Thiên Chúa, trong Đức Kitô, “có toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15, 28), vì vinh quang của Ngài và vì hạnh phúc của chúng ta.

“Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa” (Thánh Irene).

54. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ như thế nào?
Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ cách tự do, bằng sự khôn ngoan và tình yêu. Vũ trụ không phải là sản phẩm của một luật tất yếu nào đó, của một định mệnh mù quáng hoặc bởi ngẫu nhiên. Thiên Chúa đã tạo dựng “từ hư vô” (ex nihilo, 2Mcb 7, 28) một thế giới được sắp xếp trật tự và tốt lành, nhưng Ngài vô cùng siêu việt trên mọi loài. Ngài gìn giữ vạn vật trong sự hiện hữu, nâng đỡ bằng cách ban cho nó khả năng hoạt động và hướng dẫn nó đến sự trọn hảo, nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

55. Sự quan phòng của Thiên Chúa là gì?
Sự quan phòng của Thiên Chúa là những sắp xếp nhờ đó Thiên Chúa hướng dẫn các thụ tạo của mình đến chỗ hoàn hảo cuối cùng mà Ngài đã định cho chúng. Thiên Chúa là tác giả tối cao kế hoạch Ngài. Nhưng để thực hiện kế hoạch đó, Ngài cũng sử dụng sự cộng tác của các thụ tạo. Đồng thời, Ngài ban cho chúng phẩm giá là tự mình hoạt động và trở thành nguyên nhân cho nhau.

56. Con người cộng tác với sự quan phòng của Thiên Chúa như thế nào?
Tuy vẫn tôn trọng tự do của con người, nhưng Thiên Chúa ban cơ hội và đòi hỏi con người cộng tác với Ngài qua hành động, kinh nguyện và cả sự đau khổ của họ, khi gợi lên trong họ “ước muốn như hành động theo lòng nhân hậu của Ngài” (Pl 2, 13).

57. Nếu Thiên Chúa toàn năng và quan phòng, tại sao lại có sự dữ?
Chỉ có toàn bộ đức tin Kitô giáo mới có thể trả lời cho câu hỏi vừa bi thảm vừa mầu nhiệm này. Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ, dù trực tiếp hay gián tiếp. Ngài làm sáng tỏ mầu nhiệm sự dữ nhờ Con Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại để chiến thắng sự dữ luân lý to lớn, là tội lỗi của con người, nguồn gốc của tất cả những sự dữ khác.

58. Tại sao Thiên Chúa lại cho phép sự dữ xuất hiện?
Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa đã không cho phép sự dữ xuất hiện, nếu Ngài không làm phát sinh điều thiện hảo từ chính sự dữ đó. Điều này Thiên Chúa đã thực hiện cách tuyệt vời trong cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Thật vậy, từ sự dữ luân lý lớn nhất, là cái chết của Con Ngài, Ngài đã rút ra những điều thiện hảo vĩ đại nhất, đó là việc tôn vinh Đức Kitô và là ơn cứu chuộc chúng ta.

TRỜI VÀ ĐẤT

59. Thiên Chúa đã tạo dựng những gì?
Thánh Kinh nói: “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1, 1). Trong bản tuyên xưng đức tin, Hội Thánh công bố Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo muôn vật hữu hình và vô hình, mọi loài thiêng liêng và vật chất, nghĩa là các Thiên thần và vũ trụ hữu hình, và đặc biệt nhất là con người.

60. Các Thiên thần là ai?
Các Thiên thần là những thụ tạo hoàn toàn thiêng liêng, không có thân xác, vô hình và bất tử; đó là những hữu thể có ngôi vị; có lý trí và ý chí. Các ngài không ngừng chiêm ngắm Thiên Chúa diện đối diện và tôn vinh Thiên Chúa; các ngài phục vụ Thiên Chúa và là những sứ giả của Ngài để hoàn thành sứ vụ cứu độ loài người.

61. Các Thiên thần hiện diện trong đời sống của Hội Thánh như thế nào?
Hội Thánh liên kết với các Thiên thần để tôn thờ Thiên Chúa; Hội Thánh kêu cầu sự trợ giúp của các ngài, và trong Phụng vụ, Hội Thánh kính nhờ một số vị trong các ngài.

“Bên cạnh mỗi tín hữu đều có một Thiên thần làm Đấng bảo trợ và mục tử, hướng dẫn họ đến sự sống” (Thánh Basilio Cả).

62. Thánh Kinh dạy gì về việc tạo dựng thế giới hữu hình?
Qua chuyện kể “sáu ngày” tạo dựng, Thánh Kinh cho chúng ta biết giá trị của vũ trụ thụ tạo, và mục đích của nó là để tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ con người. Mọi vật hiện hữu là nhờ Thiên Chúa, tất cả đều lãnh nhận từ Thiên Chúa sự tốt lành và hoàn hảo của mình, lề luật và vị trí của mình trong vũ trụ.

63. Đâu là vị trí của con người trong công trình tạo dựng?
Con người là chóp đỉnh của các thụ tạo hữu hình, vì được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.

64. Các thụ tạo liên hệ với nhau như thế nào?
Theo ý Thiên Chúa, giữa các thụ tạo có mối liên hệ với nhau và một thứ bậc. Đồng thời cũng có một sự hợp nhất và liên đới giữa các thụ tạo, vì tất cả đều có cùng một Đấng Sáng Tạo, tất cả đều được Ngài yêu mến và được sắp đặt để tôn vinh Ngài. Vì thế, tôn trọng những lề luật đã được khắc ghi trong công trình tạo dựng và những mối tương quan phát xuất từ bản chất của mọi vật, là một nguyên tắc khôn ngoan và là một nền tảng của luân lý.

65. Đâu là mối liên hệ giữa công trình tạo dựng và công trình cứu chuộc?
Công trình tạo dựng đạt tới tột đỉnh trong một công trình còn vĩ đại hơn nữa, là công trình cứu chuộc. Thật vậy, công trình cứu chuộc là khởi điểm cho việc tạo dựng mới, trong đó tất cả sẽ tìm được ý nghĩa trọn vẹn và sự viên mãn của mình.

CON NGƯỜI

66. Phải hiểu “con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa” theo nghĩa nào?
Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa theo nghĩa họ có khả năng nhận biết và yêu mến một cách tự do Đấng Sáng Tạo nên mình. Trên mặt đất, chỉ có con người là thụ tạo đã đuợc Thiên Chúa dựng nên cho chính họ và mời gọi họ thông phần vào đời sống Thần linh của Ngài, nhờ nhận biết và yêu thương. Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có phẩm giá của một ngôi vị; họ không phải là một sự vật, nhưng là một con người có khả năng nhận thức về bản thân mình, tự hiến mình cách tự do và đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân.

67. Thiên Chúa dựng nên con người với mục đích nào?
Thiên Chúa đã dựng nên tất cả cho con người, nhưng con người được dựng nên để nhận biết, phục vụ và yêu mến Thiên Chúa, để ở trần gian, họ dâng lên Thiên Chúa mọi thụ tạo mà tạ ơn Ngài, và để họ được nâng lên sống với Thiên Chúa trên Trời. Chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mà mầu nhiệm về con người mới thực sự được sáng tỏ. Con người được tiền định để họa lại hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người, Đấng là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1, 15), hình ảnh trọn hảo.

68. Tại sao mọi người làm thành một loài người duy nhất?
Tất cả mọi người làm thành một loài người duy nhất vì họ có cùng một nguồn gốc, được lãnh nhận từ Thiên Chúa. Hơn nữa, Thiên Chúa “đã tạo thành toàn thể nhân loại từ một người duy nhất” (Cv 17, 26). Tất cả đều có một Đấng Cứu Độ duy nhất. Tất cả đều được mời gọi chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa.

69. Trong con người, linh hồn và thể xác làm thành một thực thể duy nhất như thế nào?
Con người là một hữu thể vừa có yếu tố thể xác, lại vừa có yếu tố tinh thần. Trong con người, tinh thần và vật chất tạo thành một bản thể duy nhất. Tính duy nhất này rất sâu xa đến độ, nhờ nguyên lý tinh thần là linh hồn, mà thể xác, vốn là vật chất, trở thành một thể xác con người sống động, và được dự phần vào phẩm giá “là hình ảnh của Thiên Chúa”.

70. Ai ban linh hồn cho con người?
Linh hồn thiêng liêng không đến từ cha mẹ, nhưng được Thiên Chúa tạo dựng cách trực tiếp, và nó bất tử. Linh hồn lìa khỏi thể xác trong giờ chết, nhưng linh hồn không chết. Linh hồn sẽ tái hợp với thể xác trong ngày sống lại sau hết.

71. Thiên Chúa đã thiết lập mối liên hệ nào giữa người nàm và người nữ?
Người nam và người nữ được Thiên Chúa dựng nên với một phẩm giá ngang nhau là những nhân vị, và đồng thời họ bổ túc cho nhau trong tư cách là nam và nữ. Thiên Chúa đã muốn tạo dựng họ cho nhau, làm nên một sự hiệp thông các ngôi vị. Cả hai cùng được mời gọi truyền lại sự sống con người, khi cả hai trở nên “một xương một thịt” (St 2, 24) trong hôn nhân, và được mời gọi làm chủ trái đất như những “người quản lý” của Thiên Chúa.

72. Tình trạng nguyên thủy của con người theo kế hoạch của Thiên Chúa là gì?
Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã cho họ thông phần cách đặc biệt vào đời sống Thần linh của Ngài, trong sự thánh thiện và công chính. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, con người lẽ ra không phải đau khổ, cũng không phải chết. Ngoài ra, có một sự hài hòa tuyệt hảo nơi chính bản thân con người, giữa thụ tạo với Đấng Tạo Hóa, giữa người nam với người nữ, cũng như giữa đôi vợ chồng đầu tiên với toàn thể thụ tạo.

SỰ SA NGÃ

73. Làm thế nào để hiểu được thực tại của tội lỗi?
Tội lỗi hiện diện trong lịch sử loài người. Một thực tại như thế chỉ được hiểu biết cách đầy đủ dưới áng sáng của mạc khải Thiên Chúa, và nhất là dưới áng sáng của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ mọi người, Đấng làm cho ở đâu tội lỗi lan tràn thì ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.

74. Sự sa ngã của các Thiên thần là gì?
Với cách diễn tả này, người ta muốn nói rằng Satan và các ma quỷ khác, được Thánh Kinh và Thánh Truyền nói đến, vốn là các Thiên thần tốt lành do Thiên Chúa dựng nên, nhưng đã trở thành ác xấu, bởi vì, qua việc chọn lựa tự do và dứt khoát, chúng đã từ chối Thiên Chúa và Vương quyền của Ngài, và như thế làm phát sinh ra hỏa ngục. Chúng cố gắng lôi kéo con người vào cuộc nổi loạn chống lại Thiên Chúa; nhưng trong Đức Kitô, Thiên Chúa xác định chiến thắng chắc chắn của Ngài trên Ác thần.

75. Tội đầu tiên của con người cốt tại điều gì?
Con người, bị ma quỷ cám dỗ, đã dập tắt trong trái tim mình lòng tin tưởng đối với Đấng Tạo Hóa của mình. Khi không tuân phục Thiên Chúa, con người muốn trở nên “như Thiên Chúa”, mà không cần Thiên Chúa và không theo ý Thiên Chúa (St 3, 5). Như thế, Adam và Eva lập tức đánh mất, cho bản thân và cho tất cả dòng giống họ, ân sủng của sự thánh thiện và sự công chính nguyên thủy.

76. Tội tổ tông truyền là gì?
Mọi người sinh ra đều mang tội tổ tông truyền, cũng gọi là nguyên tội. Nguyên tội là tình trạng mất sự thánh thiện và công chính nguyên thủy. Đó là một tội mà chúng ta “mắc phải” chứ không phải là một tội mà chúng ta “phạm”; đó là tình trạng khi sinh ra, chứ không phải là một hành vi cá nhân. Vì mọi người đều cùng có một nguồn gốc duy nhất, nên tội này được truyền lại cho dòng dõi Adam cùng với bản tính loài người, “không phải do bắt chước, nhưng qua truyền sinh”. Việc truyền lại nguyên tội vẫn còn là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu được trọn vẹn.

77. Những hậu quả khác do nguyên tội gây nên là gì?
Sau khi tổ tông đã phạm tội, bản tính con người không hoàn toàn bị hủy hoại, nhưng bị thương tật trong các sức lực tự nhiên của mình, u mê dốt nát, phải đau khổ, bị sự chết thống trị và hướng chiếu về tội lỗi. Sự hướng chiếu này được gọi là dục vọng (concupiscentia).

78. Thiên Chúa đã làm gì sau tội đầu tiên của con người?
Sau tội đầu tiên, thế gian đã bị tràn ngập tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người dưới quyền lực sự chết. Trái lại, Ngài đã tiên báo cách mầu nhiệm – trong “Tiền Tin Mừng” (St 3, 15) – rằng sự dữ sẽ bị đánh bại và con người sẽ được nâng dậy từ sa ngã. Đó là lời tiên báo đầu tiên về Đấng Mesiah cứu chuộc. Vì thế, chúng ta gọi sự sa ngã là “tội hồng phúc” (felix culpa), vì “nhờ có tội, ta mới có được Đấng Cứu Chuộc cao cả dường này” (Phụng vụ đêm Canh thức Vượt Qua).

CHƯƠNG HAI
TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ,
CON MỘT THIÊN CHÚA

79. Tin Mừng cho con người là gì?
Đó là lời loan báo về Đức Giêsu Kitô, “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16), Đấng đã chết và đã sống lại. Vào thời vua Herode và hoàng đế Xedare Augusto, Thiên Chúa đã thực hiện những lời Ngài đã hứa với Abraham và dòng dõi ông, khi sai “Con Mình tới, sinh làm con một người nữ và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4, 4–5).

80. Tin Mừng này được loan đi như thế nào?
Ngay từ đầu, các môn đệ tiên khởi đã khao khát loan báo Đức Giêsu Kitô, nhằm làm cho mọi người tin vào Người. Ngày nay cũng thế, sự hiểu biết say mê Đức Kitô làm nảy sinh nơi các tín hữu niềm khao khát rao giảng Tin Mừng và huấn giáo, nghĩa là giúp mọi người nhận thấy toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa trong con người Chúa Giêsu, và dẫn đưa nhân loại đến hiệp thông với Người.

“TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ, LÀ CON
MỘT ĐỨC CHÚA CHA, CÙNG LÀ CHÚA CHÚNG CON”

81. Danh Thánh “Giêsu” nghĩa là gì?
Danh Thánh “Giêsu”, được Thiên thần đặt ngay từ lúc Truyền tin, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Danh Thánh này nói lên căn tính và sứ mạng của Chúa Giêsu, vì “chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội” (Mt 1, 21). Thánh Phero khẳng định rằng “dưới gầm trời này không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12).

82. Tại sao Chúa Giêsu được gọi là “Đấng Kitô”?
“Kitô” là tiếng Hy Lạp, còn “Mesiah” là tiếng Hipri, có nghĩa là “được xức dầu”. Chúa Giêsu là Đấng Kitô vì Người được Thiên Chúa thánh hiến, được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần để đảm nhận sứ mạng cứu chuộc của Người. Người là Đấng Mesiah mà dân Israel mong đợi, được Chúa Cha sai đến trần gian. Chúa Giêsu đã chấp nhận tước hiệu Mesiah, nhưng đã xác định rõ ràng ý nghĩa tước hiệu này: “từ trời xuống” (Ga 3, 13), chịu đóng đinh rồi sống lại, Người là Tôi Trung Đau Khổ, “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Từ tước hiệu Kitô này, chúng ta được mang danh hiệu là người Kitô hữu.

83. Chúa Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” theo ý nghĩa nào?
Chúa Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” theo một ý nghĩa duy nhất và trọn hảo. Vào lúc Người chịu phép Rửa và trong cuộc Hiển Dung, tiếng của Chúa Cha cho thấy Chúa Giêsu là “Con yêu dấu” của Ngài. Khi Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là người Con “biết Chúa Cha” (Mt 11, 27), Người khẳng định mối tương quan duy nhất và vĩnh cửu của mình với Thiên Chúa là Cha của Người. “Người là Con duy nhất của Thiên Chúa” (1Ga 4, 9), là Ngôi Hai trong Ba Ngôi. Người là trung tâm lời rao giảng của các Thánh Tông đồ: các Tông đồ đã nhìn thấy “vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một” (Ga 1, 14).

84. Tước hiệu “Đức Chúa” có ý nghĩa gì?
Trong Thánh Kinh, thường tước hiệu này chỉ Thiên Chúa tối cao. Chúa Giêsu tự nhận mình tước hiệu này và mạc khải quyền tối thượng thần linh của Người qua quyền năng của Người trên thiên nhiên, trên ma quỷ, trên tội lỗi và trên cái chết, và nhất là qua cuộc Phục sinh của Người. Những lời tuyên tín đầu tiên của các người Kitô hữu công bố rằng quyền năng, danh dự và vinh quang dành cho Thiên Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu, Đấng mà Thiên Chúa “đã tặng ban danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2, 9). Người là Đức Chúa của trần gian và của lịch sử, là Đấng duy nhất mà mọi người, với sự tự do của mình, phải hoàn toàn tùng phục.

“BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN MÀ NGƯỜI
XUỐNG THAI, SINH BỞI BÀ MARIA ĐỒNG TRINH”

85. Tại sao Con Thiên Chúa làm người?
Con Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là để chúng ta, là những kẻ tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, để cho chúng ta biết được tình thương vô bờ bến của Ngài, để trở nên mẫu gương cho chúng ta về sự thánh thiện và để cho chúng ta “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1, 4).

86. Hai tiếng “Nhập Thể” có nghĩa là gì?
Hội Thánh dùng từ “Nhập Thể” để gọi mầu nhiệm sự kết hợp tuyệt vời của thần tính và nhân tính trong Ngôi vị thần linh duy nhất của Ngôi Lời. Để thực hiện công cuộc cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã hóa thành “xác thể” (Ga 1, 14), trở thành con người thật. Tin vào mầu nhiệm Nhập thể là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo.

87. Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật như thế nào?
Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, không thể tách rời nhau trong sự duy nhất của Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Chính Người là Con Thiên Chúa, là Đấng “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”, Người thật sự trở thành con người, trở thành anh em của chúng ta, mà vẫn không ngừng là Thiên Chúa, là Đức Chúa của chúng ta.

88. Công đồng Chalcedonia (năm 451) dạy gì về vấn đề này?
Công đồng Chalcedonia dạy chúng ta phải tuyên xưng: “một Chúa Con duy nhất, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính, và cũng hoàn hảo trong nhân tính; là Thiên Chúa thật và là người thật, gồm có một linh hồn có lý trí và một thân xác; đồng bản thể với Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, “giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4, 15); sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những thời cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

89. Hội Thánh diễn tả mầu nhiệm Nhập Thể như thế nào?
Hội Thánh diễn tả mầu nhiệm này khi xác quyết rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, với hai bản tính là thần tính và nhân tính, không lẫn lộn, nhưng kết hợp trong Ngôi Lời. Vì thế, trong nhân tính của Chúa Giêsu, tất cả – các phép lạ, đau khổ và cái chết – đều được quy về Ngôi vị thần linh của Người, Đấng hoạt động qua nhân tính mà Ngôi vị này đảm nhận.

“Lạy Con duy nhất và Ngôi Lời của Thiên Chúa, dù bất tử, nhưng để cứu độ chúng con, Chúa đã đoái thương nhập thể trong lòng Đức Maria, Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh…. Chúa là Một trong Ba Ngôi chí Thánh, được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin cứu độ chúng con!” (Phụng vụ Byzantin của Thánh Gioan Kim Khẩu).

90. Có phải Con Thiên Chúa làm người có một linh hồn với tri thức nhân loại không?
Con Thiên Chúa đã đảm nhận một thân xác được một linh hồn nhân loại có tri thức làm cho sinh động. Với trí thức nhân loại Chúa Giêsu đã học hỏi nhiều qua kinh nghiệm. Nhưng cũng với tư cách là con người, Con Thiên Chúa có một sự hiểu biết thâm sâu và trực tiếp về Thiên Chúa, Cha của Người. Người cũng nhìn thấu những tư tưởng thầm kín của con người và hiểu biết đầy đủ các ý định muôn thuở và Người đến để mạc khải.

91. Hai ý muốn nơi Ngôi Lời nhập thể hợp tác với nhau như thế nào?
Chúa Giêsu có một ý muốn thần linh và một ý muốn nhân loại. Trong cuộc sống nơi trần gian, Con Thiên Chúa đã muốn, theo nhân tính, điều mà Người đã quyết định, theo thần tính, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần về ơn cứu độ chúng ta. Ý muốn nhân loại của Đức Kitô luôn theo ý muốn thần linh, không miễn cưỡng, không đối kháng, và hơn nữa, ý muốn nhân loại của Người đã tùng phục ý muốn thần linh.

92. Đức Kitô có một thân xác con người thật không?
Đức Kitô đã đảm nhận một thân xác con người thật, qua đó Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình. Vì thế, Đức Kitô có thể được trình bày và tôn kính qua các ảnh tượng Thánh.

93. Trái tim của Đức Kitô nói lên điều gì?
Đức Kitô biết và yêu thương chúng ta bằng một trái tim của con người. Trái tim của Người bị đâm thâu để cứu độ chúng ta, là biểu tượng tình yêu vô biên của Người đối với Chúa Cha và đối với mỗi người.

94. Câu “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai…” có ý nghĩa gì?
Câu này có nghĩa là Đức Trinh Nữ Maria đã thụ thai trong lòng mình Người Con Vĩnh Cửu bởi tác động của Chúa Thánh Thần chứ không có sự cộng tác của một người nam: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1, 35), đó là lời Thiên thần đã nói với Đức Maria lúc Truyền tin.

95. “Sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh”: tại sao Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa?
Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa bởi vì là Mẹ của Chúa Giêsu (Ga 2, 1; 19, 25). Thật vậy, Đấng mà Mẹ đã thụ thai bởi tác động của Chúa Thánh Thần và đã thực sự trở nên con của Mẹ, chính là Con hằng hữu của Thiên Chúa Cha. Chính Người là Thiên Chúa.

96. “Vô nhiễm nguyên tội” nghĩa là gì?
Từ muôn thuở và một cách hoàn toàn nhưng không, Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ của Con mình. Để chu toàn sứ mạng này, Mẹ đã được ơn vô nhiễm ngay từ lúc được thụ thai. Điều này có nghĩa là nhìn thấy trước công nghiệp của Đức Giêsu Ktiô, Thiên Chúa đã ban ân sủng gìn giữ Đức Maria khỏi tội nguyên tổ ngay từ lúc được thụ thai.

97. Đức Maria cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như thế nào?
Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria, suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào. Mẹ là “Đấng đầy ân phúc” (Lc 1, 28), “Đấng hoàn toàn thánh thiện”. Khi Thiên thần báo tin rằng Mẹ sẽ sinh “Con Đấng Tối cao” (Lc 1, 32), Mẹ đã tự do chấp nhận với “sự vâng phục của đức tin” (Rm 1, 5). Đức Maria tự hiến hoàn toàn cho con người và công trình của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, và với trọn tâm hồn, Mẹ chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa.

98. Chúa Giêsu được thụ thai đồng trinh nghĩa là gì?
Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi, không có sự can thiệp của người nam. Người là Con Chúa Cha trên trời theo thần tính, là Con của Đức Maria theo nhân tính, nhưng thực sự là Con Thiên Chúa trong hai bản tính, vì nơi Người chỉ có một Ngôi vị duy nhất, là Ngôi vị Thần linh.

99. Câu “Đức Maria trọn đời đồng trinh” có ý nghĩa gì?
“Đức Maria trọn đời đồng trinh” có nghĩa là Mẹ “vẫn còn đồng trinh khi thụ thai Con mình, đồng trinh khi sinh Con, đồng trinh khi bồng ẵm Người, đồng trinh khi cho Người bú mớm, là người mẹ đồng trinh, vĩnh viễn đồng trinh” (Thánh Augustino). Khi các Tin Mừng nói về “anh chị em của Chúa Giêsu” thì đó là những người bà con họ hàng gần gũi của Chúa Giêsu, theo như cách nói quen dùng trong Thánh Kinh.

100. Đức Maria là Mẹ thiêng liêng của mọi người thế nào?
Đức Maria chỉ có một người Con duy nhất, là Chúa Giêsu, nhưng trong Người, Mẹ là Mẹ thiêng liêng của mọi người đã được Chúa Giêsu đến cứu độ. Vâng phục bên cạnh Adam mới là Đức Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ là bà Eva mới, bà mẹ đích thực của chúng sinh. Với tình yêu từ mẫu, Mẹ cộng tác vào việc sinh hạ và nuôi dưỡng họ trong lĩnh vực ân sủng. Vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ, Đức Maria là hình ảnh của Hội Thánh, là sự thể hiện toàn hảo nhất của Hội Thánh.

101. “Cả cuộc đời Đức Kitô là một mầu nhiệm” nghĩa là gì?
Cả cuộc đời của Đức Kitô là một mạc khải. Điều có thể thấy được trong cuộc đời trần thế của Người dẫn chúng ta đến mầu nhiệm vô hình, nhất là mầu nhiệm Con Thiên Chúa của Người: “Ai thấy Tôi là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Đàng khác, mặc dù ơn cứu độ đã được hoàn thành trọn vẹn qua thập giá và cuộc Phục sinh, nhưng trọn cuộc đời của Đức Kitô là mầu nhiệm cứu độ, vì tất cả những mục đích là để cứu độ loài người sa ngã và để tái lập họ trong ơn gọi làm con Thiên Chúa.

102. Các mầu nhiệm của Chúa Giêsu đã được chuẩn bị như thế nào?
Trước hết, đã có một thời gian hy vọng lâu dài qua nhiều thế kỷ, mà chúng ta lại sống khi cử hành phụng vụ Mùa Vọng. Ngoài sự chờ đợi chưa rõ ràng mà Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn các người ngoại giáo, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho việc Con Ngài ngự đến qua Giao ước cũ, cho đến thời ông Gioan Tẩy Giả, là người cuối cùng và lớn nhất trong các tiên tri.

103. Tin Mừng về mầu nhiệm Giáng Sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì?
Vào lúc Giáng sinh, vinh quang thiên quốc được tỏ lộ trong sự yếu đuối của một hài nhi. Phép cắt bì Chúa Giêsu đã lãnh nhận là dấu chỉ Người thuộc về dân Do Thái và là việc báo trước Bí tích Rửa tội của chúng ta. Hiển Linh là việc Đức Mesiah của Israel tỏ mình ra cho muôn dân. Lúc dâng Chúa vào trong Đền Thờ, người ta nhận ra nơi ông Simeon và bà Anna sự chờ đợi của dân Israel, nay đến gặp gỡ Đấng Cứu Độ của mình. Cuộc trốn sang Ai Cập và sự kiện tàn sát trẻ vô tội báo trước cả cuộc đời của Đức Kitô sẽ chịu nhiều bách hại. Việc Người rời bỏ Ai Cập để trở về nhắc lại cuộc Xuất hành và giới thiệu Đức Kitô như ông Mose mới: Người là Đấng giải phóng đích thực và tối hậu.

104. Quãng đời ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazareth dạy chúng ta điều gì?
Suốt cuộc đời ẩn dật ở Nazareth, Chúa Giêsu đã âm thầm sống một cuộc sống bình thường. Như vậy, Người cho chúng ta được hiệp thông với Người trong sự thánh thiện của đời sống thường ngày được dệt bằng lời cầu nguyện, sự đơn sơ, lao động, tình yêu gia đình. Việc vâng phục của Người đối với Đức Maria và Thánh Giuse, cha nuôi của Người, là hình ảnh của sự vâng phục con tháo của Người đối với Chúa Cha. Với đức tin, Đức Maria và Thánh Giuse đón nhận mầu nhiệm của Chúa Giêsu, dù rằng không phải lúc nào các ngài cũng hiểu được mầu nhiệm ấy.

105. Tại sao Chúa Giêsu lãnh nhận từ tay ông Gioan “phép Rửa tỏ lòng hối cải để được ơn tha tội” (Lc 3, 3)?
Để khởi đầu đời công khai và để báo trước phép Rửa là cái chết của mình, Chúa Giêsu dù không có tội lỗi nào, và là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29), cũng chấp nhận bị liệt vào hàng tội nhân. Chúa Cha tuyên bố Người là “Con yêu dấu” của mình (Mt 3, 17) và Thánh Thần ngự xuống trên Người. Phép Rửa của Chúa Giêsu là hình ảnh báo trước Bí tích Rửa tội của chúng ta.

106. Những con cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc nói lên điều gì?
Những cơn cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu trong sa mạc thu tóm cơn cám dỗ của Adam trong vườn địa đàng và những cơn cám dỗ của dân Israel trong sa mạc. Satan cám dỗ Chúa Giêsu về sự vâng phục sứ vụ mà Chúa Cha đã giao phó cho Người. Đức Kitô, Adam mới đã chống lại cơn cám dỗ, và chiến thắng của Người báo trước chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người. Trong thời gian Phụng vụ mùa Chay, Hội Thánh kết hợp với mầu nhiệm này cách đặc biệt.

107. Ai được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu loan báo và thực hiện?
Chúa Giêsu mời gọi mọi người gia nhập Nước Thiên Chúa. Cả kẻ xấu xa nhất trong các tội nhân cũng được mời gọi hối cải và đón nhận lòng thương xót vô biên của Chúa Cha. Ngay trên mặt đất này, Nước Thiên Chúa đã thuộc về những ai đón nhận với tâm hồn khiêm tốn. Chính cho những người này, những mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa được mạc khải.

108. Tại sao Chúa Giêsu biểu lộ Nước Trời bằng các dấu chỉ và phép lạ?
Chúa Giêsu làm các dấu chỉ và phép lạ kèm theo lời của Người, để chứng tỏ rằng Nước Trời đang hiện diện nơi Người, là Đấng Mesiah. Mặc dù đã chữa lành một số bệnh nhân, Người không đến để loại trừ mọi cái xấu ra khỏi trái đất, nhưng trước hết là để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ báo trước rằng thập giá của Người sẽ chiến thắng “thủ lãnh thế gian” (Ga 12, 31).

109. Trong Nước Trời, Chúa Giêsu đã trao quyền hành nào cho các Tông đồ của Người?
Chúa Giêsu chọn nhóm Mười Hai, những người sẽ là chứng nhân cho cuộc Phục sinh của Người. Người cho họ tham dự vào sứ vụ và quyền hành của Người để dạy dỗ, tha thứ tội lỗi, xây dựng và điều khiển Hội Thánh. Trong nhóm này, Thánh Phero lãnh nhận “chìa khóa Nước Trời” (Mt 16, 19) và chiếm địa vị thứ nhất, có sứ mạng gìn giữ đức tin được toàn vẹn và làm cho các anh em mình nên vững mạnh.

110. Việc Hiển Dung có ý nghĩa gì?
Trước hết, Thiên Chúa Ba Ngôi xuất hiện trong cuộc Hiển Dung: “Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói” (Thánh Toma Aquino). Khi nói với ông Mose và ông Elia về cuộc “ra đi của mình” (Lc 9, 31), Chúa Giêsu cho thấy rằng vinh quang của Người phải đi qua thập giá; và Người báo trước cuộc Phục sinh và cuộc trở lại trong vinh quang của Người, khi Người “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3, 21).

“Lạy Chúa Kitô là Thiên Chúa, Chúa đã hiển dung trên núi và, tùy theo khả năng, các môn đệ chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, để mai sau khi thấy Chúa chịu đóng đinh thập giá, họ hiểu rằng Chúa đã tự nguyện chịu khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho thế giới biết Chúa chính là vinh quang Chúa Cha chiếu tỏa” (Phụng vụ Byzantin).

111. Chúa Giêsu vào Thành Gierusalem với tư cách là Đấng Mesiah như thế nào?
Vào thời gian đã định, Chúa Giêsu quyết lên Gierusalem để chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại từ cõi chết. Với tư cách là Đức Mesiah–Vua, Đấng loan báo Nước Thiên Chúa đến, Người đi vào thành cua Người, cưỡi trên một con lừa. Những kẻ bé mọn đón rước Người bằng lời tung hô mà về sau được đưa vào kinh “Thánh! Thánh! Thánh!” trong Thánh lễ: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chua. Hosanna (xin cứu độ chúng con)” (Mt 21, 9). Phụng vụ Hội Thánh khởi đầu Tuần Thánh bằng việc cử hành biến cố này.

“ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐÃ CHỊU NẠN
ĐỜI QUAN PHONGXIO PHILATO,
CHỊU ĐÓNG ĐINH TRÊN CÂY THÁNH GIÁ,
CHẾT VÀ TÁNG XÁC”

112. Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu có tầm quan trọng nào?
Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu, bao gồm cuộc khổ nạn, cái chết, sự Phục sinh và tôn vinh của Người, là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Vì ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất một lần thay cho tất cả nhờ cái chết cứu chuộc của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô.

113. Chúa Giêsu bị kết án vì những lời tố cáo nào?
Một số thủ lãnh Israel đã tố cáo Chúa Giêsu chống lại lề luật, chống lại Đền Thờ Gierusalem và đặc biệt chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, bởi vì Người tự xưng mình là Con của Thiên Chúa. Chính vì thế họ đã nộp Người cho quan Philato, để Người bị kết án tử hình.

114. Chúa Giêsu đã có thái độ nào đối với Lề luật Israel?
Chúa Giêsu không bãi bỏ lề luật do Thiên Chúa trao ban cho ông Mose trên núi Sinai, nhưng Người đã làm cho lề luật nên trọn bằng cách đem lại cho lề luật lời giải thích tối hậu. Người là Đấng ban hành lề luật của Thiên Chúa, chu toàn lề luật cách viên mãn. Ngoài ra, qua cái chết đền tội trong vai trò Người Tôi Trung, Người hiến dâng hy tế duy nhất có khả năng cứu chuộc tất cả “tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao ước đầu tiên” (Dt 9, 15).

115. Chúa Giêsu đã có thái độ nào đối với Đền Thờ Giêrusalem?
Chúa Giêsu bị kết án là có thái độ thù nghịch với Đền Thờ. Thực ra, Người đã tôn trọng Đền Thờ như là “nhà của Cha mình” (Ga 2, 16). Chính tại đó, Người đã giảng dạy một phần giáo huấn quan trọng của Người. Nhưng Người cũng báo trước Đền Thờ sẽ bị tàn phá, trong liên hệ với cái chết của Người. Người tự giới thiệu mình là nơi ở vĩnh viễn của Thiên Chúa giữa loài người.

116. Chúa Giêsu có đi ngược với niềm tin của Israel vào Thiên Chúa duy nhất và là Đấng cứu độ hay không?
Chúa Giêsu không bao giờ đi ngược với niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, cả khi Người tha thứ tôi lỗi, nghĩa là làm công việc đặc thù của Thiên Chúa, công việc thực hiện các lời hứa về Đấng Mesiah và mạc khải Người ngang hàng với Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu mời gọi tin vào Người và ăn năn hối cải giúp chúng ta nhận ra tại sao Công nghị đã hiểu lầm Người cách bi thảm, nên cho rằng Người đáng phải chết vì là kẻ nói phạm thượng.

117. Ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?
Không thể quy trách nhiệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu một cách không phân bịêt cho mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho con cháu họ sau này. Mỗi tội nhân, nghĩa là mọi người, thực sự là nguyên nhân và công cụ gân nên những đau khổ của Đấng Cứu Chuộc. Chịu trách nhiệm nặng nền hơn nữa là những người, nhất là các Kitô hữu, thường xuyên sa ngã phạm tội và ham thích những thói xấu.

118. Tại sao cái chết của Chúa Giêsu lại nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa?
Để tất cả mọi người, là những kẻ đáng chết vì tội lỗi, được giao hòa với Ngài, Thiên Chúa đã khởi xướng một việc đầy yêu thương là sai Con của Ngài đến phó mình chịu chết vì những kẻ tội lỗi. Cái chết của Đức Kitô đã được loan báo trong Cựu Ước, đặc biệt như hy tế của Người Tôi Trung Đau Khổ, đã xảy ra “theo như lời Thánh Kinh”.

119. Đức Kitô đã dâng hiến chính mình cho Chúa Cha như thế nào?
Đức Kitô đã tự do dâng hiến tất cả đời sống cho Chúa Cha, để chu toàn ý định cứu độ của Ngài. Đức Kitô đã “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Nhờ đó, Người làm cho toàn thể nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa. Sự đau khổ và cái chết của Người cho thấy nhân tính của Người là dụng cụ tự do và hoàn hảo của tình yêu Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người.

120. Việc dâng hiến của Chúa Giêsu được diễn tả như thế nào trong Bữa Tiệc Ly?
Trong bữa Tiệc Ly với các Tông đồ vào buổi tối trước cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu đã làm trước, nghĩa là Người ám chỉ và thực hiện trước, việc tự nguyện dâng hiến chính mình: “Đây là Mình Thầy bị nộp vì anh em” (Lc 22, 19); “Đây là Máu Thầy đổ ra…” (Mt 26, 28). Như thế, Người vừa thiết lập Bí tích Thánh Thể như việc “tưởng nhớ” (1Cr 11, 25) đến hy tến của Người, vừa đặt Tông đồ của Người làm Tư tế của Giao ước mới.

121. Điều gì đã xảy ra trong cơn hấp hối nơi vườn Ghetsemani?
Mặc dầu nhân tính rất thánh của Đấng “khơi nguồn sự sống” (Cv 3, 15) đã khiếp sợ sự chết, nhưng ý chí nhân loại của Con Thiên Chúa vẫn phục tùng Thánh ý Chúa Cha: để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu chấp nhận gánh lấy tội lỗi chúng ta trong thân xác mình, Người “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2, 8).

122. Hiệu quả của hy tế Đức Kitô dâng trên thập giá là gì?
Chúa Giêsu tự nguyện hiến dâng mạng sống mình làm hy lễ đền tội, nghĩa là Người đền bù tội lỗi chúng ta bằng sự vâng phục trọn vẹn của Người vì tình yêu cho đế chết. Tình “yêu thương đến cùng” (Ga 13, 1) của Con Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại được giao hòa với Chúa Cha. Như vậy, hy lễ Vượt qua của Đức Kitô cứu chuộc mọi người cách độc nhất vô nhị, hoàn hảo và tối hậu, và mở lối cho họ vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.

123. Tại sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vác lấy thập giá của họ?
Khi kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người, Chúa Giêsu muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu độ của Người được kết hợp với hy tế ấy.

124. Thân thể Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào khi Người nằm trong mồ?
Đức Kitô đã chết thật sự và đã được mai táng thật sự. Nhưng quyền năng Thiên Chúa đã gìn giữ thân thể Người khỏi bị hư nát.

“ĐỨC GIÊSU KITÔ XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG
NGÀY THỨ BA BỞI TRONG KẺ CHẾT MÀ
SỐNG LẠI”

125. “Ngục Tổ tông” mà Chúa Giêsu đi xuống là gì?
“Ngục Tổ tông” – khác với hỏa ngục của án phạt – là tình trạng của những người chết trước thời của Chúa Giêsu, dù họ công chính hay xấu xa. Với linh hồn được kết hợp cùng Ngôi vị thần linh, Chúa Giêsu xuống với những người công chính trong ngục Tổ tông, là những người đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc họ, để cuối cùng họ có thể đạt được sự hưởng kiến Thiên Chúa. Sau khi nhờ cái chết của Người, Chúa Giêsu đã chiến thắng cả sự chết lẫn ma quỷ là “lãnh chúa gây ra sự chết” (Dt 2, 14), Người giải thoát những người công chính đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc, và Người mở cửa trời cho họ.

126. Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta?
Cuộc Phục sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Đức Kitô. Với thập giá, cuộc Phục sinh là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt qua.

127. Những “dấu chỉ” nào làm chứng cho cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu?
Ngoài dấu chỉ chính yếu là mồ trống, cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu được làm chứng bởi những phụ nữ là những người đầu tiên đã gặp gỡ Người và đã báo tin cho các Tông đồ. Tiếp đó, Chúa Giêsu đã “hiện ra với ông Kêpha, (tức là Thánh Phero), rồi với nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt” (1Cr 15, 5–6) và với nhiều người khác nữa. Các Tông đồ đã không thể bày đặt ra chuyện Phục sinh, vì đối với họ Phục sinh là chuyện không thể có được. Quả thật, Chúa Giêsu cũng đã trách cứ sự cứng lòng tin của họ.

128. Tại sao Phục Sinh cũng là một biến cố siêu việt?
Tuy là một sự kiện mang tính lịch sử, có thể xác định và chứng thực qua các dấu chỉ và lời chứng, nhưng vì là việc nhân tính của Đức Kitô bước vào vinh quang của Thiên Chúa, nên Phục sinh cũng siêu việt và vượt quá lịch sử thực sự là mầu nhiệm đức tin. Chính vì thế, Đức Kitô Phục sinh không tỏ mình ra cho thế gian, nhưng cho các môn đệ Người, làm cho họ trở thành những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng.

129. Thân xác Phục sinh của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào?
Sự Phục sinh của Đức Kitô không phải là một cuộc trở lại đời sống trần thế. Thân xác Phục sinh của Người, cũng chính là thân xác đã chịu đóng đinh, và vẫn mang vết tích của cuộc khổ nạn, nhưng từ lúc Phục sinh, thân xác này được tham dự vào đời sống thần linh với những đặc tính của một thân xác vinh hiển. Vì thế, Đức Giêsu Kitô Phục sinh tuyệt đối tự do khi hiện ra với các môn đệ, như Người muốn và ở nơi Người muốn, dưới nhiều hình dạng khác nhau.

130. Sự Phục sinh là công trình của Ba Ngôi Cực Thánh theo cách nào?
Sự Phục sinh của Đức Kitô là một hành động siêu việt của Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi cùng hoạt động chung theo tính cách riêng biệt của mỗi Ngôi: Chúa Cha biểu lộ quyền năng của mình; Chúa Con “lấy lại” sự sống mà Người đã tự ý dâng hiến (Ga 10, 17), bằng cách kết hợp linh hồn và thân xác mình, mà Chúa Thánh Thần làm cho sống động và tôn vinh.

131. Đâu là ý nghĩa và ảnh hưởng của cuộc Phục sinh đối với ơn cứu độ?
Phục sinh là chóp đỉnh của mầu nhiệm Nhập thể, xác nhận thần tính của Đức Kitô cũng như tất cả những gì Người đã làm và đã giảng dạy. Cuộc Phục sinh thực hiện tất cả các lời Thiên Chúa đã hứa vì lợi ích của chúng ta. Hơn nữa, Đấng Phục sinh, Đấng chiến thắng tội lỗi và cái chết, là nguyên lý cho việc công chính hóa và sự Phục sinh của chúng ta. Ngay từ bây giờ, Phục sinh mang lại cho chúng ta ơn được làm nghĩa tử Thiên Chúa, nghĩa là được thực sự tham dự vào sự sống của Người Con Một, Đấng sẽ làm cho thân xác chúng ta được sống lại vào ngày tận thế.

“CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
NGỰ BÊN HỮU ĐỨC CHÚA CHA PHÉP TẮC
VÔ CÙNG”

132. Việc Đức Kitô lên trời có ý nghĩa gì?
Trong vòng bốn mươi ngày, Đức Kitô hiện ra với các Tông đồ dưới hình dạng con người bình thường, che giấu vinh quang của Đấng Phục sinh, sau đó Người lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Người là Chúa, từ nay với nhân tính của Người, Người ngự trị trong vinh quang vĩnh cửu của Con Thiên Chúa và không ngừng chuyển cầu cho chúng ta nơi Thiên Chúa Cha. Người cử Thánh Thần của Người đến với chúng ta và ban cho chúng ta niềm hy vọng một ngày kia sẽ được theo Người, đến nơi Người đã dọn sẵn cho chúng ta.

“NGÀY SAU BỞI TRỜI
LẠI XUỐNG PHÁN XÉT KẺ SỐNG VÀ KẺ CHẾT”

133. Hiện tại, Chúa Giêsu thống trị như thế nào?
Là Đức Chúa của vũ trụ và lịch sử, là Đầu Hội Thánh của Người, Đức Kitô vinh hiển vẫn hiện diện cách mầu nhiệm trên trần gian, nơi Nước của Người đã hiện diện như hạt giống và đã khởi đầu trong Hội Thánh. Một ngày kia, Người sẽ trở lại trong vinh quang, nhưng chúng ta không biết được ngày nào giờ nào. Vì thế, chúng ta sống tỉnh thức trong cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ngự đến” (Kh 22, 20).

134. Việc Chúa ngự đến trong vinh quang sẽ diễn ra như thế nào?
Sau cuộc đảo lộn cuối cùng của vũ trụ, thế giới này qua đi, Đức Kitô sẽ ngự đến vinh quang. Đó sẽ là chiến thắng tối hậu của Thiên Chúa khi Đức Kitô quang lâm, và sẽ là cuộc phán xét cuối cùng. Như thế, Nước Thiên Chúa sẽ được hoàn thành.

135. Đức Kitô sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết như thế nào?
Đức Kitô sẽ phán xét với quyền năng mà Người đã đạt được với tư cách là Đấng Cứu Thế đã đến để cứu độ loài người. Những điều kín nhiệm trong tâm hồn cũng như thái độ của mỗi người đối với Thiên Chúa và tha nhân sẽ được tỏ ra. Mỗi người sẽ được tràn đầy sự sống hay bị kết án đời đời tùy theo các công việc họ đã làm. Như thế, “sự viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 13) sẽ được thực hiện, trong đó “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15, 28).

CHƯƠNG BA
“TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN”

136. Hội Thánh muốn nói gì khi tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần”?
Tin vào Chúa Thánh Thần là tuyên xưng rằng Ngài là Ngôi Thứ Ba của Ba Ngôi Cực Thánh; Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, và Ngài “được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con”. Chúa Thánh Thần được “sai đến trong lòng chúng ta” (Gl 4, 6) để chúng ta có thể nhận lãnh sự sống mới của những người con của Thiên Chúa.

137. Tại sao sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần không thể tách rời nhau?
Trong Ba Ngôi không thể phân chia, Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không tách rời nhau. Thực vậy, từ khởi đầu cho đến cùng tận thời gian, khi Chúa Cha sai Con Ngài, thì cũng sai Thánh Thần của mình, Đấng kết hợp chúng ta với Đức Kitô trong đức tin, để với tư cách là dưỡng tử, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” (Rm 8, 15). Chúa Thánh Thần vô hình, nhưng chúng ta biết được Ngài qua tác động của Ngài, khi Ngài mạc khải Ngôi Lời cho chúng ta và khi Ngài hoạt động trong Hội Thánh.

138. Những danh hiệu của Chúa Thánh Thần là gì?
“Chúa Thánh Thần” là danh xưng của Ngôi ba. Chúa Giêsu cũng gọi Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi (Parakletos – Đấng Bảo Trợ) và Thần Chân Lý. Tân Ước còn gọi Ngài là Thánh Thần của Đức Kitô, của Đức Chúa, của Thiên Chúa, Thánh Thần của vinh quang, Thánh Thần của lời hứa.

139. Những biểu tượng của Chúa Thánh Thần là gì?
Có nhiều biểu tượng của Chúa Thánh Thần: nước hằng sống tuôn trào từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô và giải cơn khát cho những người đã được Rửa tội; việc xức dầu, là dấu chỉ của Bí tích Thêm sức; lửa biến đổi tất cả những gì lửa bén tới; áng mây, mờ tối hay rạng ngời, trong đó vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện; việc đặt tay thông ban Chúa Thánh Thần; chim bồ câu đã ngự xuống và ở lại trên Đức Kitô lúc Người chịu phép Rửa.

140. “Chúa Thánh Thần đã dùng các tiên tri mà phán dạy” nghĩa là gì?
Từ tiên tri ở đây được dùng để chỉ những người được Chúa Thánh Thần linh hứng để họ nói nhân danh Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đã làm cho các lời tiên tri trong Cựu Ước được ứng nghiệm hoàn toàn nơi Đức Kitô; cũng chính Chúa Thánh Thần mạc khải mầu nhiệm Đức Kitô trong Tân Ước.

141. Hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi Thánh Gioan Tẩy Giả như thế nào?
Chúa Thánh Thần đổ tràn trên Thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước. Dưới tác động của Thánh Thần, ông được sai đi để “chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1, 17) và để loan báo việc Đức Kitô, Con Thiên Chúa, ngự đến: đó là Đấng mà ông đã thấy Thánh Thần ngự xuống và ở lại trên Người, Đấng “làm phép Rửa trong Thánh Thần” (Ga 1, 33).

142. Đâu là hành động của Chúa Thánh Thần nơi Đức Maria
Nơi Đức Maria, Chúa Thánh Thần hoàn thành tất cả sự trông chờ và chuẩn bị trong Cựu Ước để đón Chúa Kitô đến. Một cách độc nhất vô nhị, Chúa Thánh Thần đã đổ tràn ân sủng trên Đức Maria và làm cho Đức Trinh khiết của Mẹ có khả năng sinh nở, để Mẹ sinh hạ Con Thiên Chúa nhập thể. Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Maria trở thành Mẹ của “Đức Kitô toàn thể”, nghĩa là của Đức Kitô là Đầu và của Hội Thánh là thân thể Người. Đức Maria hiện diện giữa nhóm Mười Hai ngày lễ Ngũ Tuần, khi Thánh Thần khai mở “thời đại cuối cùng” với việc xuất hiện của Hội Thánh.

143. Trong sứ vụ trần thế, Đức Giêsu Kitô có liên hệ gì với Chúa Thánh Thần?
Từ khi nhập thể, nhờ việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa đã được thánh hiến làm Đấng Mesiah trong nhân tính của Người. Đức Kitô mạc khải Chúa Thánh Thần trong giáo huấn của Người, hoàn thành lời hứa đã được ban cho các Tổ phụ. Người trao ban Thánh Thần cho Hội Thánh vừa mới sinh khi thổi hơi trên các Tông đồ sau khi Người Phục sinh.

144. Điều gì đã xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần?
Năm mươi ngày sau cuộc Phục sinh, vào lễ Ngũ Tuần, Đức Giêsu Kitô vinh hiển đã đổ tràn Thánh Thần và mạc khải Ngài là một Ngôi vị Thiên Chúa; như vậy Ba Ngôi cực Thánh được mạc khải trọn vẹn. Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần trở thành sứ vụ của Hội Thánh, được sai đi công bố và loan truyền mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi.

“Chúng ta đã thây Ánh sáng thật, chúng ta lãnh nhận Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta đã tìm được đức tin chân chính: chúng ta tôn thờ Ba Ngôi bất khả phân ly, vì chính Ba Ngôi đã cứu độ chúng ta” (Phụng vụ Byzantin, Điệp ca kinh chiều lễ Hiện Xuống).

145. Chúa Thánh Thần làm gì trong Hội Thánh?
Chúa Thánh Thần xây dựng Hội Thánh, ban sinh khí và thánh hóa Hội Thánh: là Thánh Thần Tình Yêu, Ngài làm cho những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội nhận lại được ơn giống Thiên Chúa đã bị đánh mất vì tội lỗi; Ngài cho họ sống trong Đức Kitô bằng chính Sự sống của Ba Ngôi cực Thánh. Ngài sai họ đi làm chứng cho Chân lý của Đức Kitô và cắt đặt họ vào trong các phận vụ đối với nhau, để mọi người sinh “hoa trái của Thánh Thần” (Gl 5, 22).

146. Đức Kitô và Thánh Thần của Người hoạt động như thế nào trong tâm hồn các tín hữu?
Nhờ các Bí tích, Đức Kitô thông truyền Thánh Thần của Người và ân sủng của Thiên Chúa cho các chi thể trong Thân thể Người. Ân sủng này sinh hoa trái của đời sống mới theo Thánh Thần. Cuối cùng, Thánh Thần là Thầy dạy cầu nguyện.

“TÔI TIN CÓ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO”

HỘI THÁNH TRONG KẾ HOẠCH CỦA
THIÊN CHÚA

147. Hai tiếng Hội Thánh có nghĩa là gì?
Hội Thánh là dân được Thiên Chúa kêu gọi và quy vụ từ khắp nơi trên thế giới, làm thành cộng đoàn gồm những người, nhờ đức tin và Bí tích Rửa tội, trở nên con cái Thiên Chúa, chi thể của Đức Kitô và Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.

148. Trong Thánh Kinh, có những danh hiệu và hình ảnh nào khác để chỉ Hội Thánh không?
Trong Thánh Kinh chúng ta tìm thấy nhiều hình ảnh làm nổi bật những phương diện khác nhau của mầu nhiệm Hội Thánh. Cựu Ước hay dùng những hình ảnh liên hệ với Dân Thiên Chúa. Tân Ước hay dùng những hình ảnh liên hệ với Đức Kitô là Đầu của dân là Thân thể Người. Có những hình ảnh khác lấy từ đời sống chăn nuôi (chuồng chiên, đàn chiên, con chiên), từ đời sống nông thôn (cánh đồng, cây oliu, vườn nho), từ nhà cửa (nhà ở, viên đá, Đền Thờ) và từ cuộc sống sống gia đình (người vợ, người mẹ, gia đình).

149. Đâu là khởi đầu và hoàn thành của Hội Thánh?
Cả khởi đầu và sự hoàn thành của Hội Thánh đều nằm trong kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa. Hội Thánh đã được chuẩn bị trong Giao ước cũ qua việc tuyển chọn dân Israel, là dấu chỉ cuộc tập họp trong tương lai gồm tất cả các dân tộc. Hội Thánh được đặt nền tảng trên các lời nói và việc làm của Đức Giêsu Kitô, và đặc biệt được thực hiện nhờ cái chết cứu chuộc và cuộc Phục sinh của Người. Rồi Hội Thánh được tỏ hiện như mầu nhiệm cứu độ qua việc Thánh Thần được tuôn đổ trong ngày lễ Hiện Xuống. Hội Thánh sẽ hoàn thành vào ngày tận thế như cuộc tập họp trên thiên quốc của tất cả những người được cứu chuộc.

150. Sứ mạng của Hội Thánh là gì?
Sứ mạng của Hội Thánh là rao truyền Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô đã khởi đầu và thiết lập Nước ấy giữa mọi dân tộc. Trên trái đất, Hội Thánh là mầm giống và khởi điểm của Nước cứu độ này.

151. Hội Thánh là mầu nhiệm theo nghĩa nào?
Hội Thánh là mầu nhiệm bởi vì, trong thực tại hữu hình của Hội Thánh, có một thực tại thiêng liêng thần linh đang hiện diện và hoạt động, mà chỉ con mắt đức tin mới có thể nhận ra.

152. “Hội Thánh là Bí tích phổ quát của ơn cứu độ” có nghĩa là gì?
Câu này muốn nói Hội Thánh là dấu chỉ và khí cụ cho việc giao hòa và hiệp thông toàn thể nhân loại với Thiên Chúa cũng như cho sự hợp nhất tất cả loài người.

HỘI THÁNH: DÂN THIÊN CHÚA, THÂN THỂ
ĐỨC KITÔ, ĐỀN THỜ CHÚA THÁNH THẦN

153. Tại sao Hội Thánh là Dân Thiên Chúa?
Hội Thánh là Dân Thiên Chúa, bởi vì Ngài muốn thánh hóa và cứu độ mọi người không phải cách riêng rẽ, nhưng thiết lập họ thành một Dân duy nhất, được quy tụ trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

154. Đâu là những đặc tính của Dân Thiên Chúa?
Dân Thiên Chúa mà chúng ta là thành phần nhờ đức tin vào Đức Kitô và nhờ Bí tích Rửa tội, có cội nguồn là Thiên Chúa Cha, có Thủ lãnh là Đức Giêsu Kitô, có địa vị là phẩm giá và sự tự do của con cái Thiên Chúa, có lề luật là điều răn mới của tình yêu, có sứ vụ là trở thành muối và ánh sáng cho thế giới, có cùng đích là Nước Thiên Chúa, đã được khởi đầu trên trần thế.

155. Dân Thiên Chúa dự phần như thế nào vào ba chức năng của Đức Kitô là Tư tế, là Tiên tri và là Vương đế?
Dân Thiên Chúa được dự phần vào chức năng Tư tế của Đức Kitô, vì các người đã chịu phép Rửa tội được Chúa Thánh Thần thánh hiến để dâng các hy lễ thiêng liêng. Họ được dự phần vào chức năng Tiên tri, vì nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin, họ gắn bó vĩnh viễn với đức tin, đào sâu để hiểu biết đức tin và trở thành chứng nhân cho đức tin. Họ được dự phần vào chức năng Vương đế qua việc phục vụ, noi gương Đức Kitô Giêsu, là Vua vũ trụ đã trở nên tôi tớ mọi người, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.

156. Hội Thánh là Thân thể của Đức Kitô theo cách nào?
Đức Kitô, Đấng đã chết và Phục sinh, kết hợp các tín hữu với chính Người cách mật thiết, nhờ Chúa Thánh Thần. Như thế những ai tin vào Đức Kitô, vì được kết hợp chặt chẽ với Người, nhất là trong Bí tích Thánh thể, thì cũng kết hợp với nhau nhờ đức ái, tạo thành một thân thể duy nhất là Hội Thánh. Sự hợp nhất của Hội Thánh thực hiện trong sự đa dạng của các chi thể và các phận vụ.

157. Ai là đầu của thân thể này?
Đức Kitô là “Đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1, 18). Hội Thánh sống nhờ Người, trong Người và cho Người. Đức Kitô và Hội Thánh tạo thành “Đức Kitô toàn thể” (Thánh Augustino). “Có thể nói: Đầu và các chi thể làm thành cùng một con người mầu nhiệm” (Thánh Toma Aquino).

158. Tại sao Hội Thánh được gọi là Hôn thê của Đức Kitô?
Hội Thánh được gọi là Hôn thê của Đức Kitô bởi vì chính Chúa đã tự xưng là “Hôn phu” (Mc 2, 19), Đấng đã yêu thương Hội Thánh, đã kết ước với Hội Thánh bằng một Giao ước vĩnh cửu. Người đã phó nộp mình vì Hội Thánh để thanh tẩy Hội Thánh bằng Máu của Người và “thánh hóa Hội Thánh” (Ep 5, 26), làm cho Hội Thánh trở thành mẹ sinh ra tất cả các con cái của Thiên Chúa. Nếu hai chữ “Thân thể” cho thấy sự hợp nhất giữa “Đầu” và các chi thể, thì hai chữ “Hôn thê” làm nổi bật sự phân biệt giữa đôi bên trong quan hệ đối với nhau.

159. Tại sao Hội Thánh được gọi là Đền Thờ Chúa Thánh Thần?
Hội Thánh được gọi thế bởi vì Chúa Thánh Thần ngự trong thân thể là Hội Thánh, trong “Đầu” và trong “các chi thể” của Hội Thánh; Ngài cũng xây dựng Hội Thánh trong đức mến, nhờ Lời Chúa, các Bí tích, các nhân đức và các đặc sủng.

“Linh hồn tương quan với các chi thể thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với các chi thể của Đức Kitô, đối với thân thể Đức Kitô là Hội Thánh” (Thánh Augustino).

160. Đặc sủng là gì?
Đặc sủng là những ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần, được ban tặng cho một số người vì lợi ích của con người, vì những nhu cầu của thế giới và đặc biệt là để xây dựng Hội Thánh. Chỉ có Huấn quyền của Hội Thánh mới có thẩm quyền nhận định các đặc sủng.

HỘI THÁNH DUY NHẤT, THÁNH THIỆN,
CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN

161. Tại sao Hội Thánh có đặc tính duy nhất?
Hội Thánh là Duy nhất, vì Hội Thánh có nguồn gốc và khuôn mẫu là sự duy nhất của một Thiên Chúa trong Ba Ngôi; có Đấng sáng lập và làm Đầu là Đức Giêsu Kitô, Đấng quy tụ mọi dân tộc trong sự duy nhất của một thân thể; có Chúa Thánh Thần như linh hồn, Đấng hợp nhất tất cả các tín hữu vào sự hiệp thông trong Đức Kitô. Hội Thánh có một đức tin duy nhất, một đời sống Bí tích duy nhất, một chuỗi kế nhiệm Tông truyền duy nhất, cùng một niềm hy vọng chung và cùng một đức mến.

162. Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô tồn tại ở đâu?
Với tính cách là một cộng đoàn được thiết lập và tổ chức ở trần gian, Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô tồn tại (subsistit in) trong Hội Thánh Công giáo, được điều hành do vị kế nhiệm Thánh Phero và do các Giám mục hiệp thông với ngài. Chỉ nhờ Hội Thánh này người ta mới có thể nhận được cách đầy đủ các phương tiện cứu độ, vì Chúa đã trao phó tất cả những gì thiện hảo của Giao ước mới cho Tông đồ đoàn duy nhất, có Thánh Phero đứng đầu.

163. Phải nhìn các người Kitô hữu không thuộc Công giáo như thế nào?
Trong các Giáo Hội và các Cộng đoàn Giáo hội, đã tách rời khỏi sự hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công giáo, cũng có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý. Tất cả các yếu tố này xuất phát từ Đức Kitô và đều hướng đến sự hợp nhất Công giáo. Các thành viên của các Giáo Hội và các Cộng đoàn này được liên kết với Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa tội; vì vậy chúng ta nhìn nhận họ là anh em.

164. Làm thế nào để dấn thân cho sự hợp nhất giữa các Kitô hữu?
Lòng khao khát muốn tái lập sự hợp nhất giữa tất cả các người Kitô hữu là một hồng ân của Đức Kitô và là một lời kêu gọi của Chúa Thánh Thần. Khao khát này liên quan đến toàn thể Hội Thánh và được thực hiện bằng việc sám hối tận đáy lòng, cầu nguyện, hiểu biết, nhau với tình anh em và đối thoại thần học.

165. Hội Thánh có đặc tính là thánh thiện theo nghĩa nào?
Hội Thánh Thánh thiện, vì Thiên Chúa chí Thánh, là nguồn gốc của Hội Thánh. Đức Kitô đã hiến mình vì Hội Thánh, để thánh hóa Hội Thánh và làm cho Hội Thánh có khả năng thánh hóa. Chúa Thánh Thần ban sự sống cho Hội Thánh bằng tình yêu. Trong Hội Thánh có tất cả các phương tiện cứu độ. Sự thánh thiện là ơn gọi của từng người trong Hội Thánh và là mục đích của mọi hoạt động của Hội Thánh. Trong Hội Thánh có Đức Trinh Nữ Maria và vô vàn vô số vị Thánh, là gương mẫu và là những đấng chuyển cầu cho Hội Thánh. Sự Thánh thiện của Hội Thánh là suối nguồn cho sự thánh hóa các con cái mình, là những người, trên trần này, đều tự nhận mình là kẻ tội lỗi và luôn cần sám hối và thanh tẩy.

166. Tại sao Hội Thánh được gọi là Công giáo?
Hội Thánh có đặc tính là Công giáo, nghĩa là phổ quát, vì Đức Kitô hiện diện trong Hội Thánh. “Ở đâu có Đức Kitô Giêsu, ở đó có Hội Thánh Công giáo” (Thánh Inhaxio) Antiokia). Hội Thánh loan báo toàn bộ đức tin và đức tin toàn vẹn. Hội Thánh gìn giữ và quản lý đầy đủ các phương tiện cứu độ. Hội Thánh được sai đến với mọi dân tộc ở mọi thời đại và thuộc mọi nền văn hóa.

167. Giáo hội địa phương có phải là Công giáo không?
Mỗi Giáo Hội địa phương (nghĩa là một giáo phận) đều là Công giáo, được hình thành bởi cộng đoàn các người Kitô hữu, cùng hiệp thông trong đức tin và trong các Bí tích với Giám mục của họ, là người được tấn phong trong chuỗi kế nhiệm Tông truyền, và với Giáo Hội Roma là Giáo Hội “chủ trì trong đức ái” (Thánh Inhaxio Antiokia).

168. Ai thuộc về Hội Thánh Công giáo?
Tất cả mọi người, dưới nhiều hình thức khác nhau, đều thuộc về hay hướng đến sự hợp nhất Công giáo của dân Thiên Chúa. Người hoàn toàn thuộc về Hội Thánh Công giào là người, nhận được Thánh Thần của Đức Kitô, kết hợp với Hội Thánh bằng các dây liên kết là việc tuyên xưng đức tin, các Bí tích, sự hướng dẫn của giáo phẩm và sự hiệp thông. Những người đã được Rửa tội nhưng không thực hiện đầy đủ sự hợp nhất Công giáo thì cũng hiệp thông một cách nào đó, tuy là hiệp thông không trọn vẹn, với Hội Thánh Công giáo.

169. Hội Thánh Công giáo liên hệ với dân Do Thái như thế nào?
Hội Thánh Công giáo công nhận liên hệ của mình với dân Do Thái vì Thiên Chúa đã tuyển chọn dân này, trước tất cả mọi dân khác, để đón nhận Lời Ngài. Chính dân Do Thái “được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử, được ban vinh quang các Giao ước, lề luật, nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các Tổ phụ, và Đức Kitô, xét như một người phàm, cũng xuất thân từ dòng dõi họ” (Rm 9, 4–5). Khác với các tôn giáo khác không thuộc Kitô giáo, đức tin Do Thái đã là lời đáp trả cho mạc khải của Thiên Chúa trong Giao ước cũ.

170. Hội Thánh Công giáo có liên hệ nào với các tôn giáo ngoài Kitô giáo?
Trước hết, đó là mối liên hệ về nguồn gốc và cứu cánh chung của toàn thể nhân loại. Hội Thánh Công giáo nhìn nhận rằng những gì tốt và thật trong các tôn giáo khác đều xuất phát từ Thiên Chúa. Đó là một tia phản chiếu chân lý của Ngài. Điều này có thể chuẩn bị cho việc đón nhận Tin Mừng và thúc đẩy hướng đến sự hợp nhất nhân loại trong Hội Thánh của Đức Kitô.

171. Câu khẳng định “ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ” có nghĩa gì?
Câu này muốn nói rằng ơn cứu độ xuất phát từ Đức Kitô là Đầu thông qua trung gian là Hội Thánh, Thân thể Người. Những ai biết rằng Hội Thánh được Đức Kitô thiết lập và cần thiết cho ơn cứu độ, mà không muốn gia nhập hay không kiên trì gắn bó với Hội Thánh, thì không thể được cứu độ. Ngoài ra, nhờ Đức Kitô và Hội Thánh Người, những ai, không vì lỗi mình mà không biết Tin Mừng của Đức Kitô và Hội Thánh Người, nhưng chân thành đi tìm Thiên Chúa và, nhờ tác động của ân sủng, cố gắng chu toàn Thánh ý Thiên Chúa theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ muôn đời.

172. Tại sao Hội Thánh phải loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới?
Bởi vì Đức Kitô đã truyền cho Hội Thánh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Mệnh lệnh truyền giáo này của Chúa bắt nguồn từ tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng đã sai phái Con và Thánh Thần Ngài, vì Ngài “muốn cho mọi người được cứu độ và đạt tới việc nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4).

173. Thế nào là Hội Thánh Truyền giáo?
Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Hội Thánh tiếp tục qua dòng lịch sử sứ vụ của chính Đức Kitô. Vì vậy, các người Kitô hữu phải loan báo cho mọi người Tin Mừng đã được Đức Kitô mang đến, và khi bước theo cùng một con đường như Người, họ phải sẵn sàng hy sinh bản thân, thậm chí đến chỗ tử đạo.

174. Tại sao Hội Thánh có đặc tính Tông truyền?
Hội Thánh có đặc tính Tông truyền do nguồn gốc của mình, vì Hội Thánh đã được “xây dựng trên nền móng là các Tông đồ” (Ep 2, 20); do giáo huấn của mình là giáo huấn của các Thánh Tông đồ; và do cơ cấu của mình, vì Hội Thánh được xây dựng, thánh hóa và hướng dẫn cho đến ngày Chúa Kitô trở lại, bởi các Thánh Tông đồ, nhờ những vị kế nhiệm các ngài là các Giám mục hiệp thông với vị kế nhiệm Thánh Phero.

175. Sứ vụ của các Thánh Tông đồ là ở chỗ nào?
Tông đồ có nghĩa là được sai đi. Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến, đã kêu gọi và tuyển chọn mười hai người trong số các môn đệ và đặt họ làm Tông đồ của Người, làm cho họ thành những chứng nhân cho cuộc Phục sinh của Người và thành nền tảng Hội Thánh của Người. Người truyền cho họ phải tiếp tục sứ vụ của Người, khi Người nói với họ: “Như Chúa Cha đã sai phái Thầy đi, Thầy cũng sai phái anh em đi” (Ga 20, 21), và Người hứa ở với họ cho đến ngày tận thế.

176. Kế nhiệm Tông truyền là gì?
Kế nhiệm Tông truyền là chuyển giao sứ vụ và quyền hạn của các Tông đồ cho những người kế vị các ngài, là các Giám mục, qua Bí tích Truyền Chức Thánh. Chính nhờ việc chuyển giao này mà Hội Thánh vẫn duy trì được sự hiệp thông trong đức tin và đời sống với nguồn gốc của mình, trong khi, trải qua bao thế kỷ, Hội Thánh thực hành việc Tông đồ của mình là làm lan tỏa Nước của Đức Kitô trên trần gian.

CÁC TÍN HỮU: PHẨM TRẬT,
GIÁO DÂN, ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

177. Các tín hữu là ai?
Các tín hữu là những người được tháp nhận vào Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa tội, được trở nên thành phần của dân Thiên Chúa. Trở thành những người được dự phần vào các chức năng Tư tế, Tiên tri và Vương đế của Đức Kitô, tùy theo địa vị riêng của mình, họ được mời gọi thực thi sứ vụ Thiên Chúa trao phó cho Hội Thánh. Giữa họ, có một sự bình đẳng thực sự do phẩm giá của họ là con cái Thiên Chúa.

178. Dân Thiên Chúa được hình thành như thế nào?
Do Thiên Chúa thiết lập, trong Hội Thánh có những thừa tác viên có chức thánh, đã được lãnh nhận Bí tích Truyền chức Thánh và tạo thành phẩm trật của Hội Thánh. Những người khác được gọi là giáo dân. Trong cả hai thành phần này, có những tín hữu được thánh hiến cách đặc biệt cho Thiên Chúa qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh trong đời sống độc thân, khó nghèo và vâng phục.

179. Tại sao Đức Kitô lại thiết lập phẩm trật trong Hội Thánh?
Đức Kitô đã thiết lập phẩm trật trong Hội Thánh để chăn dắt dân Thiên Chúa nhân danh Người; và vì thế, Người đã trao ban quyền hành cho họ. Phẩm trật bao gồm các thừa tác viên có chức Thánh: Các Giám mục, Linh mục, Phó tế. Nhờ Bí tích Truyền chức Thánh, các Giám mục và Linh mục, khi thực thi thừa tác vụ của mình, hành động nhân danh và trong cương vị của Đức Kitô – là – Đầu. Các Phó tế phục vụ Dân Chúa trong việc phục vụ (diakonia) Lời Chúa, phụng vụ và việc bác ái.

180. Chiều kích tập thể của thừa tác vụ trong Hội Thánh được thực hiện như thế nào?
Theo gương nhóm Mười Hai Tông đồ, được Đức Kitô tuyển chọn và sai đi chung với nhau, sự hợp nhất của các thành phần trong phẩm trật Hội Thánh là để phục vụ sứ hiệp thông của tất cả các tín hữu. Mỗi Giám mục thực thi thừa tác vụ của mình với tư cách là thành viên của Giám mục đoàn, trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, dự phần với ngài vào việc chăm lo cho Hội Thánh phổ quát. Các Linh mục thực thi thừa tác vụ của mình trong Linh mục đoàn của Hội Thánh địa phương, trong sự hiệp thông với Giám mục và dưới sự hướng dẫn của ngài.

181. Tại sao thừa tác vụ trong Hội Thánh cũng có đặc tính cá nhân?
Thừa tác vụ trong Hội Thánh cũng có đặc tính cá nhân, bởi vì, nhờ hiệu năng của Bí tích Truyền chức Thánh, mỗi người đều chịu trách nhiệm trước Đức Kitô, Đấng đã kêu gọi họ bản thân từng người và trao phó cho họ một sứ vụ.

182. Sứ vụ của Đức Giáo hoàng là gì?
Đức Giáo Hoàng, vừa là Giám mục Roma vừa là vị kế nhiệm Thánh Phero, là nguyên lý và nền tảng trường tồn và hữu hình cho sự hợp nhất của Hội Thánh. Ngài là vị đại diện Đức Kitô, đứng đầu Giám mục đoàn và là mục tử của toàn thể Hội Thánh, vì Thiên Chúa thiết lập, ngài có quyền trọn vẹn, tối cao, trực tiếp và phổ quát trên Hội Thánh.

183. Nhiệm vụ của Giám mục đoàn là gì?
Giám mục đoàn, hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và luôn phải có ngài, cũng thực thi trên Hội Thánh một quyền tối cao và trọn vẹn.

184. Các Giám mục thực thi sứ vụ giảng dạy của mình như thế nào?
Vì là chứng nhân đích thực của đức tin Tông truyền, và được trao ban uy quyền của Đức Kitô, nên các Giám mục trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, có bổn phận loan báo Tin Mừng cho mọi người cách trung thành và có uy quyền. Nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin, Dân Thiên Chúa, được Huấn quyền sống động của Hội Thánh hướng dẫn, gắn bó cách kiên vững với đức tin.

185. Sự bất khả ngộ của Huấn quyền thể hiện khi nào?
Sự bất khả ngộ thể hiện khi Đức Giáo Hoàng, căn cứ vào thẩm quyền là mục tử tối cao của Hội Thánh, hay Giám mục đoàn trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, nhất là khi các ngài họp Công đồng chung, công bố một điểm giáo lý có liên quan đến đức tin hoặc luân lý bằng một hành động dứt khoát. Sự bất khả ngộ cũng thể hiện khi Đức Giáo Hoàng và các Giám mục, trong Huấn quyền thông thường của các ngài, đồng thanh tuyên bố một điểm giáo lý cách dứt khoát. Mỗi tín hữu đều phải gắn bó với giáo huấn này trong sự vâng phục đức tin.

186. Các Giám mục thực thi sứ vụ thánh hóa như thế nào?
Các Giám mục thánh hóa Hội Thánh khi trao ban ân sủng của Đức Kitô trong thừa tác vụ Lời Chúa và các Bí tích đặc biệt là Bí tích Thánh thể. Các ngài cũng thánh hóa Hội Thánh bằng lời cầu nguyện, gương mẫu và việc làm của mình.

187. Các Giám mục thực thi chức năng cai quản như thế nào?
Mỗi Giám mục, với tư cách là thành viên của Giám mục đoàn, phải quan tâm với tinh thần tập đoàn đến mọi Giáo Hội địa phương và Hội Thánh toàn cầu, trong sự hợp nhất với các Giám mục khác kết hợp với Đức Giáo Hoàng. Vị Giám mục được ủy thác một Giáo Hội địa phương, sẽ điều khiển Giáo Hội ấy với thẩm quyền do chức Thánh, thẩm quyền riêng biệt, thông thường và trực tiếp, nhân danh Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành, trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh và dưới sự hướng dẫn của đấng kế nhiệm Thánh Phero.

188. Ơn gọi của người tín hữu giáo dân là gì?
Người tín hữu giáo dân có ơn gọi riêng là tìm kiếm Nước Thiên Chúa, bằng việc soi sáng và sắp xếp các thực tại trần gian theo ý Thiên Chúa. Làm như vậy là họ thực hiện ơn gọi nên Thánh và làm Tông đồ, một ơn gọi được trao ban cho mọi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

189. Người tín hữu giáo dân tham gia vào chức sứ vụ Tư tế của Đức Kitô như thế nào?
Họ tham gia vào sứ vụ Tư tế này, khi dâng hiến – như hy lễ thiêng liêng “được Thiên Chúa vui lòng chấp nhận nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2, 5), nhất là trong Thánh lễ – cuộc sống riêng của họ, cùng với tất cả các hoạt động, lời cầu nguyện và việc dấn thân làm Tông đồ, cuộc sống gia đình và lao động hằng ngày, những khó khăn trong cuộc sống mà họ chịu đựng cách kiên nhẫn và những lúc thư giãn thân xác và tinh thần. Bằng cách đó, người giáo dân, dấn thân cho Đức Kitô và được Chúa Thánh Thần thánh hiến, cũng dâng chính thế giới lên Thiên Chúa.

190. Họ tham gia vào sứ vụ Tiên tri của Đức Kitô như thế nào?
Họ tham gia vào sứ vụ Tiên tri của Đức Kitô, khi luôn đón nhận trong đức tin Lời của Đức Kitô và loan báo Lời đó cho thế giới bằng chứng từ đời sống của họ, cũng như qua lời nói, hoạt động rao giảng Tin Mừng và huấn giáo. Việc rao giảng Tin Mừng như vậy đạt được hiệu quả đặc biệt vì việc này được thực hiện trong các hoàn cảnh bình thường nơi trần thế.

191. Họ tham gia vào sứ vụ Vương đến của Đức Kitô như thế nào?
Người giáo dân tham gia vào sứ vụ vương đế của Đức Kitô khi đón nhận từ nơi Người quyền năng chiến thắng tội lỗi, nơi chính họ và trong thế giới, qua việc từ bỏ bản thân và sống đời sống thánh thiện. Họ thực hành nhiều tác vụ khác nhau để phục vụ cộng đoàn và họ làm cho các hoạt động trần thế của con người, các cơ chế xã hội thấm nhuần những giá trị luân lý.

192. Đời sống thánh hiến là gì?
Là một bậc sống được Hội Thánh công nhận. Đó là lời tự nguyện đáp lại tiếng gọi đặc biệt của Đức Kitô, qua đó những người được thánh hiến hoàn toàn tự hiến cho Thiên Chúa và hướng tới sự hoàn hảo của đức ái dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Đặc tính của sự thánh hiến là việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm.

193. Đời sống thánh hiến đóng góp gì cho sứ vụ của Hội Thánh?
Đời sống thánh hiến dự phần vào sứ vụ của Hội Thánh bằng việc tự hiến trọn vẹn cho Đức Kitô và anh chị em, khi làm chứng cho niềm hy vọng về Nước Trời.

TÔI TIN CÁC THÁNH THÔNG CÔNG

194. “Các Thánh thông công” có ý nghĩa gì?
Câu nói “các Thánh thông công” trước hết nói lên rằng tất cả các thành phần Hội Thánh đều cùng chia sẻ những thực tại Thánh (sancta): đức tin, các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh thể, các đặc sủng và những ân huệ thiêng liêng khác. Cội nguồn của sự hiệp thông là đức ái “không tìm tư lợi” (1Cr 13, 5), nhưng thúc đẩy các tín hữu đặt “mọi sự là của chung” (Cv 4, 32), kể cả của cải vật chất của họ, nhằm phục vụ những người nghèo khổ hơn.

195. Câu nói “các Thánh thông công”còn mang ý nghĩa nào khác nữa?
Câu này còn nói lên sự hiệp thông giữa những người Thánh (sancti), nghĩa là những ai, nhờ ân sủng, được kết hợp với Đức Kitô chịu chết và sống lại. Một số còn lữ hành trên trần gian; một số khác, đã rời bỏ đời này, hiện đang được thanh luyện, và cũng được trợ giúp bằng lời cầu nguyện của chúng ta; sau cùng, một số khác nữa, đang được hưởng vinh quang Thiên Chúa và đang chuyển cầu cho chúng ta. Tất cả cùng nhau làm thành một gia đình duy nhất trong Đức Kitô, là Hội Thánh, để ca ngợi và tôn vinh Chúa Ba Ngôi.

ĐỨC MARIA: MẸ ĐỨC KITÔ,
MẸ HỘI THÁNH

196. Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc là Mẹ Hội Thánh theo nghĩa nào?
Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc là Mẹ Hội Thánh trong trật tự ân sủng bởi vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Đầu của Thân thể Người là Hội Thánh. Khi sắp chết trên Thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Maria làm mẹ của môn đệ Người bằng lời này: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19, 27).

197. Đức Maria trợ giúp Hội Thánh như thế nào?
Sau khi Con mình về trời, Đức Maria đã giúp đỡ Hội Thánh lúc khởi đầu bằng lời cầu nguyện, và cả sau khi đã được lên trời, Mẹ vẫn tiếp tục chuyển cầu cho con cái mình, vẫn là mẫu gương cho mọi người về đức tin và đức ái, tạo ảnh hưởng cứu độ trên họ, ảnh hưởng này xuất phát từ sự dư đầy các công nghiệp của Đức Kitô. Các tín hữu nhìn Mẹ như hình ảnh và sự báo trước cuộc Phục sinh đang chờ đón họ; họ kêu cầu Mẹ dưới các tước hiệu là Trạng sư, Đấng phù hộ, Đấng cứu giúp và Đấng trung gian.

198. Đức Trinh Nữ rất Thánh được sùng kính như thế nào?
Mẹ được sùng kính cách đặc biệt, nhưng khác hẳn với việc tôn thờ chỉ dành riêng cho Ba Ngôi cực Thánh. Việc sùng kính đặc biệt này được diễn tả một cách độc đáo trong các ngày lễ phụng vụ dành kính Mẹ Thiên Chúa và trong các kinh nguyện tôn kính Đức Mẹ, như Kinh Mân Côi, được xem là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng.

199. Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc là hình ảnh cánh chung của Hội Thánh như thế nào?
Khi nhìn lên Đức Maria, Đấng hoàn toàn thánh thiện và đang được tôn vinh cả hồn lẫn xác, Hội Thánh chiêm ngắm nơi Mẹ điều Hội Thánh được kêu gọi để sống trên trần gian và điều Hội Thánh sẽ trở thành trên quê hương thiên quốc.

“TÔI TIN PHÉP THA TỘI”

200. Tội lỗi được tha thứ như thế nào?
Bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội là Bí tích Rửa tội. Đối với những tội phạm sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Hòa giải hay Thống hối, nhờ đó người đã được Rửa tội được giao hòa với Thiên Chúa và với Hội Thánh.

201. Tại sao Hội Thánh có quyền tha tội?
Hội Thánh có sứ vụ và quyền năng để tha các tội lỗi, bởi vì chính Đức Kitô đã trao ban cho Hội Thánh quyền ấy: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha; anh em cầm buộc tội ai, thì tội người ấy bị cầm buộc” (Ga 20, 22–23).

“TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU
SỐNG LẠI”

202. Hai chữ “thân xác” có ý nghĩa gì? Đâu là sự quan trọng của nó?
Hai chữ “thân xác” chỉ con người trong thân phận yếu đuối và phải chết. “Thân xác là then chốt của ơn cứu độ” (Tertulliano). Thật vậy, chúng ta tin Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên thân xác; chúng ta tin Ngôi Lời mặc lấy thân xác để cứu chuộc thân xác; chúng ta tin vào sự sống lại của thân xác, đó là hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc thân xác.

203. “Xác sống lại” có nghĩa là gì?
Điều này có nghĩa là tình trạng vĩnh viễn của con người không phải chỉ là linh hồn thiêng liêng tách biệt khỏi thân xác, nhưng cả thân xác phải chết của chúng ta một ngày kia cũng sẽ sống lại.

204. Đâu là mối liên hệ giữa cuộc Phục sinh của Đức Kitô với việc sống lại của chúng ta?
Cũng như Đức Kitô, đã thực sự sống lại từ cõi chết và đang sống mãi, cũng vậy, Người sẽ làm cho tất cả chúng ta sống lại trong ngày sau hết, với một thân xác không còn hư nát, “ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5, 29).

205. Khi chúng ta chết, điều gì sẽ xảy ra cho linh hồn và thân xác chúng ta?
Khi chết, linh hồn và thân xác sẽ tách rời nhau, thân xác sẽ bị hủy hoại, trong khi linh hồn, vì là bất tử, sẽ chịu sự phán xét của Thiên Chúa và chờ đợi ngày được kết hợp lại với thân xác khi thân xác được biến đổi vào ngày Chúa trở lại. Việc tìm hiểu sự sống lại sẽ diễn ra như thế nào vượt quá khả năng của trí tưởng tượng và sự hiểu biết của chúng ta.

206. Chết trong Đức Kitô Giêsu có nghĩa là gì?
Điều này có nghĩa là chết trong ân sủng của Thiên Chúa, lúc không có tộit rọng. Ai tin vào Đức Kitô và theo gương Người, sẽ có thể biến đổi cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha. “Đây là lời đáng tin cậy: nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2, 11).

“TÔI TIN HẰNG SỐNG VẬY”

207. Đời sống vĩnh cửu là gì?
Đời sống vĩnh cửu là đời sống bắt đầu ngay sau khi chết. Đời sống này không có kết thúc. Khi bắt đầu bước vào đời sống vĩnh cửu, mỗi người sẽ phải qua một cuộc phán xét riêng do chính Đức Kitô, Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết. Cuộc phán xét riêng này sẽ được vĩnh viễn xác nhận trong cuộc phán xét chung.

208. Phán xét riêng là gì?
Là cuộc phán xét thưởng phạt tức khắc mà mỗi người ngay sau khi chết, lãnhnhận từ Thiên Chúa trong linh hồn bất tử của mình, tùy theo đức tin và các việc làm của mình. Sự phân định thưởng phạt này gồm có việc được vào hưởng hạnh phúc thiên đàng, tức khắc hoặc sau một cuộc thanh luyện thích hợp, hay là phải chịu phạt muôn đời trong hỏa ngục.

209. “Thiên đàng” là gì?
“Thiên đàng” là tình trạng hạnh phúc tối cao và vĩnh viễn. Những ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được quy tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các Thiên thần và các Thánh. Như vậy, các ngài làm thành Hội Thánh thiên quốc, nơi các ngài được chiêm ngắm Thiên Chúa “mặt giáp mặt” (1Cr 13, 12); các ngài sống trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Ba Ngôi và chuyển cầu cho chúng ta.

“Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, đổ tràn các hồng ân thiên quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng thương xót của Ngài, cả chúng ta là những con người, chúng ta cũng đã lãnh nhận lời hứa vĩnh viễn là được sống đời đời” (Tháh Cyrillo thành Gierusalem).

210. Luyện ngục là gì?
Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Thiên Chúa, nhưng, dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, họ còn cần được thanh luyện trước khi vào hưởng hạnh phúc thiên đàng.

211. Bằng cách nào chúng ta có thể giúp đỡ các linh hồn đang được thanh luyện nơi luyện ngục?
Nhờ sự “các Thánh thông công” các tín hữu còn lữ hành trên trần gian, có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngụ, bằng cách dâng lời cầu khẩn, đặc biệt là Thánh lễ, và cả những việc bố thí, những ân xá và những việc hãm mình để cầu cho họ.

212. Hỏa ngục là gì?
Hỏa ngục là án phạt đời đời dành cho những ai, do sự lựa chọn tự do của mình, chết trong tình trạng có tội trọng. Hình phạt chính yếu của hỏa ngục là đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài con người mới có sự sống và hạnh phúc; con người được tạo dựng là để hưởng những điều ấy và họ luôn khao khát những điều ấy. Đức Kitô diễn tả thực tại hỏa ngục bằng những lời này: “Quân bị nguyền rủa, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25, 41).

213. Thiên Chúa là Đấng nhân hậu vô biên, làm sao Ngài lại để có hỏa ngục?
Thiên Chúa muốn cho “mọi người đạt được hối cải” (2Pr 3, 9), nhưng vì Ngài đã tạo dựng con người có tự do và có trách nhiệm, nên Ngài tôn trọng các quyết định của họ. Vì thế, nếu cho đến lúc chết, con người vẫn cứ ở trong tội trọng, từ chối tình yêu nhân từ của Thiên Chúa, thì chính họ tự ý loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa.

214. Phán xét cuối cùng là gì?
Sự phán xét cuối cùng (phán xét chung) là sự phán quyết về cuộc sống hạnh phúc hay án phạt đời đời, mà Chúa Giêsu, khi Người trở lại như Đấng phát xét kẻ sống và kẻ chết, sẽ công bố cho “những người công chính cũng như kẻ bất chính” (Cv 24, 15), quy tụ tất cả trước mặt Người. Sau cuộc phán xét cuối cùng, thân xác sống lại sẽ tham dựu vào thưởng phạt mà linh hồn đã lãnh nhận trong cuộc phán xét riêng.

215. Khi nào cuộc phán xét này sẽ xảy ra?
Cuộc phán xét này sẽ xảy ra vào ngày tận thế mà chỉ mình Thiên Chúa mới biết được ngày nào giờ nào.

216. Hy vọng trời mới đất mới nghĩa là gì?
Sau cuộc phán xét cuối cùng, chính vũ trụ được giải thoát khỏi vòng nô lệ cảnh hư nát, sẽ được dự phần vào vinh quang của Đức Kitô với việc khai mạc “trời mới đất mới” (2Pr 3, 13). Như thế, sự viên mãn của Nước Thiên Chúa sẽ đạt đến đích điểm, nghĩa là ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn thành vĩnh viễn: “Quy tụ muôn loài trên trời dưới đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1, 10). Khi ấy Thiên Chúa sẽ “là tất cả trong muôn loài” (1Cr 15, 28), trong cuộc sống đời đời.

“AMEN”

217. Tiếng Amen, kết thúc kinh Tin Kính, có nghĩa là gì?
Từ Hipri Amen – cũng được dùng để kết thúc quyển sách cuối cùng của Thánh Kinh, một số lời cầu nguyện Tân Ước và các lời cầu nguyện Phụng vụ của Hội Thánh – diễn tả lời “Thưa vâng” đầy tin tưởng và trọn vẹn của chúng ta đối với những gì chúng ta đã tuyên xưng trong kinh Tin Kính, chúng ta hoàn toàn phó mình cho Đấng là Amen tối hậu (Kh 3, 14), tức là Đức Kitô.
PHẦN II
CỬ HÀNH
MẦU NHIỆM KITÔ GIÁO

MỤC THỨ NHẤT
NHIỆM CỤC BÍ TÍCH

218. Phụng vụ là gì?
Phụng vụ là việc cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, đặc biệt là cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Người. Trong Phụng vụ, qua trung gian việc thực thi chức năng tư tế của Đức Giêsu Kitô, sự thánh hóa con người được biểu lộ và thực hiện qua các dấu chỉ. Thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô, nghĩa là Đầu và các chi thể, thực thi việc thờ phượng công khai dành cho Thiên Chúa.

219. Phụng vụ có vị trí nào trong đời sống Hội Thánh?
Là hành động thánh thiêng tiêu biểu nhất, phụng vụ là chóp đỉnh mà hoạt động của Hội Thánh hướng tới đồng thời là nguồn mạch phát sinh mọi năng lự của đời sống Hội Thánh. Qua Phụng vụ, Đức Kitô tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta trong Hội Thánh, với Hội Thánh và nhờ Hội Thánh của Người.

220. Nhiệm cục Bí tích là gì?
Nhiệm cục Bí tích là việc thông chuyển các hiệu quả ơn cứu chuộc của Đức Kitô qua việc cử hành các Bí tích của Hội Thánh, đặc biệt là Bí tích Thánh thể, “cho tới khi Chúa đến” (1Cr 11, 26).

CHƯƠNG MỘT
MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
TRONG ĐỜI SỐNG CỦA HỘI THÁNH

PHỤNG VỤ – CÔNG TRÌNH CỦA
THIÊN CHÚA BA NGÔI

221. Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của Phụng vụ thế nào?
Trong Phụng vụ, Chúa Cha đổ tràn các phúc lành của Ngài cho chúng ta trong Người Con nhập thể, đã chết và đã sống lại vì chúng ta, và Ngài tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào lòng chúng ta. Đồng thời Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha qua việc tôn thờ, ca tụng, tạ ơn, và cầu xin Ngài ban hồng ân là Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

222. Công trình của Đức Kitô trong Phụng vụ là gì?
Trong Phụng vụ của Hội Thánh, Đức Kitô biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt qua của Người. Khi ban Thánh Thần cho các Tông đồ, Người ban cho họ và những người kế nhiệm họ quyền thực hiền công trình cứu độ qua hy tế Thánh thể và qua các Bí tích, nơi chính Người hoạt động để thông truyền ân sủng của Người cho các tín hữu trong mọi thời và trên toàn thế giới.

223. Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào trong Phụng vụ của Hội Thánh?
Trong Phụng vụ, Chúa Thánh Thần cộng tác cách chặt chẽ nhất với Hội Thánh. Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho Hội Thánh gặp gỡ Chúa của mình. Ngài nhắc nhớ và làm tỏ hiện Đức Kitô cho đức tin của cộng đoàn. Ngài làm cho hiện diện và hiện tại hóa mầu nhiệm của Đức Kitô; Ngài kết hợp Hội Thánh vào đời sống và sứ vụ của Đức Kitô, làm cho hồng ân hiệp thông được sinh hoa kết quả nơi Hội Thánh.

MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
TRONG CÁC BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH

224. Các Bí tích là gì? Đó là những Bí tích nào?
Các Bí tích là những dấu chỉ khả giác và hữu hiệu của ân sủng, do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh; qua các Bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta. Có bảy Bí tích: Rửa tội, Thêm sức, Thánh thể, Thống hối, Xức dầu Bệnh nhân, Truyền chức Thánh và Hôn phối.

225. Đâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với Đức Kitô?
Các mầu nhiệm trong đời sống Đức Kitô là nền tảng cho những gì mà ngày nay, qua các thừa tác viên của Hội Thánh, Đức Kitô trao ban trong các Bí tích.

“Điều hữu hình nơi Đấng cứu độ chúng ta đã được chuyển vào trong các Bí tích” (Thánh Leo Cả).

226. Đâu là sự liên kết giữa các Bí tích với Hội Thánh?
Đức Kitô đã ủy thác các Bí tích cho Hội Thánh của Người. Các Bí tích này là “của Hội Thánh” theo hai nghĩa: các Bí tích là “do Hội Thánh”, vì các Bí tích là hoạt động của Hội Thánh, mà Hội Thánh là Bí tích của hoạt động Đức Kitô; các Bí tích là “cho Hội Thánh”, theo nghĩa là các Bí tích xây dựng Hội Thánh.

227. Ấn tín Bí tích là gì?
Là một dấu ấn thiêng liêng được thông ban trong các Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức Thánh. Ấn tín này là lời hứa và bảo đảm cho sự che chở của Thiên Chúa. Do hiệu lực của ấn tín này, người Kitô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô; họ được tham dự vào chức tư tế của Người theo nhiều cách. Họ là thành phần trong Hội Thánh theo những bậc sống và phận vụ khác nhau. Như thế, họ được thánh hiến để phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh. Vì ấn tín không thể xóa đi được, nên ba Bí tích trao ban ấn tín chỉ được nhận một lần trong đời.

228. Đâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với đức tin?
Không những các Bí tích giả thiết phải có đức tin, mà các Bí tích còn nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin bằng những lời đọc và những nghi thức. Qua việc cử hành các Bí tích, Hội Thánh tuyên xưng đức tin Tông truyền. Từ đó, có câu thành ngữ cổ “lex orandi, lex credendi”, nghĩa là: Hội Thánh tin như Hội Thánh cầu nguyện.

229. Tại sao các Bí tích có hiệu quả?
Các Bí tích có hiệu quả ex opere operato (nghĩa là: “do chính hành động Bí tích được thực hiện). Thực vậy, chính Đức Kitô hoạt động trong các Bí tích và thông ban ân sủng mà các Bí tích biểu lộ, không lệ thuộc vào sự thánh thiện bản thân của thừa tác viên. Tuy nhiên, các hoa trái của Bí tích cũng tùy thuộc vào sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận.

230. Tại sao các Bí tích cần thiết cho ơn cứu độ?
Mặc dù không phải tất cả các Bí tích đều được ban cho từng người Kitô hữu, các Bí tích cần thiết cho những ai tin vào Đức Kitô, bởi vì trao ban các ân sủng Bí tích, ơn tha thứ tội lỗi, ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, ơn nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và ơn được thuộc về Hội Thánh. Chúa Thánh Thần chữa lành và biến đổi những ai lãnh nhận các Bí tích.

231. Ân sủng Bí tích là gì?
Ân sủng Bí tích là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được Đức Kitô trao ban, mỗi Bí tích theo một cách. Ân sủng này giúp người tín hữu trên bước đường nên Thánh, và cũng giúp Hội Thánh tăng trưởng trong đức ái và trong chứng từ của mình.

232. Đâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với đời sống vĩnh cửu?
Trong các Bí tích, Hội Thánh đã được tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu, “đang khi trông đợi niềm hy vọng hồng phúc và cuộc xuất hiện của Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 2, 13).

CHƯƠNG HAI
CỬ HÀNH MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
TRONG CÁC BÍ TÍCH

CỬ HÀNH PHỤNG VỤ CỦA HỘI THÁNH

AI CỬ HÀNH?

233. Ai hành động trong Phụng vụ?
Chính “Đức Kitô toàn thể” (Christus Totus), gồm Đầu và Thân thể, hành động trong Phụng vụ. Với tư cách là vị Thượng tế, Đức Kitô cử hành cùng với Thân thể Người là Hội Thánh trên trời và ở trần gian.

234. Ai cử hành Phụng vụ trên Trời?
Phụng vụ trên Trời được cử hành do các Thiên thần, các Thánh của Cựu Ước và Tân ước, đặc biệt là Mẹ Thiên Chúa, các Thánh Tông đồ, các Thánh Tử đạo và “một đoàn người đông đảo không ai đếm nổi, thuộc mọi nước, mọi chi tộc, mọi dân và mọi ngôn ngữ” (Kh 7, 9). Khi cử hành mầu nhiệm cứu độ trong các Bí tích, chúng ta được tham dự vào Phụng vụ vĩnh cửu này.

235. Hội Thánh ở trần gian cử hành Phụng vụ như thế nào?
Hội Thánh ở trần gian cử hành Phụng vụ với tư cách là dân Tư tế, trong đó mỗi người hoạt động tùy theo phận vụ riêng của mình, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Các người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội hiến dâng chính mình làm hy tế thiêng liêng, các thừa tác viên có chức Thánh cử hành theo thánh chức mà họ đã lãnh nhận để phục vụ tất cả các chi thể của Hội Thánh; các Giám mục và Linh mục hành động trong cương vị Đức Kitô là Đầu.

CỬ HÀNH THẾ NÀO?

236. Phụng vụ được cử hành thế nào?
Việc cử hành Phụng vụ được kết thành bằng các dấu chỉ và biểu tượng. Ý nghĩa của những dấu chỉ và biểu tượng này được bắt nguồn trong công trình tạo dựng và trong các nền văn hóa nhân loại, được xác định trong các biến cố của Cựu Ước và được hoàn tất trọn vẹn trong Con Người của Đức Kitô và trong các hành động của Người.

237. Các dấu chỉ Bí tích bắt nguồn từ đầu?
Một số dấu chỉ bắt nguồn từ công trình tạo dựng (ánh sáng, nước, lửa, bánh, rượu, dầu); một số khác từ đời sống xã hội (tẩy rửa, xức dầu, bẻ bánh); một số khác nữa từ lịch sử cứu độ thời Cựu Ước (các nghi thức Vượt qua, các hy lễ, việc đặt tay, việc thánh hiến). Những dấu chỉ này, có một số được quy định và bất biến, đã được Đức Kitô sử dụng và trở thành những phương tiện chuyển thông hoạt động cứu độ và thánh hóa của Người.

238. Đâu là mối liên hệ giữa các cử chỉ và lời nói trong việc cử hành Bí tích?
Trong việc cử hành Bí tích, các cử chỉ và lời nói liên hệ với nhau chặt chẽ. Thật vậy, dù các cử chỉ tượng trưng tự chúng đã là một thứ ngôn ngữ, nhưng vẫn cần có các lời thuộc nghi thức kèm theo và làm cho chúng sinh động. Trong Phụng vụ, lời đọc và cử chỉ không thể tách rời nhau vì chúng vừa là dấu chỉ vừa là giáo huấn; chúng cũng không thể tách rời nhau vì chúng thực hiện điều chúng biểu thị.

239. Bài ca và âm nhạc có vai trò trong việc cử hành Phụng vụ theo những tiêu chuẩn nào?
Bài ca và âm nhạc liên kết chặt chẽ với hành vi Phụng vụ. Vì vậy, phải tôn trọng các tiêu chuẩn sau đây: các bản văn phải phù hợp với giáo lý Công giáo, ưu tiên rút từ Thánh Kinh và các nguồn Phụng vụ; ca nhạc phải biểu lộ vẻ đẹp của lời cầu nguyện; âm nhạc phải có chất lượng cao; ca nhạc phải khuyến khích cộng đoàn tham dự; ca nhạc phải nói lên sự phong phú về văn hóa của Dân Thiên Chúa và tính cách thánh thiêng, trang trọng của việc cử hành. “Hát là cầu nguyện hai lần” (Thánh Augustino).

240. Mục đích của các ảnh tượng Thánh là gì?
Ảnh tượng Đức Kitô là ảnh tượng Phụng vụ tiêu biểu nhất. Các ảnh tượng thánh khác trình bày Đức Trinh Nữ và các Thánh, biểu lộ Đức Kitô được tôn vinh nơi các ngài. Các ảnh tượng này công bố chính sứ điệp Tin Mừng mà. Thánh Kinh chuyển đạt bằng lời. Các ảnh tượng thánh góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu.

PHỤNG VỤ ĐƯỢC CỬ HÀNH KHI NÀO?

241. Trung tâm của thời gian Phụng vụ là gì?
Trung tâm của thời gian Phụng vụ là ngày Chúa nhật, nền tảng và cốt lõi của cả năm Phụng vụ. Chóp đỉnh của năm Phụng vụ là lễ Phục sinh mỗi năm, “ngày lễ của các ngày lễ”.

242. Vai trò của năm Phụng vụ là gì?
Trong năm Phụng vụ, Hội Thánh cử hành toàn thể mầu nhiệm Đức Kitô, từ lúc Người nhập thể cho đến khi Người lại đến trong vinh quang. Trong một số ngày, Hội Thánh tôn kính Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, Mẹ Thiên Chúa, với một lòng trìu mến đặc biết; Hội Thánh cũng kính nhớ các Thánh là những người đã sống cho Đức Kitô đã cùng chịu đau khổ với Người và hiện đang ở với Người trong vinh quang.

243. Phụng vụ các Giờ Kinh là gì?
Phụng vụ các Giờ Kinh – Kinh nguyện công khai và chung của Hội Thánh – là lời cầu nguyện của Đức Kitô cùng với Thân thể Người. Nhờ Phụng vụ các Giờ Kinh, mầu nhiệm của Đức Kitô, mà chúng ta cử hành trong Thánh lễ, thánh hóa và làm thay hình đổi dạng thời gian của mỗi ngày. Phụng vụ các Giờ Kinh chủ yếu gồm có các Thánh vịnh và những bản văn khác của Thánh Kinh, cũng như những bài đọc của các Giáo phụ và các tôn sư linh đạo.

PHỤNG VỤ ĐƯỢC CỬ HÀNH Ở ĐÂU?

244. Hội Thánh có cần những nơi chốn để cử hành Phụng vụ không?
Việc thờ phượng “trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 24) của Giao ước mới không bị lệ thuộc vào bất cứ nơi nào đặc biệt, vì Đức Kitô là Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa; nhờ Người, các Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, cũng trở thành những Đền Thờ của Thiên Chúa hằng sống. Tuy nhiên, Dân Thiên Chúa, trong hoàn cảnh trần thế, cần đến những nơi chốn để cộng đoàn có thể quy tụ cử hành Phụng vụ.

245. Các Thánh đường là gì?
Đó là những ngôi nhà của Thiên Chúa, biểu tượng của Hội Thánh đang sống tại đó cũng như biểu trưng nơi cư ngụ thiên quốc. Đó là những nơi cầu nguyện, trong đó Hội Thánh cử hành đặc biệt là Thánh lễ và tôn thờ Đức Kitô thực sự hiện diện trong nhà tạm.

246. Đâu là chỗ đặc biệt bên trong các Thánh đường?
Những chố đặc biệt là: Bàn thờ, nhà tạm, nơi cất giữ Dầu thánh, ngai Giám mục hay ngế Linh mục, giảng dài, giếng Rửa tội, tòa giải tội.

SỰ ĐA DẠNG CỦA PHỤNG VỤ
VÀ SỰ DUY NHẤT CỦA MẦU NHIỆM

247. Tại sao mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô lại được cử hành theo nhiều truyền thống Phụng vụ khác nhau?
Mầu nhiệm của Đức Kitô phong phú khôn lường nên không một truyền thống Phụng vụ nào diễn tả trọn vẹn được. Vì vậy, ngay từ ban đầu, sự phong phú này đã được thể hiện nơi các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau, qua những cách diễn tả đa dạng và bổ túc cho nhau cách kỳ diệu.

248. Có tiêu chuẩn nào bảo đảm cho tính duy nhất trong sự đa dạng này?
Đó là sự trung thành với Truyền thống Tông đồ, nghĩa là sự hiệp thông trong đức tin và trong các Bí tích đã lãnh nhận từ các Tông đồ; sự hiệp thông này được biểu lộ và bảo đảm bằng sự liên tục kế nhiệm Tông đồ. Hội Thánh là Công giáo: do đó, Hội Thánh có thể hội nhập tất cả những sự phong phú đích thực của các nền văn hóa khác nhau vào sự duy nhất của mình.

249. Trong Phụng vụ, có phải tất cả đều bất biến không?
Trong Phụng vụ, nhất là trong Phụng vụ các Bí tích, có những yếu tố bất biến vì là do Thiên Chúa thiết lập, được Hội Thánh trung thành gìn giữ. Ngoài ra, cũng có những yếu tố có thể thay đổi mà Hội Thánh có quyền và đôi khi có bổn phận thích nghi với các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau.

MỤC THỨ HAI
BẢY BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH

Bảy Bí tích của Hội Thánh là:
Rửa tội
Thêm sức
Thánh thể
Thống hối
Xức dầu Bệnh nhân
Truyền chức Thánh
Hôn phối

250. Các Bí tích của Hội Thánh được phân loại thế nào?
Người ta phân loại: các Bí tích khai tâm Kitô giáo (Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể), các Bí tích chữa lành (Thống hối và Xức dầu Bệnh nhân), các Bí tích phục vụ cho sự hiệp thông và sứ vụ (Truyền chức Thánh và Hôn phối). Bảy Bí tích liên quan đến những thời điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Tất cả các Bí tích đều hướng về Bí tích Thánh thể “như mục đích đặc thù của mình” (Thánh Toma Aquino).

CHƯƠNG MỘT
CÁC BÍ TÍCH KHAI TÂM KITÔ GIÁO

251. Việc khai tâm Kitô giáo được thực hiện thế nào?
Việc khai tâm Kitô giáo được thực hiện qua các Bí tích đặt nền tảng cho đời sống Kitô hữu. Các tín hữu được tái sinh nhờ Bí tích Rửa tội, được củng cố nhờ Bí tích Thêm sức và được nuôi dưỡng nhờ Bí tích Thánh thể.

BÍ TÍCH RỬA TỘI

252. Các tên gọi của Bí tích đầu tiên trong việc khai tâm Kitô giáo là gì?
Đầu tiên, người ta gọi Bí tích này là Rửa tội theo nghĩa chính yếu của việc cử hành. Rửa tội muốn nói việc “dìm xuống” nước. Người được Rửa tội được dìm vào trong sự chết của Đức Kitô và sống lại với Người như một “thụ tạo mới” (2Cr 5, 17). Người ta còn gọi Bí tích này là “phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần” (Tt 3, 5), hay là “ơn soi sáng” vì người Rửa tội trở thành “con cái ánh sáng” (Ep 5, 8).

253. Bí tích Rửa Tội được báo trước bằng những hình ảnh tượng trưng nào trong Cựu Ước?
Trong Cựu Ước, có nhiều hình ảnh tượng trưng khác nhau về Bí tích Rửa tội: nước, được coi như nguồn gốc của sự sống và sự chết; tàu Noe cứu thoát con người nhờ nước; cuộc vượt qua Biển Đỏ giải phóng dân Israel khỏi ánh nô lệ Ai Cập; việc băng qua sống Giodan đưa dân Israel tiến vào đất hứa, là hình ảnh của sự sống đời đời.

254. Ai đã đưa những hình ảnh tượng trưng đó đến chỗ hoàn thành?
Những hình ảnh tượng trưng trong Cựu Ước được hoàn thành trong Đức Giêsu Kitô, Đấng ngay lúc khởi đầu đời sống công khai đã để cho Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa cho mình tại sông Giodan. Trên thập giá, từ cạnh sườn của Người bị đâm thâu, máu và nước đã tuôn trào, là dấu chỉ của Bí tích Rửa tội và Thánh thể. Sau khi Phục sinh, Người đã ủy thác cho các Tông đồ sứ vụ sau đây: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19).

255. Hội Thánh ban Bí tích Rửa tội cho những ai và từ bao giờ?
Từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh ban Bí tích Rửa tội cho những ai tin vào Đức Giêsu Kitô.

256. Nghi thức chính yếu của Bí tích Rửa tội là gì?
Nghi thức chính yếu của Bí tích này gồm việc dìm ứng viên xuống nước hay đổ nước trên đầu họ, trong khi kêu cầu: nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.

257. Ai có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội?
Mọi người chưa lãnh nhận đều có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

258. Tại sao Hội Thánh Rửa tội cho các em bé?
Bởi vì các em bé được sinh ra trong tội nguyên tổ, nên cần được giải thoát khỏi quyền lực Ác thần và đưa dẫn vào Vương quốc của sự tự do của con cái Thiên Chúa.

259. Hội Thánh đòi hỏi gì nơi người sắp lãnh Bí tích Rửa tội?
Hội Thánh đòi hỏi người sắp nhận Bí tích Rửa tội phải tuyên xưng đức tin; trong trường hợp là một người trưởng thành thì việc tuyên xưng này phải do chính bản thân họ, nhưng nếu là một em bé, thì việc tuyên xưng do cha mẹ và Hội Thánh. Cha mẹ đỡ đầu và cả cộng đoàn Giáo Hội đều có trách nhiệm phần nào trong việc chuẩn bị Bí tích Rửa tội (cho người dự tòng) cũng như trong việc phát triển đức tin và ân sủng của Bí tích Rửa tội.

260. Ai có thể ban Bí tích Rửa tội?
Thừa tác viên thông thường của Bí tích Rửa tội là các Giám mục và Linh mục; trong Giáo Hội Latinh còn có cả các Phó tế. Trong trường hợp cần thiết, mọi người đều có thể ban Bí tích Rửa tội, miễn là họ có ý làm điều Hội Thánh làm. Người ban Bí tích Rửa tội đổ nước trên đầu ứng viên và đọc công thức Ba Ngôi khi Rửa tội: “T…, Cha (tôi) Rửa cho (ông, bà, anh, chi, em, con) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

261. Bí tích Rửa tội có cần thiết để được ơn cứu độ không?
Bí tích Rửa tội cần thiết cho ơn cứu độ đối với những người đã được nghe rao giảng Tin Mừng và có khả năng xin lãnh nhận Bí tích này.

262. Người không lãnh Bí tích Rửa tội có thể được cứu độ không?
Vì Đức Kitô đã chết để cứu độ tất cả mọi người, nên những người sau đây có thể được cứu độ dù không lãnh nhận Bí tích Rửa tội: những ai chết vì đức tin (Rửa tội bằng máu), những người dự tòng và cả những người, do tác động của ân sủng, dù không biết Đức Kitô cũng như Hội Thánh của Người, nhưng vẫn thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và cố gắng chu toàn Thánh ý Người (Rửa tội bằng lòng ước ao). Về phần các trẻ em chết mà không được Rửa tội, Hội Thánh trong phụng vụ phó thác các em cho lòng nhân từ của Thiên Chúa.

263. Bí tích Rửa tội có những hiệu quả nào?
Bí tích Rửa tội tha thứ tội nguyên tổ, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí tích này cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hóa, nhờ ơn công chính hóa giúp tháp nhận vào Đức Kitô và Hội Thánh Người. Bí tính nào trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí tích Rửa tội mãi mãi thuộc về Đức Kitô: họ được đóng dấu ấn không thể xóa được của Đức Kitô (ấn tín).

264. Đâu là ý nghĩa của “tên Thánh” nhận được khi lãnh Bí tích Rửa tội?
Mọi tên gọi đều là quan trọng vì Thiên Chúa biết tên của từng người, nghĩa là biết tính cách độc đáo của mỗi người. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu nhận một tên gọi đặc biệt trong Hội Thánh, ưu tiên nên chọn tên của một vị Thánh, vị này là gương mẫu Thánh thiện cho người nhận tên, và ngài sẽ chuyển cầu cho họ nơi Thiên Chúa.

BÍ TÍCH THÊM SỨC

265. Bí tích Thêm sức có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa?
Trong Giao ước cũ, các Tiên tri đã loan báo việc tuôn đổ Thánh Thần của Chúa trên Đấng Mesiah. Trọn đời sống và sứ vụ của Đức Giêsu diễn ra trong sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Thánh Thần. Các Tông đồ nhận lãnh Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần và loan báo “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11). Qua việc đặt tay, các ngài trao ban cho các người mới lãnh nhận Bí tích Rửa tội hồng ân là chính Chúa Thánh Thần. Qua bao thế kỷ, Hội Thánh liên tục sống nhờ Chúa Thánh Thần và thông ban Chúa Thánh Thần cho con cái mình.

266. Tại sao Bí tích này được gọi là Bí tích Dầu Chrisma hay Thêm sức?
Người ta gọi Bí tích này là Bí tích Dầu Chrisma (trong các Giáo Hội Đông phương: Chrismation là việc xức bằng dầu myron, nghĩa là Dầu Thánh), bởi vì nghi thức chính yếu của Bí tích này là việc xức dầu. Người ta gọi Bí tích này là Bí tích Thêm sức, vì Bí tích này kiện toàn và củng cố ân sủng của Bí tích Rửa tội.

267. Nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm sức là gì?
Nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm sức là việc xức dầu Thánh (dầu pha hương liệu, đã được Giám mục Thánh hiến), kèm theo việc đặt tay của thừa tác viên, ngài sẽ đọc các lời thuộc Bí tích dành riêng cho nghi thức. Ở phương Tây thì xức dầu trên trán của những người đã được Rửa tội, kèm theo lời này: “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”. Trong các Giáo Hội Đông phương theo nghi thức Byzantin thì còn xức dầu trên một số phần thân thể khác, kèm theo công thức: “Tôi ghi dấu cho anh bằng hồng ân của Chúa Thánh Thần”.

268. Bí tích Thêm sức có những hiệu quả nào?
Hiệu quả của Bí tích Thêm sức là việc đổ tràn Chúa Thánh Thần cách đặc biệt, như trong ngày lễ Ngũ tuần. Việc đổ tràn này ghi một ấn tín không thể tẩy xóa trong linh hồn người lãnh nhận, và gia tăng ân sủng của Bí tích Rửa tội. Việc tuôn tràn Thánh Thần giúp chúng ta tiến sâu hơn vào ơn làm con cái Thiên Chúa, kết hợp chúng ta chặt chẽ hơn với Đức Kitô và với Hội Thánh của Người. Bí tích này củng cố trong tâm hồn chúng ta các hồng ân của Chúa Thánh Thần và trao ban cho chúng ta một sức mạnh đặc biệt để làm chứng cho đức tin Kitô giáo.

269. Ai có thể lãnh nhận Bí tích Thêm sức?
Tất cả những ai đã nhận Bí tích Rửa tội đều có thể và phải nhận Bí tích Thêm sức và chỉ một lần duy nhất. Để lãnh nhận cho có hiệu quả, người đã được Rửa tội phải ở trong tình trạng ân sủng.

270. Ai là thừa tác viên của Bí tích Thêm sức?
Thừa tác viên nguyên thủy của Bí tích Thêm sức là Giám mục. Đây là cách làm nổi bật sự liên kết giữa người được Thêm sức với Hội Thánh trong cơ cấu Tông truyền. Khi Linh mục trao ban Bí tích này – điều này xảy ra thông thường ở Đông phương và trong những trường hợp đặc biệt ở Tây phương – mối dân liên kết với Giám mục và với Hội Thánh được biểu lộ qua Linh mục, là cộng sự viên của Giám mục, và qua Dầu Thánh được chính Giám mục thánh hiến.

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

271. Bí tích Thánh thể là gì?
Bí tích Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu của Chúa Giêsu, mà Người đã thiết lập để lưu tồn hy tế thập giá của Người qua bao thế kỷ cho đến khi Người trở lại. Như thế, Người ủy thác cho Hội Thánh việc tưởng nhớ cái chết và cuộc Phục sinh của Người. Bí tích Thánh thể là dấu chỉ sự hợp nhất, dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, nơi chúng ta lãnh nhận Đức Kitô, linh hồn được tràn đầy ân sủng và nhận được bảo đảm cho đời sống vĩnh cửu.

272. Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh thể khi nào?
Người đã thiết lập Bí tích Thánh thể vào ngày thứ năm Tuần Thánh, “trong đêm bị trao nộp” (1Cr 11, 23), đang khi Người ăn bữa Tiệc ly với các Tông đồ của Người.

273. Người đã thiết lập Bí tích Thánh thể như thế nào?
Sau khi quy tụ các Tông đồ trong nhà Tiệc ly, Chúa Giêsu cầm lấy bánh trong tay, bẻ ra và trao cho các ông mà nói “Anh em hãy nhận lấy mà ăn: này là Mình Thầy bị nộp vì anh em”. Rồi Người cầm trong tay chén đầy rượu và nói với họ: “Anh em hãy nhận lấy mà uống: này là chén Máu Thầy, Máu Giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

274. Bí tích Thánh thể có ý nghĩa gì trong đời sống của Hội Thánh?
Bí tích Thánh thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Thánh thể là tột đỉnh hoạt động thánh hóa của Thiên Chúa đối với chúng ta và là tột đỉnh của hoạt động phượng tự chúng ta dâng lên Ngài. Bí tích Thánh thể chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Đức Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta. Việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa, và sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa được diễn tả và thực hiện nhờ Bí tích Thánh thể. Qua việc cử hành Thánh lễ, chúng ta được kết hợp với Phụng vụ trên Trời và tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu.

275. Bí tích này còn được gọi bằng những tên gọi nào?
Sự phong phú vô tận của Bí tích này được diễn tả qua nhiều tên gọi khác nhau, gợi lên những khía cạnh đặc biệt. Những tên gọi thông dụng nhất là: Thánh thể, Thánh lễ. Bữa ăn tối của Chúa, lễ Bẻ bánh, cử hành Thánh thể, Tưởng nhớ cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa, Hy lễ Thánh, Phụng vụ Thánh và Thần linh, mầu nhiệm Thánh, Bí tích Thánh nơi Bàn Thờ, Hiệp lễ.

276. Bí tích Thánh thể có vị nào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa?
Trong Giao ước cũ, Bí tích Thánh Thể được tượng trưng nhất là bằng bữa ăn Vượt qua, mà người Hipri cử hành hằng năm với bánh không men, để ghi nhớ cuộc ra đi vội vã giải phóng họ khỏi Ai Cập. Chúa Giêsu đã báo trước về Bí tích này trong giáo huấn của Người, và Người đã thiết lập Bí tích này khi cử hành bữa Tiệc ly với các Tông đồ, trong khung cảnh bữa tiệc Vượt qua. Trung thành với lệnh truyền của Chúa: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 24), Hội Thánh luôn cử hành Bí tích Thánh thể, nhấtlà vào ngày Chúa nhật, ngày Chúa Phục sinh của Chúa Giêsu.

277. Bí tích Thánh thể được cử hành thế nào?
Việc cử hành Bí tích Thánh Thể gồm hai phần chính, hợp thành một hành vi phụng tự duy nhất: Phụng vụ Lời Chúa gồm việc công bố và lắng nghe Lời Chúa, và Phụng vụ Thánh thể gồm việc tiến dâng bánh rượu, kinh nguyện Thánh thể (hay anaphora) trong đó có những lời truyền phép, và việc hiệp lễ.

278. Ai là thừa tác viên của Bí tích Thánh thể?
Thừa tác viên Bí tích Thánh thể là vị Tư tế (Giám mục hay Linh mục) đã được Truyền chức thành sự; vị này cử hành trong cương vị (in Persona) Đức Kitô là Đầu, và nhân danh Hội Thánh.

279. Các chất liệu chính yếu và cần thiết của Bí tích Thánh thể là gì?
Các chất liệu đó là bánh mình và rượu nho.

280. Theo nghĩa nào Bí tích Thánh thể là việc tưởng niệm hy tế của Đức Kitô?
Bí tích Thánh thể là việc tưởng niệm theo nghĩa làm cho hiện diện và hiện tại hóa hy tế thập giá mà Đức Kitô đã dâng lên Chúa Cha, một lần thay cho tất cả, vì nhân loại. Đặc tính hy tế của Bí tích Thánh thể được biểu lộ trong chính những lời thiết lập: “Đây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em” và “Chén này là Giao ước mới trong Máu Thầy, sẽ đổ ra vì anh em” (Lc 22, 19–20). Hy tế thập giá và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất. Hiến vật và người dâng là một, chỉ khác biệt về cách tiến dâng: có đổ máu trên thập giá, không đổ máu trong Bí tích Thánh thể.

281. Hội Thánh tham dự vào hy tế Thánh thể theo cách nào?
Trong Bí tích Thánh thể, hy tế của Đức Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể trong Thân thể Người. Đời sống của các tín hữu, lời ca ngợi, sự đau khổ, lời cầu nguyện, việc lao động, của họ được kết hợp với Đức Kitô. Vì là hy tế, Bí tích Thánh thể cũng được dâng lên cho tất cả các tín hữu, người còn sống cũng như kẻ đã qua đời, làm của lễ đền tội cho tất cả mọi người và để nhận được từ Thiên Chúa những ân huệ thiêng liêng và trần thế. Hơn nữa, Hội Thánh trên Trời cũng hiện diện trong lễ dâng của Đức Kitô.

282. Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh thể như thế nào?
Đức Giêsu Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh thể cách độc nhất vô nhị và không gì so sánh được. Thật vậy, Người hiện diện cách đích thực, thực sự và theo bản thể: với Mình và Máu Người, với linh hồn và thần tính của Người. Trong Bí tích Thánh thể, Đức Kitô trọn vẹn, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện theo cách Bí tích, nghĩa là dưới hình bánh và hình rượu.

283. Biến đổi bản thể nghĩa là gì?
Biến đổi bản thể nghĩa là sự biến đổi trọn vẹn bản thể bánh thành bản thể Mình Thánh Đức Kitô, và biến đổi trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Thánh Người. Sự biến đổi này được thực hiện trong kinh nguyện Thánh thể, nhờ hiệu lực của lời Đức Kitô và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, những đặc tính khả giác bên ngoài của bánh và rượu, nghĩa là các “hình bánh và rượu”, vẫn không thay đổi.

284. Việc bẻ bánh có phân chia Đức Kitô không?
Việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô. Người hiện diện trọn vẹn trong mỗi hình bánh và rượu, và trong mỗi phần nhỏ của hình bánh và rượu.

285. Sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí tích Thánh thể kéo dài bao lâu?
Sự hiện diện của Đức Kitô kéo dài bao lâu hình bánh và rượu đã truyền phép còn tồn tại.

286. Phải tôn thờ Bí tích Thánh thể cách nào?
Đó là sự tôn thờ “latria”, nghĩa là sự tôn thờ của dành riêng cho một mình Thiên Chúa, dù trong Thánh lễ hay ngoài Thánh lễ. Hội Thánh bảo quản các bánh Thánh đã truyền phép một cách cẩn thận tối đa. Hội Thánh mang Thánh Thể cho các bệnh nhân, cho những người không có khả năng tham dự Thánh lễ. Hội Thánh trưng Thánh thể ra cho các tín hữu tôn thờ cách long trọng, mang Thánh thể đi rước kiệu, và mời gọi người thường xuyên kính viếng và thờ lạy Bí tích cực Thánh này, được gìn giữ trong Nhà tạm.

287. Tại sao Bí tích Thánh thể là tiệc Vượt qua?
Bí tích Thánh thể là tiệc Vượt qua, vì khi làm cho cuộc Vượt qua của Người hiện diện trong Bí tích, Đức Kitô ban cho chúng ta Mình và Máu Người làm của ăn thức uống. Người kết hợp chúng ta với Người và với nhau trong hy tế của Người.

288. Bàn Thờ có ý nghĩa gì?
Bàn Thờ là biểu tượng của chính Đức Kitô, Đấng đang hiện diện như của lễ hiến tế (Bàn Thờ – hy tế thập giá) và như lương thực thần thiêng được ban tặng cho chúng ta (Bàn Thờ – Bàn tiệc Thánh thể).

289. Hội Thánh đòi buộc chúng ta phải tham dự Thánh lễ khi nào?
Hội Thánh đòi buộc các tín hữu phải tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và các lễ buộc. Hội Thánh khuyên chúng ta cũng tham dự Thánh lễ vào các ngày khác nữa.

290. Khi nào chúng ta phải Rước lễ?
Hội Thánh khuyên các tín hữu, nếu có đủ điều kiện cần thiết, nên Rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ. Hội Thánh buộc chúng ta Rước lễ một năm ít là một lần trong mùa Phục sinh.

291. Phải có những điều kiện nào để Rước lễ?
Để Rước lễ, chúng ta phải hoàn toàn thuộc về Hội Thánh Công giáo và sống trong tình trạng ân sủng, nghĩa là phải ý thức mình không có tội trọng. Ai ý thức mình đã phạm một tội trong, phải lãnh nhận Bí tích Thống hối trước khi Rước lễ. Cũng cần phải có thái độ tĩnh tâm và cầu nguyện, giữ chay theo quy định của Hội Thánh, và có những thái độ bên ngoài xứng đáng (cử chỉ, cách ăn mặc), biểu lộ lòng tôn kính đối với Đức Kitô.

292. Việc Rước lễ đem lại những hiệu quả gì?
Việc Rước lễ làm tăng trưởng sự hiệp thông của chúng ta với Đức Kitô và với Hội Thánh Người, bảo toàn và canh tân đời sống ân sủng đã nhận được khi lãnh Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, và làm cho chúng ta thêm lòng yêu mến tha nhân. Việc Rước lễ làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trong đức ái, xóa bỏ các tội nhẹ và gìn giữ chúng ta, trong tương lai, khỏi các tội trọng.

293. Khi nào có thể trao ban Bí tích Thánh thể cho các người Kitô hữu không Công giáo?
Các thừa tác viên Công giáo được phép trao ban Bí tích Thánh thể cho những người thuộc các Giáo Hội Đông phương, dù không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công giáo, nếu như chính họ tự ý xin và có đủ các điều kiện cần thiết. Còn đối với những người thuộc các Cộng đoàn Giáo Hội khác, các thừa tác viên Công giáo được phép trao ban Bí tích Thánh thể cho họ, khi có nhu cầu quan trọng, và do chính họ tự ý xin và có đủ các điều kiện cần thiết, và họ cũng phải biểu lộ đức tin Công giáo đối với Bí tích Thánh thể.

294. Tại sao Thánh thể là “bảo chứng cho vinh quang mai sau?
Vì Bí tích Thánh thể đổ tràn trong chúng ta tất cả mọi ân sủng và phúc lành của trời cao, nên Bí tích này làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trên đường lữ hành trần gian, và thêm lòng khao khát đời sống vĩnh cửu. Bí tích này đã liên kết chúng ta với Đức Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, với Hội Thánh thiên quốc, với Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc và với tất cả các Thánh.

“Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta bẻ cùng một tấm bánh là phương dược trường sinh bất tử và của của ăn đem lại sự sống muôn đời trong Đức Kitô” (Thánh Ignatio Antiokia).

CHƯƠNG HAI
CÁC BÍ TÍCH CHỮA LÀNH

295. Tại sao Đức Kitô thiết lập Bí tích Thống hối và Xức dầu Bệnh nhân?
Đức Kitô là thầy thuốc chữa lành linh hồn và thể xác, Người đã thiết lập các Bí tích này là vì đời sống mới do Người ban cho chúng ta qua các Bí tích khai tâm Kitô giáo có thể bị suy yếu và thậm chí bị mất đi do tội lỗi. Vì thế, Người muốn rằng Hội Thánh tiếp tục công trình chữa lành và cứu độ của Người qua hai Bí tích chữa lành.

BÍ TÍCH THỐNG HỐI VÀ GIAO HÒA

296. Bí tích này được gọi như thế nào?
Bí tích này được gọi là Bí tích Thống hối, Giao hòa, Tha thứ, Xưng tội và Hối cải.

297. Tại sao lại có một Bí tích Giao hòa sau Rửa tội?
Vì đời sống mới trong ân sủng, được lãnh nhận khi lãnh Bí tích Rửa tội, không tiêu hủy sự yếu đuối của bản tính con người, cũng như sự hướng chiều theo tội lỗi (tức là dục vọng), nên Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Giao hòa để những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội có thể ăn năn trở lại một khi họ xa lìa Người vì tội lỗi.

298. Đức Kitô thiết lập Bí tích này khi nào?
Đức Kitô sống lại đã thiết lập Bí tích này khi Người hiện ra với các Tông đồ vào chiều ngày Phục sinh vào nói với họ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần; anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha; anh em cầm buộc tội ai, thì tội người ấy bị cầm buộc” (Ga 20, 22–23).
299. Những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội có cần phải hối cải hay không?
Lời kêu gọi hối cải của Đức Kitô luôn vang vọng trong đời sống những người đã lãnh Bí tích Rửa tội. Việc hối cải này là một cuộc chiến đấu liên tục của toàn thể Hội Thánh, tuy có đặc điểm là Thánh thiện, nhưng lại bao gồm những tội nhân.

300. Thống hối nội tâm là gì?
Là sự vươn lên của “tâm hồn tan nát” (Tv 50 [51], 19), được ân sủng thần linh thúc đẩy để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Lòng thống hối bao hàm sự đau khổ vì tội đã phạm và quay lưng lại với tội lỗi, quyết tâm trong tương lai sẽ không phạm tội nữa và tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Lòng thống hối được dưỡng nuôi bằng niềm hy vọng vào sự thương xót của Thiên Chúa.

301. Việc thống hối được biểu lộ qua những hình thức nào trong đời sống người Kitô hữu?
Việc thống hối được biểu lộ qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt qua việc giữ chay, cầu nguyện, bố thí. Các hình thức thống hối này, và nhiều hình thức khác, có thể được người Kitô hữu thực hành trong đời sống hằng ngày đặc biệt trong mùa Chay và ngày thứ sáu là ngày sám hối.

302. Các yếu tố chính yếu của Bí tích Giao hòa là gì?
Có hai yếu tố chính: những hành vi của người sám hối dưới tác động của Chúa Thánh Thần, và lời xá giải của Linh mục, nhân danh Đức Kitô, trao ban ơn tha thứ và xác định cách đền tội.

303. Hối nhân phải có những hành vi nào?
Những việc hối nhân phải làm là: xét mình cẩn thận; ăn năn tội, khi phát xuất từ lòng yêu mến Chúa là ăn năn tội cách trọn, khi dựa vào những lý do khác là ăn năn tội cách không trọn, cùng với quyết tâm không tái phạm nữa; xưng tội, tức là xưng thú tội lỗi với Linh mục; đền tội, tức xưng tội, tức là xưng thú tội lỗi với Linh mục; đền tội, tức làm một số việc thống hối mà Cha giải tội ấn định để đền bù thiệt hại do tội gây ra.

304. Phải xưng những tội nào?
Chúng ta phải xưng tất cả các tội trọng nhớ được mà chưa xưng, sau khi đã xét mình cẩn thận. Việc xưng thú các tội trọng là phương tiện thông thường duy nhất để được ơn tha tội.

305. Khi nào phải xưng thú các tội trọng?
Mọi tín hữu khi đến tuổi khôn phải xưng các tội trọng của mình ít nhất một năm một lần và, trong mọi trường hợp, phải xưng các tội trọng trước khi rước lễ.

306. Tại sao khi xưng tội cũng nên xưng thú các tội nhẹ?
Hội Thánh tha thiết khuyên chúng ta nên xưng thú các tội nhẹ, mặc dầu điều này không phải là hoàn toàn cần thiết, bởi vì việc xưng thú này giúp tạo nên lương tâm ngay thẳng và giúp chiến đấu chống lại những hướng chiều về đàng xấu, để chúng ta được Đức Kitô chữa lành và được tiến triển trong đời sống theo Thánh Thần.

307. Ai là thừa tác viên Bí tích này?
Đức Kitô đã ủy thác thừa tác vụ Giao hòa cho các Tông đồ của Người, cho các Giám mục kế nhiệm các ngài, và cho các Linh mục, là những cộng tác viên của Giám mục. Như vậy, tất cả các vị ấy trở thành dụng cụ của lòng thương xót và sự công chính của Thiên Chúa. Các ngài thực thi quyền tha thứ các tội lỗi nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

308. Việc tha thứ một số tội được dành riêng cho ai?
Việc xá giải một số tội đặc biệt nghiêm trọng (như những tội mà ai phạm sẽ bị vạ tuyệt thông) được dành riêng cho Tòa Thánh hay vị Giám mục sở tại hay một số Linh mục được các ngài ủy nhiệm. Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử, bất kỳ Linh mục nào cũng có thể xá giải bất cứ tội lỗi hay vạ tuyệt thông nào.

309. Cha giải tội có bị buộc phải giữ bí mật tòa giải tội hay không?
Vì sự tế nhị và cao cả của thừa tác vụ này và vì phải tôn trọng những người xưng tội, mọi Cha giải tội buộc phải giữ “ấn tín tòa giải tội” nghĩa là phải giữ bí mật tuyệt đối về những tội lỗi người ta đã xưng thú cho ngài trong tòa giải tội. Vấn đề giữ ấn tín tòa giải tội không có luật trừ, ai vi phạm sẽ bị những hình phạt rất nặng.

310. Hiệu quả của Bí tích này là gì?
Hiệu quả của Bí tích Thống hối là: được giao hòa với Thiên Chúa, và như vậy, được tha thứ tội lỗi; được giao hòa với Hội Thánh; được trở lại tình trạng ân sủng nếu như đã mất; được tha thứ hình phạt đời đời đáng phải chịu vì các tội trọng đã phạm và, ít nhất một phần, nhưng hình phạt tạm là hậu quả của tội; được bình an thư thái trong lương tâm và được an ủi; được gia tăng sức mạnh thiêng liêng để chiến đấu trong cuộc đời Kitô hữu.

311. Trong một số trường hợp, có thể cử hành Bí tích này bằng việc xưng tội chung và xá giải tập thể không?
Trong những trường hợp thật sự khẩn cấp (như có nguy cơ sắp chết) người ta có thể cử hành chung Bí tích Giao hòa, gồm có việc xưng tội chung và xá giải tập thể, nhưng vẫn phải tuân giữ các quy định của Hội Thánh và với quyết tâm sẽ xưng riêng các tội trọng vào thời gian sớm nhất.

312. Ân xá là gì?
Ân xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa khỏi những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù đã được tha thứ. Với những điều kiện được Hội Thánh quy định, người tín hữu có thể lãnh nhận ơn tha thứ này cho chính mình hay cho những người đã qua đời, nhờ thừa tác vụ của Hội Thánh, với tư cách là người phân phát ơn cứu chuộc và chia sẻ kho tàng công phúc của Đức Kitô và các Thánh.

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

313. Trong Cựu Ước, người ta quan niệm thế nào về bệnh tật?
Trong Cựu Ước, con người, trong khi bị đau yếu, cảm nghiệm được sự hữu hạn của mình, đồng thời cũng nhận ra bệnh tật có liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi. Các Tiên tri đã thoáng nhận ra rằng bệnh tật cũng có thể có một giá trị cứu chuộc đối với các tội lỗi của cá nhân mình và của người khác. Như thế, người ta đón nhận bệnh tật trước tôn nhan Thiên Chúa và kêu cầu Ngài chữa lành.

314. Lòng thương cảm của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân có ý nghĩa gì?
Lòng thương cảm của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân và nhiều việc chữa lành Người đã thực hiện là một dấu chỉ hiển nhiên cho thấy rằng, nơi Người, Nước Thiên Chúa đã đến, và như vậy, đã đến lúc chiến thắng tội lỗi, đau khổ và cái chết. Bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa Giêsu đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới, đó là, nếu được kết hợp với sự đau khổ của Người, thì đau khổ có thể trở thành một phương tiện thanh luyện và cứu độ cho chúng ta và cho những người khác.

315. Hội Thánh đối xử thế nào với các bệnh nhân?
Khi nhận nơi Chúa mệnh lệnh chữa lành các bệnh nhân, Hội Thánh cố gắng thi hành mệnh lệnh đó qua việc chăm sóc bệnh nhân và việc nguyện cầu để đồng hành với họ. Đặc biệt, Hội Thánh có một Bí tích riêng dành cho các bệnh nhân, do chính Đức Kitô thiết lập và Thánh Giacobe chứng nhận: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến và họ sẽ cầu nguyện trên người ấy, sau khi xức dầu cho người ấy nhân danh Chúa” (Gc 5, 14–15).

316. Ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân?
Mọi tín hữu đều có thể lãnh nhận Bí tích này, khi họ bắt đầu lâm cơn nguy tử do bệnh tật hay già yếu. Chính người đó có thể lãnh nhận Bí tích này nhiều lần nữa, khi bệnh trở nặng hay mắc phải một cơn bệnh nặng khác. Trước khi cử hành Bí tích này, phải cho bệnh nhân xưng tội riêng, nếu có thể được.

317. Ai ban Bí tích này?
Chỉ có các Tư tế (Giám mục hay Linh mục) mới có thể trao ban Bí tích này.

318. Bí tích này được cử hành thế nào?
Việc cử hành Bí tích này chủ yếu là việc xức dầu, nếu có thể được là dầu do Giám mục làm phép, trên trán và hai bàn tay của bệnh nhân (trong nghi thức Roma) và trên các phần thân thể khác (trong các nghi thức khác). Việc xức dầu có kèm theo lời nguyện của vị Tư tế cầu xin ân sủng đặc biệt của Bí tích này.

319. Bí tích này có những hiệu quả gì?
Bí tích này ban một ân sủng đặc biệt, giúp bệnh nhân được kết hợp chặt chẽ hơn với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để mưu ích cho bản thân và cho toàn thể Hội Thánh. Ân sủng này mang lại cho bệnh nhân sự an ủi, bình an, lòng can đảm và cả ơn tha thứ tội lỗi nếu bệnh nhân không thể xưng tội được. Đôi khi, nếu Thiên Chúa muốn, Bí tích này cũng đem lại sự chữa lành thân xác. Dầu sao đi nữa, Bí tích Xức dầu Bệnh nhân chuẩn bị cho một cuộc vượt qua đi về Nhà Cha.

320. Của Ăn đàng là gì?
Của Ăn đàng là Bí tích Thánh thể được trao ban cho những người sắp rời bỏ cuộc sống trần gian và đang chuẩn bị cho cuộc vượt qua tiến vào đời sống vĩnh cửu. Được lãnh nhận vào lúc sắp đi qua từ thế gian này về với Chúa Cha, việc rước Mình và Máu Đức Kitô tử nạn và Phục sinh là mầm giống cho đời sống vĩnh cửu và là sức mạnh Phục sinh.

CHƯƠNG BA
CÁC BÍ TÍCH PHỤC VỤ CHO SỰ
HIỆP THÔNG VÀ CHO SỨ VỤ

321. Các Bí tích nào phục vụ cho sự hiệp thông và cho sứ vụ?
Có hai Bí tích, Truyền chức Thánh và Hôn phối, đem lại một ân sủng riêng cho một sứ vụ đặc biệt trong Hội Thánh, để phục vụ việc xây dựng Dân Thiên Chúa. Cả hai đóng góp một cách đặc biệt cho sự hiệp thông trong Hội Thánh và cho ơn cứu độ của những người khác.

BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

322. Bí tích Truyền chức Thánh là gì?
Là Bí tích qua đó sứ vụ Đức Kitô đã ủy thác cho các Tông đồ của Người, được tiếp tục thực thi trong Hội Thánh, cho đến ngày tận thế.

323. Tại sao gọi là Bí tích Truyền chức Thánh (Ordo)?
Từ chức Thánh chỉ một phẩm trật của Hội Thánh; người gia nhập vào phẩm trật đó phải được thánh hiến đặc biệt (truyền chức). Nhờ hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Thần, việc thánh hiến này cho phép người thụ phong được thực thi một quyền Thánh chức nhân danh Đức Kitô và với thẩm quyề của Đức Kitô để phục vụ Dân Thiên Chúa.

324. Bí tích Truyền chức Thánh có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa?
Trong Cựu Ước, có những hình ảnh tượng trưng về Bí tích này: việc phục vụ của các Thầy Levi, cũng như chức Tư tế của ông Aharon và thể chế bảy mươi kỳ mục (Ds 11, 25). Các hình ảnh này được kiện toàn nơi Đức Kitô Giêsu, nhờ hy tế thập giá, là “Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1Tm 2, 5), là “vị Thượng Tế theo phẩm trật Melkisede” (Dt 5, 10). Chức Tư tế duy nhất của Đức Kitô được hiện diện qua chức Tư tế thừa tác.

“Đức Kitô là vị Tư tế đích thực duy nhất, những người khác chỉ là những thừa tác viên của Người” (Thánh Toma Aquyno).

325. Các cấp bậc khác nhau của Bí tích Truyền chức Thánh là những cấp bậc nào?
Bí tích Truyền chức Thánh gồm có ba cấp bậc, không thể thay thế trong cơ cấu tổ chức của Hội Thánh, đó là: chức Giám mục, chức Linh mục và chức Phó tế.

326. Việc truyền chức Giám mục có hiệu quả gì?
Việc truyền chức Giám mục trao ban sự viên mãn của Bí tích Truyền chức. Bí tích này làm cho vị Giám mục trở thành người kế nhiệm hợp pháp của các Tông đồ và cho ngài hội nhập vào Giám mục đoàn, để chia sẻ với Đức Giáo Hoàng và các Giám mục khác sự quan tâm chăm sóc cho tất cả các Giáo Hội. Bí tích này trao ban cho vị Giám mục nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản.

327. Đâu là nhiệm vụ của Giám mục trong Giáo Hội địa phương được ủy thác cho ngài?
Trong một Giáo Hội địa phương được ủy thác cho ngài, Giám mục là nguyên lý hữu hình và là nền tảng cho sự hợp nhất của Giáo Hội đó; với tư cách là người đại diện hợp nhất của Giáo Hội đó; với tư cách là người đại diện Đức Kitô, vị Giám mục chu toàn trách nhiệm mục vụ đối với Giáo Hội này, với sự giúp đỡ của các Linh mục và Phó tế của ngài.

328. Việc Truyền chức Linh mục có hiệu quả gì?
Việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần ghi nơi Linh mục một ấn tín thiêng liêng không thể xóa, khiến ngài nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Tư tế, và trao cho ngài khả năng hành động nhân danh Đức Kitô là Đầu. Là cộng tác viên của hàng Giám mục, Linh mục được Thánh hiến để loan báo Tin Mừng, để cử hành việc phụng thờ Thiên Chúa, nhất là Bí tích Thánh thể từ đó ngài rút được sức mạnh cho thừa tác vụ của mình, và để làm mục tử của các tín hữu.

329. Linh mục thi hành thừa tác vụ của mình thế nào?
Dù được truyền chức cho một sứ vụ phổ quát, Linh mục thực thi sứ vụ này trong Giáo Hội địa phương, liên kết trong tình huynh đệ do Bí tích với các Linh mục khác, cùng nhau làm thành “Linh mục đoàn”. Các vị này, hiệp thông với Giám mục và dưới quyền ngài, chịu trách nhiệm về Giáo Hội địa phương đó.

330. Việc phong chức Phó tế có hiệu quả gì?
Được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là tôi tớ của mọi người, vị phó tế được truyền chức để phục vụ Hội Thánh. Dưới quyền vị Giám mục của mình, phó tế thực thi việc phục vụ trong thừa tác vụ Lời Chúa, trong việc phụng thờ Thiên Chúa, trong trách nhiệm mục vụ và trong việc bác ái.

331. Bí tích Truyền chức Thánh được cử hành thế nào?
Cho cả ba cấp bậc, Bí tích Truyền chức Thánh được trao ban qua việc Giám mục đặt tay trên đầu tiến chức, rồi long trọng đọc lời nguyện truyền chức. Qua lời nguyện này, Giám mục cầu xin Thiên Chúa đổ tràn Chúa Thánh Thần với các hồng ân của Ngài một cách đặc biệt trên tiến chức, giúp thực thi thừa tác vụ mà tiến chức phải đảm nhận.

332. Ai có thể cử hành Bí tích Truyền chức Thánh?
Chỉ có các Giám mục đã được tấn phong thánh sự, với cách là người kế nhiệm các Tông đồ, mới có quyền trao ban ba cấp bậc của Bí tích Truyền chức Thánh.

333. Ai có thể lãnh nhận Bí tích Truyền chức Thánh?
Chỉ có những người nam đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội mới có thể lãnh nhận thành sự Bí tích Truyền chức. Hội Thánh biết mình bị ràng buộc với sự chọn lựa này của chính Chúa. Không ai có quyền đòi hỏi được lãnh nhận Bí tích Truyền chức, nhưng chỉ có thẩm quyền của Hội Thánh mới đưa ra phán quết về khả năng của các ứng viên.

334. Người lãnh nhận Bí tích Truyền chức Thánh có buộc phải sống độc thân không?
Hàng Giám mục luôn bị buộc phải sống độc thân. Đối với hàng Linh mục, trong Giáo Hội Latinh, thông thường chỉ chọn các tín hữu phái nam đang sống độc thân và muốn tiếp tục sống độc thân “vì Nước Trời” (Mt 19, 12). Trong các Giáo Hội Đông phương, một người sau khi đã được Truyền chức Linh mục thì không được phép kết hôn. Những người nam đã lập gia đình có thể lãnh nhận chức Phó tế vĩnh viễn.

335. Bí tích Truyền chức Thánh có những hiệu quả nào?
Bí tích Truyền chức Thánh ban tràn đầy Chúa Thánh Thần cách đặc biệt, làm cho người được truyền chức nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong ba chức năng của Người là Tư tế, Tiên tri và Vương đế, theo từng cấp bậc của Bí tích. Bí tích Truyền chức Thánh trao ban một ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa, vì thế không thể ban Bí tích lại, cũng như không thể ban để thi hành trong một khoảng thời gian giới hạn.

336. Chức Tư tế thừa tác được thực thi với thẩm quyền nào?
Trong việc thực thi thừa tác vụ Thánh, các Tư tế được truyền chức nói và làm, không phải do thẩm quyền riêng tư, cũng không phải do mệnh lệnh hoặc sự ủy thác của cộng đoàn, nhưng trong cương vị của Đức Kitô là Đầu và nhân danh Hội Thánh. Vì thế, chức Tư tế thừa tác khác biệt, theo bản chất chứ không phải chỉ theo mức độ, với chức Tư tế cộng đồng của tất cả các tín hữu; chính để phục vụ chức Tư tế cộng đồng này Đức Kitô đã thiết lập chức Tư tế thừa tác.

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

337. Ý định của Thiên Chúa đối với người nam và người nữ là gì?
Thiên Chúa là tình yêu và đã tạo dựng con người vì tình yêu, nên Ngài đã kêu gọi con người yêu thương. Khi tạo dựng họ có nam có nữ, Ngài kêu gọi họ sống đời hôn nhân trong một hiệp thông thân mật của đời sống và tình yêu với nhau, “như vậy, họ không còn là hai, hưng là một thân thể” (Mt 19, 6). Khi chúc lành cho họ, Thiên Chúa nói: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều” (St 1, 28).

338. Thiên Chúa đã thiết lập Hôn nhân nhằm những mục đích nào?
Sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nữ, được đặt nền tảng và được Đấng Tạo Hóa thiết lập và sắp xếp theo những quy luật riêng, tự bản chất hướng tới sự hiệp thông và thiện ích của các đôi vợ chồng, cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái. Theo ý định ngay từ ban đầu của Thiên Chúa, sự kết hợp hôn nhân là bất khả phân ly, như Đức Giêsu Kitô đã xác nhận: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mc 10, 9).

339. Tội lỗi đe dọa Hôn nhân như thế nào?
Vì nguyên tội đã gây đổ vỡ cho sự hiệp thông, do Đấng Sáng Tạo ban tặng, giữa người nam và người nữ, nên sự kết hợp hôn nhân rất hay bị đe dọa bởi sự bất hòa và không chung thủy. Tuy nhiên, với lòng nhân từ vô bờ bến, Thiên Chúa ban cho người nam và người nữ ân sủng để họ thực hiện sự kết hợp đời sống của họ theo đúng ý định nguyên thủy của Ngài.

340. Cựu Ước dạy gì về Hôn nhân?
Đặc biệt qua giáo huấn của lề luật và các Tiên tri, Thiên Chúa giúp đỡ dân Ngài dần dần trưởng thành trong ý thức về tính duy nhất và sự bất khả phân ly của hôn nhân. Hôn ước giữa Thiên Chúa với dân Israel chuẩn bị và tượng trưng cho Giao ước mới, được Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô hoàn thành với Hội Thánh là Hiền thê của Người.

341. Đức Kitô đem lại điều mới mẻ nào cho Hôn nhân?
Đức Giêsu Kitô không những tái lập quy định từ ban đầu do Thiên Chúa muốn, mà Người có ban ân sủng để con người có thể sống hôn nhân trong phẩm giá mới là một Bí tích, dấu chỉ về tình yêu phu thê của Người đối với Hội Thánh: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ mình như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh” (Ep 5, 25).

342. Có buộc tất cả mọi người phải kết hôn hay không?
Hôn nhân không phải là một sự bắt buộc cho hết mọi người. Đặc biệt, Thiên Chúa kêu gọi một số người nam và người nữ bước theo Chúa Giêsu trong đời sống trinh khiết và độc thân vì Nước Trời. Họ từ bỏ lợi ích lớn lao của hôn nhân để lo toan những công việc của Chúa và tìm cách làm đẹp của lòng Người. Như thế, họ trở thành dấu chỉ cho sự ưu tiên tuyệt đối của tình yêu Đức Kitô và cho sự sốt sắng mong chờ ngày Người đến trong vinh quang.

343. Bí tích Hôn phối được cử hành thế nào?
Vì hôn nhân làm cho các người phối ngẫu sống một bậc sống công khai trong Hội Thánh, nên việc cử hành Phụng vụ của Bí tích này cũng công khai, dưới sự chứng kiến của vị Tư tế (hay của người chứng hôn được Hội Thánh cho phép) và các nhân chứng khác.

344. Sự ưng thuận kết hôn là gì?
Sự ưng thuận kết hôn là ý muốn do người nam và người nữ bộc lộ, để tự hiến cho nhau mãi mãi, với mục đích sống một Giao ước tình yêu chung thủy và sinh con cái. Vì chính sự ưng thuận làm thành Bí tích Hôn phối, nên sự ưng thuật là điều không thể thiếu và cũng không thể thay thế được. Để Bí tích Hôn phối thành sự, sự ưng thuận phải có đối tượng là hôn nhân đích thực và phải là một hành vi nhân linh ý thức và tự do, không bị chi phối vì bạo lực hay ép buộc.

345. Phải làm gì khi một trong hai người phối ngẫu không phải là Công giáo?
Để hợp pháp, các hôn nhân hỗn hợp (giữa người Công giáo và người đã Rửa tội ngoài Công giáo) cần có sự cho phép của thẩm quyền Giáo Hội. Các hôn nhân khác đạo (giữa người Công giáo và người không Rửa tội), để thành sự, cần phải có phép chuẩn. Trong mọi trường hợp, điều cần thiết là đôi hôn phối không loại trừ việc chấp nhận nhưng mục đích và đặc tính căn bản của hôn nhân. Về phía người Công giáo cũng phải cam kết là giữ đức tin và bảo đảm việc Rửa tội cũng như giáo dục Công giáo cho con cái, cũng phải báo cho người phối ngẫu biết những cam kết ấy.

346. Bí tích Hôn phối có những hiệu quả nào?
Bí tích Hôn phối tạo nên một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc chiếm giữa hai người phối ngẫu. Chính Thiên Chúa xác nhận sự ưng thuận của những người kết hôn. Như thế, hôn nhân thành sự và hoàn hợp giữa những người đã được Rửa tội không bao giờ có thể tháo gỡ được. Mặt khác, Bí tích cũng trao ban cho đôi vợ chồng ân sủng cần thiết để họ đạt tới sự thánh thiện trong đời sống lứa đôi, cũng như trong việc sinh con có trách nhiệm và giáo dục con cái.

347. Các tội nghịch lại Bí tích Hôn phối một cách nghiêm trọng là các tội nào?
Đó là các tội: ngoại tình và đa thê vì đi ngược lại với phẩm giá bình đẳng của người nam và người nữ, ngược lại với tính duy nhất và độc chiếm của tình yêu hôn nhân; từ chối sinh con, vì loại bỏ khỏi hôn nhân hồng ân con cái; ly dị, vì đi ngược lại với tính bẩ khả phân ly của hôn nhân.

348. Khi nào Hội Thánh chấp nhận việc vợ chồng ly thân?
Hội Thánh chấp nhận việc vợ chồng ly thân khi việc họ chung sống, vì những lý do nghiêm trọng, đã trở nên không thể được trong thực tế, mặc dù Hội Thánh vẫn mong muốn họ hòa giải với nhau. Nhưng bao lâu người phối ngẫu còn sống, không ai trong đôi vợ chồng được tự do tái hôn; trừ khi hôn phối của họ là không thành sự và điều đó được thẩm quyền Hội Thánh tuyên bố.

349. Hội Thánh có thái độ nào đối với những người đã ly dị lại tái hôn?
Trung thành với Chúa, Hội Thánh không thể công nhận hôn nhân của những người đã ly dị lại kết hôn theo luật dân sự. “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mc 10, 11–12). Đối với họ, Hội Thánh giữ một thái độ chăm sóc ân cần, mời gọi họ duy trì đời sống đức tin, cầu nguyện, thực hành các việc bác ái và chăm lo việc giáo dục con cái theo Kitô giáo. Nhưng bao lâu tình trạng của họ kéo dài, vì khách quan là trái với luật Thiên Chúa, thì họ không được xưng tội, Rước lễ, cũng như đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh.

350. Tại sao gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia?
Gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia vì gia đình biểu lộ bản chất của Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa, nghĩa là hiệp thông và gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình, tùy theo vai trò riêng của mình, thực thi chức Tư tế được lãnh nhận từ Bí tích Rửa tội, góp phần xây dựng gia đình thành một cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, một trường dạy các đức tính nhân bản và Kitô giáo, là nơi đầu tiên đức tin được loan truyền cho con cái.

CHƯƠNG BỐN
NHỮNG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ KHÁC

CÁC Á BÍ TÍCH

351. Các Á Bí tích là gì?
Đó là những dấu chỉ Thánh thiêng do Hội Thánh thiết lập để thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống. Các Á Bí tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo là dấu Thánh Giá và những dấu chỉ khác. Trong số các Á Bí tích quan trọng có: các phép lành, gồm một lời ca ngợi Thiên Chúa và một lời cầu xin hồng ân Chúa; việc Thánh hiến những con người; việc dâng hiến những đồ vật dùng vào vệic thờ phượng Chúa.

352. Nghi thức Trừ tà là gì?
Người ta gọi là nghi thức Trừ tà, khi Hội Thánh, với thẩm quyền của mình, nhân danh Chúa Giêsu, kêu xin để một người hay một đồ vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ánh thống trị của nó. Khi cử hành Bí tích Rửa tội, có một nghi thức Trừ tà đơn giản. Nghi thức Trừ tà trọng thể chỉ được được thực hiện bởi một Linh mục, với sự cho phép của Giám mục.

353. Đâu là những hình thức đạo đức bình dân đi kèm theo đời sống Bí tích của Hội Thánh?
Cảm thức tôn giáo của dân Kitô giáo trong mọi thời đại luôn có những cách diễn tả lòng đạo đức của mình qua nhiều hình thức khác nhau đi kèm theo đời sống Bí tích của Hội Thánh, như việc tôn kính các di tích Thánh, kính viếng các Đền Thánh, những cuộc hành hương, những cuộc rước kiệu, chặng đàng Thánh Giá, kính Mân Côi. Dưới ánh sáng đức tin, Hội Thánh soi sáng và cổ vũ những hình thức chính đáng của lòng đạo đức bình dân.

LỄ NGHI AN TÁNG THEO KITÔ GIÁO

354. Có tương quan nào giữa các Bí tích và cái chết của người Kitô hữu?
Người Kitô hữu, chết trong Đức Kitô, khi kết thúc cuộc đời trần thế của mình, đạt đến sự viên mãn của đời sống mới đã bắt đầu trong Bí tích Rửa tội, được củng cố bằng Bí tích Thêm sức và được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh thể, là tham dự trước vào bàn tiệc thiên quốc. Ý nghĩa cái chết trong Kitô giáo được biểu lộ dưới ánh sáng sự Chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta. Người Kitô hữu chết trong Đức Giêsu Kitô, là ra đi để “ở lại bên Chúa” (2Cr 5, 8).

355. Lễ nghi an táng diễn tả ý nghĩa gì?
Dù được cử hành theo nhiều nghi thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và truyền thống địa phương, lễ nghi an táng của Kitô giáo luôn làm nổi bật đặc tính Vượt qua của cái chết theo Kitô giáo trong niềm hy vọng sống lại, cũng như ý nghĩa của sự hiệp thông với người đã qua đời, đặc biệt là trong lời cầu nguyện cho linh hồn họ được thanh luyện.

356. Những giai đoạn chính của lễ nghi an táng là gì?
Lễ nghi an táng thường gồm bốn phần chính: cộng đoàn đón tiếp quan tài với những lời an ủi và hy vọng, Phụng vụ Lời Chúa, Hy tế Thánh thể, và lễ nghi từ biệt, trong đó linh hồn người quá cố được phó dâng lên Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống vĩnh cửu, trong khi thân xác được an táng trong niềm hy vọng phục sinh.
PHẦN III
ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KITÔ

MỤC THỨ NHẤT
ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI:
ĐỜI SỐNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN

357. Đời sống luân lý của người Kitô hữu được nối kết với đức tin và các Bí tích như thế nào?
Điều mà kinh Tin Kính tuyên xưng, thì các Bí tích thông truyền. Qua các Bí tích, các tín hữu đón nhận ân sủng của Đức Kitô và các ơn của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, họ có khả năng sống đời sống mới với tư cách là con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng họ đã đón nhận trong đức tin.

“Hỡi người Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn” (Thánh Leo Cả).

CHƯƠNG MỘT
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

CON NGƯỜI, HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA

358. Nền tảng phẩm giá con người là gì?
Phẩm giá của con người bắt nguồn trong việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa. Được phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bất tử, lý trí và ý chí tự do, con người được quy hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác.

ƠN GỌI ĐƯỢC HẠNH PHÚC

359. Làm thế nào con người đạt tới hạnh phúc?
Con người đạt được diễm phúc nhờ ân sủng của Đức Kitô, ân sủng này cho họ được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng, Đức Kitô chỉ cho các môn đệ của mình con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh cửu: đó là các Mối Phúc, Ân sủng của Đức Kitô cũng hoạt động trong tất cả những ai, dựa theo lương tâm ngay thẳng, tìm kiếm và yêu mến chân lý và điều thiện, và tránh điều ác.

360. Tại sao các mối phúc lại quan trọng đối với chúng ta?
Các Mối Phúc nằm ở trung tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu, nhắc lại và làm hoàn thành các lời hứa mà Thiên Chúa đã trao ban từ thời ông Abraham. Các Mối Phúc phác họa chính diện mạo của Chúa Giêsu, nêu lên những đặc tính đích thực của đời sống người Kitô hữu và mạc khải cho con người cùng đích hoạt động của họ: đó là hạnh phúc đời đời.

361. Đâu là mối liên hệ các mối phúc và lòng khao khát hạnh phúc của con người?
Các Mối Phúc đáp lại lòng khao khát bẩm sinh về hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn con người, để lôi kéo họ về với Ngài. Chỉ mình Ngài mới có thể lấp đầy lòng khao khát ấy.

362. Hạnh phúc đời đời là gì?
Đó là việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu, ở đó chúng ta sẽ được trọn vẹn “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1, 4), thông phần vinh quang của Đức Kitô và niềm vui của đời sống Ba Ngôi. Hạnh phúc đời đời vượt quá khả năng con người. Đó là một hồng ân siêu nhiên Thiên Chúa ban không, cũng như ân sủng dẫn đưa chúng ta đến đó. Hạnh phúc được hứa ban đặt chúng ta trước những chọn lựa luân lý có tính quyết định về của cải trần thế, và thúc đẩy chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.

TỰ DO CỦA CON NGƯỜI

363. Tự do là gì?
Tự do là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để hành động hay không hành động, để làm việc này hay việc khác, và như vậy, tự mình làm những hành động có ý thức. Tự do là nét đặt trưng của các hành vi nhân linh. Càng làm điều thiện, người ta càng tự do hơn. Tự do hướng đến sự hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, Đấng là sự thiện tối thượng và là hạnh phúc của chúng ta. Tự do cũng bao hàm khả năng lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu. Sự lựa chọn điều xấu là một lạm dụng tự do, đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi.

364. Đâu là mối tương quan giữa tự do và trách nhiệm?
Vì có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ các hành vi này do chính họ muốn, cả khi việc quy trách và trách nhiệm về một hành động có thể bị giảm thiểu hoặc đôi khi bị loại bỏ, vì lý do không biết, không chú ý, do áp lực, do sợ hãi, do quá gắn bó, hoặc do thói quen.

365. Tại sao mọi người có quyền sử dụng tự do của mình?
Mỗi người đều có quyền sử dụng tự do của mình, vì tự do không thể tách rời khỏi phẩm giá con người. Vì thế, quyền này phải luôn được tôn trọng, đặc biệt trong lãnh vực luân lý và tôn giáo. Quyền tự do này phải được quyền bính dân sự công nhận và bảo vệ, trong các giới hạn của công ích và trật tự công cộng chính đáng.

366. Tự do của con người có chỗ đứng nào trong kế hoạch cứu độ?
Tự do của chúng ta bị suy yếu vì tội nguyên tổ. Sự suy yếu này càng trầm trọng hơn vì các tội lỗi sau đó. Nhưng “chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5, 1). Nhờ ân sủng của Người, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến sự tự do thiêng liêng, để làm cho chúng ta thành những cộng tác viên tự do của Người, trong Hội Thánh và trong thế giới.

367. Đâu là nguồn gốc tính chất luân lý của các hành vi nhân linh?
Tính chất luân lý của các hành vi nhân linh dựa trên ba nguồn:
- Đối tượng được lựa chọn, nghĩa là một điều thiện đích thực hay có vẻ như thế.
- Ý hướng của chủ thể hành động, nghĩa là mục đích khiến cho chủ thể hành động.
- Các hoàn cảnh của hành động, bao gồm cả các hậu quả của hành động.

368. Khi nào hành vi là tốt xét về phương diện luân lý?
Xét về phương diện luân lý, hành vi là tốt khi đồng thời đối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh đều tốt. Đối tượng được chọn có thể tự nó làm cho toàn bộ hành vi trở thành xấu, dù ý hướng có tốt. Không được phép làm một điều xấu để đạt được một điều tốt. Một mục đích xấu có thể làm cho hành vi ra xấu, cho dù đối tượng tự nó là tốt. Ngược lại, một mục đích tốt không thể làm cho một hành động mà đối tượng của nó là xấu, trở thành tốt được, vì mục đích không biện minh cho các phương tiện. Các hoàn cảnh có thể làm giảm thiểu hay gia tăng trách nhiệm của tác giả hành vi, nhưng chúng không thể làm thay đổi phẩm trật luân lý của chính các hành vi. Các hoàn cảnh không bao giờ có thể làm cho một hành vi tự nó là xấu trở thành tốt được.

369. Có những hành vi luôn luôn không được phép làm hay không?
Có những hành vi luôn luôn là không được phép lựa chọn, vì đối tượng của chúng (chẳng hạn lộng ngôn, giết người, ngoại tình). Việc lựa chọn những hành vi này bao hàm một sự lệch lạc của lòng muốn, nghĩa là một điều xấu luân lý: điều xấu này không thể được biện minh bằng cách xét đến những hậu quả tốt có thể phát xuất từ đó.

TÍNH LUÂN LÝ CỦA CÁC ĐAM MÊ

370. Các đam mê là gì?
Đam mê là những cảm xúc, những chuyển biến hay những rung động của sự nhạy cảm – đó là những yếu tố tự nhiên của tâm lý con người – chúng thúc đẩy con người hành động hay không hành động, theo điều được cảm nhận là tốt hoặc xấu. Những đam mê căn bản là yêu và ghét, ước muốn và sợ hãi, vui buồn và phẫn nộ. Đam mê quan trọng nhất là tình yêu, được hấp dẫn bởi điều thiện. Người ta chỉ yêu điều thiện hảo, hoặc là điều thiện hảo thực sự hoặc là điều người ta tưởng là thiện hảo.

371. Xét về khía cạnh luân lý, đam mê tốt hay xấu?
Vì là những rung động của sự nhạy cảm, đam mê tự chúng không tốt và cũng chẳng xấu. Đam mê tốt khi đưa đến những hành động tốt, và là xấu trong trường hợp nghịch lại. Các đam mê có thể được thăng hoa thành các nhân đức hay thoái hóa các thói xấu.

LƯƠNG TÂM

372. Lương tâm là gì?
Hiện diện trong sâu thẳm lòng người, lương tâm là một phán đoán của lý trí, vào đúng lúc, thúc đẩy con người làm lành lánh dữ. Nhờ lương tâm, con người nhận thức được phẩm chất luân lý của một hành vi sẽ làm hay đã làm, và đảm nhận trách nhiệm về hành vi đó. Khi lắng nghe tiếng nói của lương tâm, người khôn ngoan có thể nghe được tiếng Thiên Chúa nói với mình.

373. Phẩm giá con người đòi buộc điều gì đối với lương tâm?
Phẩm giá con người đòi hỏi sự ngay chính của lương tâm, có nghĩa là lương tâm phải phù hợp với cái gì là đúng và tốt theo lý trí và lề luật của Thiên Chúa. Căn cứ vào phẩm giá nhân vị đó, con người không thể bị ép buộc phải hành động nghịch lại với lương tâm mình, cũng như không thể bị ngăn cản, trong các giới hạn của công ích, hành động theo lương tâm mình, nhất là trong lĩnh vực tôn giáo.

374. Làm thế nào để đào tạo lương tâm ngay thẳng và chân thật?
Lương tâm ngay thẳng và chân thật được đào tạo qua giáo dục, qua việc thấm nhuần Lời Chúa và các giáo huấn của Hội Thánh. Lương tâm được các hồng ân Chúa Thánh Thần nâng đỡ và được các lời khuyên bảo của những người khôn ngoan trợ giúp. Ngoài ra, việc cầu nguyện và xét mình cũng đóng góp rất nhiều vào việc đào tạo luân lý.

375. Đâu là những quy tắc mà lương tâm luôn phải theo?
Có ba quy tắc căn bản:
1. Không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt;
2. Khuôn vàng thước ngọc: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12);
3. Đức ái Kitô giáo luôn đòi hỏi tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ, tuy vậy không có nghĩa là chấp nhận là tốt một điều theo khách quan vốn là xấu.

376. Lương tâm có thể đưa ra những phán đoán sai lầm không?
Con người phải luôn tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình; nhưng lương tâm cũng có thể đưa ra những phán đoán sai lầm, vì những nguyên nhân nhiều khi do lỗi con người. Tuy nhiên, người ta không thể quy trách nhiệm cho người thực hiện điều xấu vì sự thiếu hiểu biết ngoài ý muốn, cả khi đó là một điều xấu khách quan. Chính vì thế, con người phải vận dụng hết mọi khả năng để sửa lại những sai lầm của lương tâm.

CÁC NHÂN ĐỨC

377. Nhân đức là gì?
Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện. “Mục đích của một đời sống nhân đức là trở nên giống Thiên Chúa” (Thánh Gregorio thành Nyssa). Có những nhân đức nhân bản và những nhân đức đối thần.

378. Các nhân đức nhân bản là gì?
Các nhân đức nhân bản là những xu hướng thường xuyên và kiên trì của lý trí và ý chí nhằm điều chỉnh các hành vi của chúng ta, điều tiết các đam mê và hướng dẫn nếp sống chúng ta cho phù hợp với lý trí và đức tin. Nhờ đạt được và củng cố thường xuyên bằng các hành vi luân lý tốt, các nhân đức nhân bản được ân sủng Thiên Chúa thanh luyện và nâng cao.

379. Các nhân đức nhân bản chính là gì?
Đó là các nhân đức được gọi là các nhân đức căn bản. Tất cả các nhân đức khác đều quy tụ quanh các nhân đức này và các nhân đức này là nền tảng cho đời sống đạo đức. Đó là: Khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ.

380. Khôn ngoan là gì?
Khôn ngoan là nhân đức giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định điều thiện đích thực và chọn lựa những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó. Sự khôn ngoan hướng dẫn các nhân đức khác, bằng cách chỉ ra quy tắc và mức độ của chúng.

381. Công bằng là gì?
Công bằng là nhân đức luân lý thể hiện qua quyết tâm trả cho người khác những gì thuộc về họ. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là “nhân đức thờ phượng”.

382. Can đảm là gì?
Can đảm là nhân đức luân lý chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời; can đảm có thể đưa đến khả năng dám hy sinh chính mạng sống để bảo vệ lẽ phải.

383. Tiết độ là gì?
Tiết độ là nhân đức luân lý giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui, giúp ý chí làm chủ các bản năng và giúp ta biết sử dụng cách chừng mực các của cải trần thế.

384. Các nhân đức đối thần là gì?
Các nhân đức đối thần là những nhân đức có chính Thiên Chúa là nguồn gốc, động lực và đối tượng trực tiếp. Các nhân đức này được phú bẩm trong con người cùng với ân sủng thánh hóa, giúp con người có khả năng sống trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi. Các nhân đức đối thần tạo nền móng và động lực cho hành vi luân lý của người Kitô hữu, làm sinh động các nhân đức nhân bản. Các nhân đức này là bảo chứng cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các năng lực của con người.

385. Các nhân đức đối thần là những nhân đức nào?
Các nhân đức đối thần gồm có: đức tin, đức cậy và đức ái.

386. Đức tin là gì?
Đức tin là nhân đức đối thần nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã mạc khải cho chúng ta và những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa là chính Chân lý. Nhờ đức tin, con người phó thác bản thân mình một cách tự do cho Thiên Chúa. Vì thế người tin tìm biết và tìm thi hành ý muốn của Ngài, vì “đức tin hoạt động nhờ đức ái” (Gl 5, 6).

387. Đức cậy là gì?
Đức cậy là nhân đức đối thần nhờ đó chúng ta khao khát và mong chờ Thiên Chúa ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu là hạnh phúc của chúng ta, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, để xứng đáng đời sống vĩnh cửu và để kiên trì cho đến hết cuộc đời trần thế.

388. Đức ái là gì?
Đức ái là nhân đức đối thần nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu thương người khác như chính mình. Chúa Giêsu lấy đức ái làm điều răn mới, là sự viên mãn của lề luật. Đức ái là “mối dân liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 14), là nền tảng của các nhân đức khác mà nó làm cho sinh động, gợi hứng và phối hợp. Không có đức ái, “tôi chẳng là gì cả và… chẳng gì có ích cho tôi” (1Cr 13, 1–3).

389. Các ơn Chúa Thánh Thần là gì?
Các ơn Chúa Thánh Thần là những xu hướng thường xuyên giúp cho con người dễ dàng tuân theo những soi sáng của Thiên Chúa. Có bảy ơn Chúa Thánh Thần: ơn khôn ngoan, ơn thông mình, ơn biết lo liệu, ơn can đảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức và ơn kính sợ Thiên Chúa.

390. Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì?
Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là những điều thiện hảo được hình thành trong chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống Hội Thánh kể ra mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần: “Bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và khiết tịnh” (Gl 5, 22–23).

TỘI LỖI

391. Để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì?
Để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn nhận và thống hối các tội lỗi của mình. Chính Thiên Chúa, qua Lời và Thánh Thần của Ngài, giúp chúng ta thấy rõ tội lỗi của mình, ban cho chúng ta lương tâm ngay thẳng và niềm hy vọng vào ơn tha thứ.

392. Tội là gì?
Tội là “một lời nói, hành vi hoặc ước muốn trái nghịech với luật vĩnh cửu” (Thánh Augustino). Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, vì không vâng phục tình yêu của Ngài. Tội gây thương tích cho bản tính của con người và làm thương tổn tình liên đới giữa nhân loại. Qua cuộc Khổ nạn, Đức Kitô cho thấy rõ ràng tính chất trầm trọng của tội và đã chiến thắng nó bằng lòng thương xót của Người.

393. Có nhiều loại tội hay không?
Có rất nhiều loại tội. Có thể phân biệt các tội theo đối tượng của chúng, hoặc theo các nhân đức hay các điều răn mà tôi đối nghịch. Cũng có thể phân biệt các tội theo tương quan trực tiếp của chúng với Thiên Chúa, với tha nhân hoặc với chính bản thân. Ngoài ra, người ta còn có thể phân biệt tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và việc bỏ sót không làm.

394. Người ta phân biệt tội theo tính chất trầm trọng của chúng như thế nào?
Người ta phân biệt tội trọng và tội nhẹ.

395. Khi nào người ta phạm tội trọng?
Người ta phạm tội trọng khi cùng lúc có: chất liệu nặng, ý thức đầy đủ, và tự ý ưng thuận. Tội trọng phá hủy đức mến trong chúng ta, làm chúng ta mất ân sủng thánh hóa và dẫn chúng ta đến cái chết đời đời trong hỏa ngục nếu không sám hối. Tội trọng được tha thứ cách thông thường nhờ Bí tích Rửa tội và Bí tích Thống hối, còn gọi là Bí tích Giao hòa.

396. Khi nào người ta phạm tội nhẹ?
Khác biệt cách triệt để với tội trọng, người ta phạm tội nhẹ khi chất liệu là nhẹ, hoặc cả khi chất liệu là nặng, nhưngkhông có đầy đủ ý thức hay không hoàn toàn ưng thuận. Tội nhẹ không cứt đức tương quan với Thiên Chúa, nhưng làm suy yếu đức mến. Tội nhẹ biểu lộ lòng quyến luyến lệch lạc đối với của cải trần thế, ngăn cản sự tiến triển của linh hồn trong việc thực hành nhân đức và trong việc thực thi điều thiện luân lý. Tội nhẹ đáng chịu những hình phạt tạm thời để thanh luyện.

397. Tội sinh sôi nảy nở nơi chúng ta như thế nào?
Tội tạo nên xu hướng về tội, và do việc lặp đi lặp lại cùng một hành vi, sẽ sinh ra thói xấu.

398. Các thói xấu là gì?
Đối nghịch với các nhân đức, các thói xấu là những thói quen lệch lạc làm mờ tối lương tâm và hướng chiều về điều xấu. Các thói xấu có thể được liên hệ với bảy mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, nóng giận, dâm dục, mê ăn uống, và lười biếng.

399. Chúng ta có trách nhiệm gì đối với tội người khác không?
Chúng ta có trách nhiệm đối với tội của người khác, khi chúng ta cộng tác cách có lỗi vào tội đó.

400. Các cơ cấu tội lỗi là gì?
Các cơ cấu tội lỗi là những hoàn cảnh xã hội hay những tổ chức nghịch lại với luật Thiên Chúa; chúng là biểu lộ và là hậu quả của các tội nhân.

CHƯƠNG HAI
CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI

CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI

401. Chiều kích xã hội của con người là ở chỗ nào?
Con người không những được kêu gọi theo từng cá nhân để hưởng hạnh phúc, nhưng còn có một chiều kích xã hội, tạo thành một yếu tố căn bản của bản chất cũng như ơn gọi của mình. Thật vậy, tất cả mọi người đều được kêu gọi đến một cùng đích chung là chính Thiên Chúa. Có một sự tương tự nào đó giữa sự hiệp thông các Ngôi Vị Thiên Chúa với tình huynh đệ mà con người phải thiết lập với nhau, trong chân lý và tình yêu. Tình yêu đối với tha nhân không thể tách rời khỏi tình yêu đối với Thiên Chúa.

402. Đâu là mối tương quan giữa cá nhân với xã hội?
Nguyên lý, chủ thể và mục đích của tất cả các định chế xã hội là và phải là con người. Một số xã hội, chẳng hạn như gia đình và cộng đồng dân sự, rất cần thiết cho con người. Các hiệp hội khác cũng hữu ích cho con người, cả trên bình diện quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế, nhưng phải tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ.

403. Nguyên tắc hỗ trợ là gì?
Nguyên tắc này có nghĩa là một xã hội ở cấp độ cao hơn không được thâu tóm các phận vụ thuộc xã hội ở cấp độ thấp hơn, và cướp mất thẩm quyền của xã hội cấp thấp này. Đúng hơn, xã hội cấp cao phải nâng đỡ xã hội cấp thấp trong trường hợp cần thiết.

404. Một cuộc chung sống đích thực giữa người với người còn đòi buộc điều gì khác nữa?
Cuộc chung sống đích thực này đòi buộc phải tôn trọng sự công bằng, và bậc thang đúng đắn của các giá trị, do đó, các chiều kích thể lý và bản năng phải lệ thuộc các chiều kích nội tâm và tinh thần. Đặc biệt, nơi nào tội lỗi làm băng hoại môi trường xã hội, phải kêu gọi sám hối tâm hồn và kêu cầu đến ân sủng của Thiên Chúa, để có được những thay đổi xã hội hầu thực sự phục vụ cho mỗi con người và toàn bộ con người. Đức ái là điều răn cao cả nhất mang tính xã hội, vì đòi buộc sự công bằng và giúp thực hiện sự công bằng.

THAM DỰ VÀO ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

405. Quyền bính trong xã hội được đặt trên nền tảng nào?
Mọi cộng đồng nhân loại đều cần có một quyền bính hợp pháp để bảo đảm trật tự và góp phần vào việc thực hiện công ích. Quyền bính này đặt nền tảng trên bản tính con người, vì phù hợp với trật tự được Thiên Chúa thiết lập.

406. Khi nào quyền bính được thực thi hợp pháp?
Quyền bính được thực thi cách hợp pháp khi hoạt động vì công ích và sử dụng các phương tiện được phép về mặt luân lý để đạt được công ích ấy. Vì thế, các thể chế chính trị phải được thiết lập do quyết định tự do của các công dân và họ phải tuân giữ nguyên tắc “nhà nước pháp chế”, trong đó luật pháp là tối thượng chứ không phải ý muốn độc đoán của một số người. Các luật lệ bất công và các biện pháp trái nghịch với trật tự luân lý không bó buộc lương tâm con người.

407. Công ích là gì?
Công ích được hiểu là toàn thể những điều kiện của đời sống xã hội cho phép các nhóm và các cá nhân đạt tới sự hoàn hảo của mình.

408. Công ích bao gồm những điều gì?
Công ích bao gồm: sự tôn trọng và phát huy các quyền lợi căn bản của con người, việc phát triển các lợi ích tinh thần và vật chất của con người cũng như của xã hội, hòa bình và an ninh cho tất cả mọi người.

409. Ở đâu công ích được thực hiện một cách đầy đủ nhất?
Công ích được thực hiện cách đầy đủ nhất trong các cộng đồng chính trị nào bảo vệ và phát huy thiện ích cho các công dân và các tổ chức trung gian, mà không quên thiện ích phổ quát của gia đình nhân loại.

410. Con người tham gia vào việc thực hiện công ích như thế nào?
Tùy theo địa vị và vai trò đảm nhận, mỗi người phải góp phần vào việc phát huy công ích: bằng việc tôn trọng các luật công bằng, và dấn thân vào những lĩnh vực mà cá nhân họ có trách nhiệm, như chăm sóc gia đình và dấn thân trong công việc của mình. Chừng nào có thể, các công dân cũng phải tích cực tham gia vào đời sống cộng đồng.

CÔNG BẰNG XÃ HỘI

411. Làm thế nào xã hội bảo đảm được công bằng xã hội?
Xã hội bảo đảm công bằng xã hội khi tôn trọng phẩm giá và những quyền lợi con người; đó chính là mục đích thực sự của xã hội. Ngoài ra, xã hội tìm kiếm công bằng xã hội, là điều liên hệ đến công ích và việc thực thi quyền hành, khi xã hội tạo điều kiện để các hiệp hội và các cá nhân đạt được những gì thuộc về quyền lợi của họ.

412. Đâu là nền tảng sự bình đẳng giữa người với người?
Mọi người đều được hưởng sự bình đẳng về phẩm giá và những quyền lợi căn bản, vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất và được phú cho một linh hồn có lý trí. Họ có chung một bản tính và một nguồn gốc, và, trong Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất, được mời gọi chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.

413. Chúng ta đánh giá những bất bình đẳng giữa con người như thế nào?
Có những sự bất bình đẳng về mặt kinh tế và xã hội ảnh hưởng trên hàng triệu con người. Những bất bình đẳng này mâu thuẫn cách công khai với Tin Mừng và đối nghịch với công bằng, với phẩm giá con người và với hòa bình. Nhưng cũng có những khác biệt giữa con người, do những nhân tố khác nhau thuộc kế hoạch của Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa muốn rằng mỗi người nhận được từ những người khác cái gì mình cần, và những ai có những “nén bạc” đặc biệt, nên chia sẻ với những người khác. Những sự khác biệt này khuyến khích và nhiều khi bắt buộc con người phải sống hào hiệp, nhân từ và chia sẻ. Chúng cũng thúc đẩy các nền văn hóa làm phong phú lẫn nhau.

414. Tình liên đới nhân loại được biểu lộ như thế nào?
Xuất phát từ tình huynh đệ nhân bản và Kitô giáo, tình liên đới trước hết được biểu lộ trong việc phân phối hợp lý các của cải, trong việc trả lương lao động một cách công bằng và trong việc dấn thân cho một trật tự xã hội công bằng hơn. Nhân đức liên đới thực hiện việc chia sẻ các của cải tinh thần của đức tin, điều này còn quan trọng hơn là chia sẻ các của cải vật chất.

CHƯƠNG BA
ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA:
LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG

LUẬT LUÂN LÝ

415. Luật luân lý là gì?
Luật luân lý là công trình của đức khôn ngoan của Thiên Chúa. Luật này chỉ cho con người những con đường và quy luật sống dẫn đến hạnh phúc Thiên Chúa đã hứa, và ngăn cấm những nẻo đường đưa con người xa lìa Thiên Chúa.

416. Luật luân lý tự nhiên hệ tại điều gì?
Được Đấng Tạo Hóa khắc ghi trong tâm hồn mỗi người, luật tự nhiên hệ tại việc tham dự vào sự khôn ngoan và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Luật tự nhiên diễn tả cảm thức luân lý nguyên thủy, nhờ đó con người sử dụng lý trí để phân định điều tốt điều xấu. Luật tự nhiên mang tính phổ quát và bất biến, đặt nền tảng cho các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của con người, cũng như của cộng đồng nhân loại và của chính luật dân sự.

417. Mọi người có nhận thức được luật tự nhiên không?
Vì tội lỗi, mọi người không thể nhận thức luật tự nhiên cách rõ ràng và trực tiếp như nhau.

“Vì vậy, “Thiên Chúa đã viết trên các bằng Luật, tất cả những gì mà con người không đọc nổi trong tâm hồn họ” (Thánh Augustino).

418. Tương quan giữa luật tự nhiên và luật Cựu Ước như thế nào?
Luật Cựu Ước là cấp độ đầu tiên của luật mạc khải, trình bày nhiều chân lý mà lý trí tự nhiên có thể đạt tới; những chân lý này được xác nhận và chính thức hóa trong các Giao ước cứu độ. Các quy định luân lý của luật Cựu Ước được tóm lại trong Mười Điều Răn, đặt nền tảng cho ơn gọi của con người. Các quy định này ngăn cấm những gì nghịch lại tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, và ấn định những đòi hỏi căn bản của tình yêu ấy.

419. Luật Cựu Ước có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ?
Luật Cựu Ước giúp chúng ta nhận biết nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt được. Luật Cựu Ước cho thấy điều người ta phải làm hay không được phép làm, và nhất là, như một nhà sư phạm khôn ngoan, chuẩn bị con người sám hối và đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, dù thánh thiện, thiêng liêng và tốt lành, luật Cựu Ước vẫn bất toàn, vì tự nó không ban sức mạnh và ân sủng của Chúa Thánh Thần để giúp người ta tuân giữ nó.

420. Luật mới hay luật Tin Mừng là gì?
Luật mới hay luật Tin Mừng được Đức Kitô rao giảng và thực hiện, là sự viên mãn và hoàn thành luật Thiên Chúa, tự nhiên và mạc khải. Luật mới được tóm kết trong điều răn mến Chúa yêu người và yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta. Luật mới cũng là một thực tại trong thâm tâm con người, đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có thể thực hiện một tình yêu như thế. Đó là “luật tự do” (Gl 1, 25), hướng dẫn chúng ta mau mắn hành động dưới sự thúc đẩy của tình yêu.

“Trước tiên, Luật mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban cho các tín hữu trong Đức Kitô” (Thánh Toma Aquyno).

421. Chúng ta gặp được luật Mới ở đâu?
Chúng ta gặp được luật mới trong suốt cuộc đời và lời rao giảng của Đức Kitô, cũng như trong huấn giáo luân lý của các Tông đồ. Bài giảng trên núi là cách diễn tả chính yếu của luật này.

ÂN SỦNG VÀ CÔNG CHÍNH HÓA

422. Công chính hóa là gì?
Công chính hóa là công trình tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa. Đó là hành động nhân từ và nhưng không của Thiên Chúa, Đấng tha thứ tội lỗi cho chúng ta và làm cho chúng ta nên công chính, thánh thiện trong trọn vẹn bản thân chúng ta. Điều đó được thực hiện nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, ân sủng mà chúng ta đáng được nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, và được trao ban cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội. Việc công chính hóa mở đường cho lời đáp trả tự do của con người, nghĩa là cho đức tin vào Đức Kitô và cho sự cộng tác với ân sủng của Chúa Thánh Thần.

423. Ân sủng công chính hóa là gì?
Ân sủng là hồng ân Thiên Chúa ban không giúp chúng ta thông phần vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và có khả năng hành động vì tình yêu Thiên Chúa. Ân sủng này được gọi là ơn thường sủng, ơn thánh hóa hay ơn thần hóa, vì ân sủng thánh hóa và thần hóa chúng ta. Ân sủng này siêu nhiên, vì tùy thuộc hoàn toàn vào sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa và vượt quá mọi khả năng của lý trí và sức lực con người. Vì vậy, ân sủng vượt khỏi kinh nghiệm của chúng ta.

424. Các loại ân sủng khác là gì?
Ngoài ơn thường sủng, còn có các ơn hiện sủng (ân sủng tùy hoàn cảnh), các ơn Bí tích (ân sủng đặc biệt của mỗi Bí tích), các ân sủng đặc biệt hay đặc sủng (có mục đích là sự thiện ích của Hội Thánh), trong đó có ơn chức phận, là ơn đi kèm theo việc thi hành các thừa tác vụ trong Hội Thánh và các trách nhiệm của đời sống.

425. Đâu là tương quan giữa ân sủng với tự do con người?
Ân sủng đi trước, chuẩn bị và khơi dậy lời đáp trả tự do của con người. Ân sủng thỏa mãn những khát vọng thâm sâu của sự tự do con người, mời gọi tự do cộng tác, và hướng dẫn tự do đến sự toàn thiện.

426. Công phúc là gì?
Công phúc là điều đem lại quyền được thưởng cho một hành động tốt. Trong những liên hệ với Thiên Chúa, con người tự mình không có gì được gọi là công phúc, vì họ đã lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa cho con người khả năng lập công nhờ kết hợp vào đức ái của Đức Kitô, nguồn mạch các công phúc của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, công phúc của những việc lành trước hết là do ân sủng của Thiên Chúa, thứ đến mới do ý chí tự do của con người.

427. Chúng ta có thể lập công để lãnh nhận những điều thiện hảo nào?
Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể lập công để lãnh nhận, cho chính mình và cho con người khác, những ân sủng hữu ích cho việc thánh hóa bản thân và cho việc đạt tới đời sống vĩnh cửu, cũng như những của cải vật chất cần thiết cho chúng ta, theo kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không ai có thể lập công để lãnh nhận ân sủng đầu tiên, là ân ban lúc khởi đầu để sám hối trở về và được nên công chính.

428. Có phải mọi người đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo không?
Mọi tín hữu đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo. Sự thánh thiện này là sự viên mãn của đời sống Kitô hữu, sự toàn hảo của tình yêu, được thực hiện trong việc kết hợp mật thiết với Đức Kitô và, trong Người, với Thiên Chúa Ba Ngôi. Con đường nên Thánh của người Kitô hữu, sau khi trải qua thập giá, sẽ được hoàn thành trong cuộc Phục sinh cuối cùng của những người công chính, trong đó Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài người.

GIÁO HỘI, MẸ VÀ THẦY

429. Hội Thánh nuôi dưỡng đời sống luân lý của người Kitô hữu như thế nào?
Hội Thánh là cộng đoàn ác người Kitô hữu. Trong Hội Thánh, họ đón nhận Lời Chúa và những giáo huấn về “Luật của Đức Kitô” (Gl 6, 2), lãnh nhận ân sủng các Bí tích, kết hợp bản thân với hy lễ Thánh Thể của Đức Kitô, để đời sống luân lý của họ trở thành một việc phượng tự thiêng liêng. Trong Hội Thánh, họ học gương Thánh thiện của Đức Trinh Nữ Maria và của các Thánh.

430. Tại sao Huấn quyền Hội Thánh can thiệp vào lĩnh vực luân lý?
Bởi vì trách nhiệm của Huấn quyền Hội Thánh là rao giảng đức tin để mọi người tin và áp dụng đức tin vào đời sống cụ thể. Trách nhiệm này cũng bao gồm cả những điều răn đặc thù của luật tự nhiên, bởi vì tuân giữ những điều răn đó là rất cần thiết cho ơn cứu độ.

431. Các điều răn của Hội Thánh có mục đích gì?
Năm điều răn của Hội Thánh có mục đích bảo đảm cho người tín hữu những điều tối thiểu thiết yếu về tinh thần cầu nguyện, đời sống Bí tích, dấn thân luân lý và tăng trưởng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

432. Năm điều răn của Hội Thánh là gì?
Năm điều răn của Hội Thánh là:
1. Tham dự Thánh lễ Chúa nhật cũng như các ngày lễ buộc, kiêng việc xác và những hoạt động có thể cản trở việc thánh hóa những ngày đó;
2. Xưng tội để lãnh nhận Bí tích Giao hòa ít là mỗi năm một lần;
3. Rước Mình Thánh Chúa ít là trong mùa Phục Sinh;
4. Kiêng thịt và giữ chay trong những ngày Hội Thánh quy định
5. Mỗi người theo khả năng, đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Hội Thánh.

433. Tại sao đời sống luân lý của người Kitô hữu rất cần thiết để loan báo Tin Mừng?
Nhờ đời sống luân lý phù hợp với Chúa Giêsu, các người Kitô hữu lôi kéo mọi người tin vào Thiên Chúa thật; họ xây dựng Hội Thánh; họ đem tinh thần Tin Mừng vào giữa lòng đời và chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa đến.

MỤC THỨ HAI
MƯỜI ĐIỀU RĂN

Đạo đức Chúa Trời có mười Điều Răn
Thứ nhất, thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Ngài trên hết mọi sự.
Thứ hai, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ,
Thứ ba, giữ ngày Chúa nhật,
Thứ bốn, thảo kính cha mẹ,
Thứ năm, chớ giết người,
Thứ sáu, chớ làm sự dâm dục,
Thứ bảy, chớ lấy của người,
Thứ tám, chớ làm chứng dối,
Thứ chín, chớ muốn vợ chồng người,
Thứ mười, chớ tham của người.

434. “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” (Mt 19, 16).
Khi người thanh niên hỏi câu này, Chúa Giêsu trả lời: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” rôvi Người thêm: “Hãy đến theo Tôi” (Mt 19, 16–21). Việc theo Chúa Giêsu bao gồm cả việc tuân giữ các điều răn. Lề uật không bị bãi bỏ, nhưng chúng ta được mời gọi tìm lại lề luật nơi Con Người của Vị Tôn Sư Thần linh của mình, Đấng thực thi trọn vẹn lề luật nơi chính mình, Đấng mạc khải trọn vẹn ý nghĩa của lề luật, và chứng nhận hiệu lực trường tồn của lề luật.

435. Chúa Giêsu giải thích lề luật thế nào?
Chúa Giêsu giải thích lề luật dưới áng sáng của điều răn yêu thương, có hai vế nhưng là điều răn duy nhất, là sự viên mãn của lề luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Mose và các sách Tiên tri đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 37–40).

436. “Mười Điều Răn” nghĩa là gì?
“Mười Điều Răn” có nghĩa là “mười lời” (Xh 34, 28), tóm tắt lề luật do Thiên Chúa ban cho dân Israel trong bối cảnh của Giao ước qua trung gian ông Mose. Khi trình bày các điều răn về tình yêu đối với Thiên Chúa (ba điều răn đầu) và đối với tha nhân (bảy điều răn sau), Mười Điều Răn vạch ra cho Dân Chúa và từng người con đường dẫn đến cuộc sống được giải thoát ách nô lệ tội lỗi.

437. Liên hệ giữa Mười điều răn với Giao ước như thế nào?
Mười Điều Răn phải được hiểu dưới ánh sáng của Giao ước; trong ánh sáng đó Thiên Chúa tự mạc khải và cho biết ý muốn của Ngài. Khi tuân giữ các điều răn, Dân Chúa nói lên rằng mình thuộc về Thiên Chúa, và đáp lại sáng kiến yêu thương của Ngài với lòng biết ơn.

438. Hội Thánh dành cho Mười điều răn tầm quan trọng nào?
Trung thành với Thánh Kinh và với gương của Chúa Giêsu, Hội Thánh nhìn nhận Mười Điều Răn có tầm quan trọng và ý nghĩa hàng đầu. Các người Kitô hữu buộc phải tuân giữ Mười Điều Răn.

439. Tại sao Mười điều răn tạo thành một tổng thể thống nhất?
Mười Điều Răn tạo thành một tổng thể thống nhất và không thể phân chia, vì mỗi điều răn đều liên kết với các điều răn khác và với toàn thể Mười Điều Răn. Vì vậy, vi phạm một điều răn là vi phạm toàn bộ lề luật.

440. Tại sao buộc nặng phải giữ Mười điều răn?
Bởi vì Mười Điều Răn trình bày những bổn phận căn bản của con người đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

441. Chúng ta có khả năng giữ Mười điều răn không?
Thưa có, vì Đức Kitô, Đấng mà không có Người chúng ta không thể làm được gì, ban cho chúng ta có khả năng tuân giữ Mười Điều Răn, khi ban cho chúng ta Thánh Thần và ân sủng của Người.

CHƯƠNG MỘT
“NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN ĐỨC CHÚA,
THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI
HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN
VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯỜI”

ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT:
TA LÀ ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI.
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC CÓ THẦN NÀO KHÁC.

442. Lời tuyên bố của Thiên Chúa: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20, 2) bao hàm điều gì?
Đối với người tín hữu, câu này buộc phải giữ và thực hành ba nhân đức đối thần, tránh các tội nghịch lại những nhân đức ấy – Đức tin giúp tin tưởng vào Thiên Chúa và loại trừ những gì trái ngược, chẳng hạn như cố tình nghi ngờ, không tin, lạc giáo, bội giáo, ly giáo – Đức cậy giúp tin tưởng chờ đợi sự hưởng kiến Thiên Chúa và ơn phù trợ của Ngài, tránh sự ngã lòng và tự phụ – Đức mến giúp yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì thế phải loại trừ tội lỗi lãnh đạm, vô ơn, nguội lạnh, lười biếng hoặc uể oải về mặt thiêng liêng, và tội oan ghét Thiên Chúa phát sinh từ kiêu ngạo.

443. Lời Chúa truyền: “Ngươi phải thờ lạy một mình Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4, 10) đòi hỏi những gì?
Lời này buộc phải thờ lạy Thiên Chúa là Chúa tể của tất cả những gì hiện hữu; phải tôn thờ Ngài xứng đáng với tư cách cá nhân hay tập thể; phải cầu nguyện bằng những lời ca ngợi, tạ ơn và cầu khẩn; phải dâng lên Ngài những lê tế, nhất là lễ tể thiêng liêng của chính cuộc đời chúng ta, kết hợp với hy lễ tuyệt hảo của Đức Kitô; phải giữ những lời đã hứa và đã khấn với Thiên Chúa.

444. Bằng cách nào con người thực hiện quyền lợi của mình, là được thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý và tự do?
Mỗi người đều có quyền và bổn phận luân lý phải tìm kiếm chân lý, đặc biệt là những gì liên quan đến Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài. Và một khi đã nhận biết chân lý, mỗi người đều có quyền và bổn phận luân lý phải đón nhận chân lý, trung thành với chân lý, bằng việc dâng lên Thiên Chúa một sự thờ phượng đích thực. Đồng thời, phẩm giá con người đòi hỏi về phương diện tôn giáo không ai có thể bị ép buộc hành động trái với lương tâm, và cũng không ai được ngăn cản họ hành động theo lương tâm, riêng tư cũng như công khai, một mình hay chung với những người khác, trong ranh giới chính đáng của trật tự công cộng.

445. Thiên Chúa cấm đoán điều gì khi Ngài ra lệnh: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20, 2)?
Điều răn này cấm:
- Tội đa thần và thờ ngẫu tượng là Thần thánh hóa một thụ tạo, quyền lực, tiền bạc và cả ma quỷ.
- Tội mê tín là một lệch lạc trái với việc tôn thờ Thiên Chúa đích thực; mê tín biểu lộ dưới những hình thức khác nhau như: bói toán, ma thuật, phù thủy và chiêu hồn;
- Tội vô đạo biểu hiện bằng hành động thử thách Thiên Chúa, trong lời nói trong hành động; bằng việc phạm thượng, nghĩa là xúc phạm đến người hay đồ vật đã thánh hiến, nhất là Bí tích Thánh thể; mại thánh, nghĩa là muốn mua bán những thực tại linh thiêng;
- Tội vô tín là loại trừ sự hiện hữu của Thiên Chúa, thường phát xuất từ một quan niệm sai lạc về quyền tự lập của con người;
- Chủ thuyết bất khả tri là cho rằng con người không thể nào biết về Thiên Chúa, và bao gồm chủ trương lãnh đạm tôn giáo và vô thần thực hành.

446. Điều răn của Thiên Chúa: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình…” (Xh 20, 3), có phải là cấm việc tôn thờ ảnh tượng không?
Trong Cựu Ước, điều răn này cấm trình bày Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối siêu việt, bằng bất cứ hình thức nào. Nhưng khởi từ mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, việc tôn kính ảnh tượng Thánh của người Kitô hữu được biện minh (trong Công đồng Nicea II, năm 787), vì việc tôn kính này được đặt nền tảng trên mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, qua đó Thiên Chúa siêu việt trở nên hữu hình. Đây không phải là việc thờ lạy ảnh tượng, nhưng là việc tôn kính Đấng được trình bày qua ảnh tượng: Đức Kitô, Đức Trinh Nữ, các Thiên thần và các Thánh.

ĐIỀU RĂN THỨ HAI
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC KÊU TÊN THIÊN CHÚA
CÁCH BẤT XỨNG

447. Chúng ta phải tôn kính Thánh Danh Thiên Chúa như thế nào?
Chúng ta tôn kính Thánh Danh Thiên Chúa bằng việc kêu cầu, chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Ngài. Vì vậy, cấm không được kêu đến Danh Người để biện minh cho một tội á, và không được sử dụng cách bất xứng Danh Thánh Ngài, như lộng ngôn, điều này tự bản chất là một tội trọng, cũng như nguyền rủa và không tuân giữ những lời hứa nhân Danh Thiên Chúa.

448. Tại sao cấm thề gian?
Vì người ta nại đến Thiên Chúa, Đấng là chính chân lý, để làm chứng cho một lời nói dối.

“Đừng thề nhân danh Đấng Sáng Tạo, cũng đừng thề nhân danh thụ tạo, trừ khi ta nói lên sự thật, vì nhu cầu và với lòng kính trọng” (Thánh Inhaxio Loyola).

449. Bội thề là gì?
Bội thề là đưa ra một lời hứa kèm theo một lời thề, với ý định không giữ lời hứa, hoặc vi phạm một lời hứa có kèm theo lời thề. Đó là một tội trọng phạm đến Thiên Chúa vì Ngài là Đấng luôn trung tín với những lời Ngài đã hứa.

ĐIỀU RĂN THỨ BA
NGƯƠI PHẢI THÁNH HÓA
NGÀY CỦA ĐỨC CHÚA

450. Tại sao Thiên Chúa “đã chúc phúc cho ngày Sabát và coi đó là ngày Thánh” (Xh 20, 11)?
Trong ngày Sabát, dân Do Thái tưởng nhớ việc Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy theo như trình thuật tạo dựng, cũng như nhớ đến việc giải thoát Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập và nhớ đến Giao ước được Thiên Chúa thiết lập với dân Ngài.

451. Chúa Giêsu xử sự thế nào đối với ngày Sabát?
Chúa Giêsu công nhận sự Thánh thiêng của ngày Sabát và Người dùng thẩm quyền thần linh để đưa ra giải thích đích thực về ngày này: “Ngày Sabát được lập ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabát” (Mc 2, 27).

452. Vì lý do nào, đối với người Kitô hữu, ngày Sabát đã được thay thế bằng ngày Chúa nhật?
Vì ngày Chúa nhật là ngày Phục sinh của Chúa Kitô. Là “ngày thứ nhất trong tuần” (Mc 16, 2), ngày Chúa nhật gợi lại cuộc sáng tạo lần thứ nhất; là “ngày thứ tám” tiếp sau ngày Sabát, ngày Chúa nhật biểu trưng một cuộc sáng tạo mới được khởi đầu bằng cuộc Phục sinh của Đức Kitô. Như thế, đối với các người Kitô hữu, ngày Chúa nhật trở thành ngày thứ nhất của mọi ngày và của mọi ngày lễ. Đó là ngày của Chúa, trong đó, nhờ cuộc Vượt qua, Đức Kitô hoàn tất ý nghĩa thiêng liêng của ngày Sabát của người Do Thái và loan báo sự an nghỉ đời đời của con người trong Thiên Chúa.

453. Phải thánh hóa ngày Chúa nhật thế nào?
Các người Kitô hữu thánh hóa ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác bằng việc tham dự Bí tích Thánh thể của Chúa và tránh mọi hoạt động làm ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, hay làm xáo trộn niềm vui đặc thù trong ngày của Chúa, cũng như việc nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thân xác. Tuy nhiên, trong ngày Chúa nhật, các người Kitô hữu có thể làm những việc liên quan đến nhu cầu gia đình hay phục vụ cho những lợi ích quan trọng của xã hội, với điều kiện những hoạt động này không tạo thành những thói quen có hại cho việc thánh hóa ngày Chúa nhật, cho cuộc sống gia đình hay cho sức khỏe.

454. Tại sao phải đấu tranh để luật dân sự công nhận ngày Chúa nhật là ngày lễ nghỉ?
Để cho tất cả mọi người đều có thể nghỉ ngơi đầy đủ và có được một thời gian rảnh rỗi để chăm lo việc tôn giáo, gia đình, văn hóa và xã hội; để tìm được thời gian thuận tiện cho việc suy niệm, suy tư, thinh lặng và học tập; để làm những việc thiện ích, đặc biệt là việc phục vụ những người bệnh tật và già yếu.

CHƯƠNG HAI
“NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI
THÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH”

ĐIỀU RĂN THỨ TƯ
NGƯƠI HÃY THẢO KÍNH CHA MẸ

455. Điều răn thứ tư dạy điều gì?
Điều răn thứ tư dạy chúng ta phải tôn kính và quý trọng cha mẹ và những ai được Thiên Chúa trao quyền hành để mưu ích cho chúng ta.

456. Bản chất của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa là gì?
Người nam và người nữ kết hợp với nhau trong hôn nhân, cùng với con cái tạo thành một gia đình. Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Hôn nhân và gia đình được sắp xếp hướng về thiện ích của đôi vợ chồng, về việc sinh sản và giáo dục con cái. Giữa các thành viên trong gia đình có những mối liên hệ cá nhân và những trách nhiệm hàng đầu. Trong Đức Kitô, gia đình trở thành một Hội Thánh tại gia, vì đó là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến.

457. Gia đình có vai trò nào trong xã hội?
Gia đình là tế bào nguyên thủy của xã hội loài người, vì thế có trước bất kỳ sự công nhận nào của chính quyền. Các nguyên tắc và giá trị của gia đình tạo thành nền tảng cho đời sống xã hội. Đời sống gia đình là khởi điểm của đời sống xã hội.

458. Xã hội có trách nhiệm gì đối với gia đình?
Xã hội có trách nhiệm nâng đỡ và củng cố hôn nhân và gia đình, nhưng vẫn tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ. Các chính quyền phải tôn trọng, bảo vệ và nâng đỡ bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, đặo đức công cộng, các quyền của cha mẹ và sự thịnh vượng của các gia đình.

459. Con cái có những bổn phận nào đối với cha mẹ?
Con cái phải hiếu thảo, biết ơn, ngoan ngoãn và vâng phục cha mẹ. Nhờ những tương quan tốt đẹp với anh chị em, con cái góp phần làm tăng thêm sự hòa thuận và thánh thiện của toàn bộ đời sống gia đình. Khi cha mẹ nghèo túng, bệnh tật, cô đơn hay già cả, con cái đã trưởng thành phải nâng đỡ các ngài về vật chất và tinh thần.

460. Cha mẹ có những bổn phận nào đối với con cái?
Vì được thông phần tư cách làm cha của Thiên Chúa, cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, và cũng là những người đầu tiên loan báo đức tin cho chúng. Họ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái, là những nhân vị và con cái Thiên Chúa. Họ phải cung cấp, chừng nào có thể, cho những nhu cầu vật chất và tinh thần của chúng, chọn cho chúng trường học thích hợp, và dùng những lời khuyên khôn ngoan mà giúp chúng chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống. Đặc biệt, cha mẹ có sứ mệnh giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái.

461. Làm thế nào cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái?
Cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái chủ yếu bằng gương sáng, kinh nguyện, dạy giáo lý trong gia đình và tham dự vào đời sống Giáo Hội.

462. Các mối liên hệ trong gia đình có giá trị tuyệt đối không?
Các mối liên hệ trong gia đình, dù quan trọng, nhưng không phải tuyệt đối, bởi vì ơn gọi đầu tiên của người Kitô hữu là bước theo Đức Kitô bằng cách yêu mến Người: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10, 37). Cha mẹ phải vui mừng giúp đỡ con cái bước theo Chúa Giêsu trong tất cả bậc sống, kể cả trong đời sống thánh thiện hay thừa tác vụ Linh mục.

463. Quyền bính phải được thực thi thế nào trong những lĩnh vực khác nhau của xã hội dân sự?
Quyền bính phải được thực thi như một sự phục vụ, nhờ tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người, một bậc thang giá trị đúng đắn, các luật lệ, sự công bằng phân phối và nguyên tắc hỗ trợ. Khi thực thi quyền hành, mỗi người phải tìm lợi ích cho tập thể chứ không phải cho bản thân. Các quyết định của ọ phải dựa trên chân lý về Thiên Chúa, về con người và về thế giới.

464. Người công dân có những bổn phận nào đối với chính quyền dân sự?
Công dân phải coi cấp trên như những người đại diện Thiên Chúa, góp phần cộng tác cách trung trực với họ để đời sống công cộng và xã hội được hoạt động tốt đẹp. Điều này bao gồm cả tình yêu và việc phục vụ tổ quốc, quyền lợi và bổn phận bầu cử, đóng thuế, việc bảo vệ tổ quốc và quyền phê phán mang tính chất xây dựng.

465. Khi nào người công dân không được vâng phục chính quyền dân sự?
Theo lương tâm, người công dân không được vâng phục những quy định của chính quyền dân sự, khi chúng đi ngược lại các đòi hỏi của trật tự luân lý: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người” (Cv 5, 29).

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI

466. Tại sao phải tôn trọng sự sống con người?
Vì sự sống con người là điều linh Thánh. Ngay từ đầu, sự sống cần đến một tác động sáng tạo của Thiên Chúa và sự sống mãi mãi nằm trong một liên hệ đặc biệt với Đấng Sáng Tạo, là cùng đích duy nhất của mình. Không ai được phép trực tiếp hủy hoại một con người vô tội, vì điều này đối nghịch cách nghiêm trọng với phẩm giá con người và với sự thánh thiện của Đấng Sáng Tạo. “Người không được giết người vô tội và người công chính” (Xh 23, 7).

467. Tại sao bảo vệ con người và xã hội một cách hợp pháp không đối nghịch với luật tuyệt đối này?
Qua việc bảo vệ hợp pháp, người ta chọn sự tự về và bảo vệ quyền sống cho bản thân hay cho người khác, chứ không phải chọn việc giết người. Đối với những người có trách nhiệm về mạng sống của người khác, việc bảo vệ hợp pháp không những là một quyền mà còn là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, không được sử dụng bạo lực vượt quá mức cần thiết.

468. Hình phạt có mục đích gì?
Hình phạt được chính quyền dân sự hợp pháp đề ra có mục đích để sữa chữa những xáo trộn do lỗi lầm gây nên, để bảo vệ trật tự công cộng và an ninh cho mọi người, và để góp phần cải hóa phạm nhân.

469. Người ta có thể đề ra những hình phạt nào?
Hình phạt được chính quyền dân sự đề ra phải tương xứng với tính chất trầm trọng của hành vi tội ác. Ngày nay với những khả năng nhà nước có thể sử dụng để dẹp được tội ác bằng cách vô hiệu hóa kẻ phạm tội, những trường hợp tuyệt đối cần thiết phải sử dụng án tử hình “từ nay sẽ rất hiếm, nếu không nói là trong thực tế không còn nữa” (Evangelium vitae). Nếu các phương tiện không gây chết người là đủ, thì chính quyền phải sử dụng các phương tiện này, vì chúng tương ứng hơn với những điều kiện cụ thể công ích, chúng phù hợp hơn với phẩm giá con người và không loại bỏ cách vĩnh viễn khả năng sửa sai của kẻ phạm tội.

470. Điều răn thứ năm cấm những gì?
Điều răn thứ năm cấm những hành vi sau đầy vì trái ngược cách nghiêm trọng với luật luân lý:
- Giết người cố ý và trực tiếp, cũng như việc đồng lõa trong tội đó;
- Phá thai trực tiếp, coi như là mục đích hay phương tiện, và cộng tác vào tội này. Hội Thánh đã ra vạ tuyệt thông cho người phạm tội này, bởi vì con người, ngay từ lúc được thụ thai, phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối trong sự toàn vẹn của nó;
- Án tử trực tiếp, có mục đích chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, đau yếu hay hấp hối, bằng một hành động hay bỏ không làm một hành động cần kíp;
- Tự sát và chủ ý cộng tác vào việc tự sát, tội này là một xúc phạm nghiêm trọng đến tình yêu chính đáng đối với Thiên Chúa, đối với chính mình và đối với tha nhân; về phần trách nhiệm, tội tự sát có thể nghiêm trọng hơn khi gây gương xấu, nhưng cũng có thể giảm thiểu vì những rối loạn tâm lý đặc biệt hoặc vì những sợ hãi trầm trọng.

471. Những chữa trị y dược nào được phép khi cái chết coi như gần kề?
Khi dứt bỏ việc điều trị theo lẽ thường cần cho một bệnh nhân thì không thể coi là hợp pháp được. Tuy nhiên, được phép sử dụng các thuốc giảm đau nào không có mục đích làm cho chết, và được phép từ chối “việc trị liệu khắc nghiệt”, nghĩa là việc chữa trị quá tốn kém, nhưng không đem lại chút hy vọng nào để đạt được kết quả tích cực.

472. Tại sao xã hội có trách nhiệm phải bảo vệ mọi thai nhi?
Quyền sống của con người, ngay từ lúc được thụ thai, là một yếu tố làm thành xã hội dân sự và luật pháp của xã hội. Khi nhà nước không dùng quyền lực để phục vụ cho các quyền lợi của mọi người, và đặc biệt của những người yếu đuối nhất, trong số đó có các thai nhi chưa được sinh ra, thì chính những nền tảng của nhà nước pháp quyền bị xói mòn.

473. Làm thế nào để tránh gây dịp tội?
Gây dịp tội là đưa người khác đến chỗ phạm tội. Người ta tránh gây dịp tội khi tôn trọng linh hồn và thể xác con người. Nếu ai chủ ý đưa người khác đến chỗ phạm tội trọng, thì chính mình cũng mắc một lỗi nặng.

474. Chúng ta có trách nhiệm nào đối với thân xác?
Chúng ta phải chăm sóc sức khỏe thân xác của mình và của tha nhân cách hợp lý, nhưng phải tránh xa việc tôn thờ thân xác và mọi thứ thái quá. Ngoài ra còn phải tránh việc sử dụng ma túy, vì nó gây nên sự hủy hoại trầm trọng cho sức khỏe và đời sống con người, cũng phải tránh sự lạm dụng các thứ như thực phẩm, rượu, thuốc hút và các thứ thuốc men.

475. Khi nào các thí nghiệm khoa học, y khoa hay tâm lý, trên những cá nhân hay nhóm người, là hợp pháp về mặt luân lý?
Về mặt luân lý, các thí nghiệm ấy là hợp pháp nếu chúng phục vụ cho lợi ích toàn vẹn của con người và xã hội, mà không gây ra những rủi ro không cân xứng cho sự sống và sự toàn vẹn thể lý hay tâm lý của các cá nhân; họ phải được thông báo trước, và đã ưng thuận.

476. Trước và sau khi chết, có được phép hiến tặng và ghép các bộ phận hay không?
Về mặt luân lý, việc ghép các bộ phận cơ thể có thể được chấp nhận với sự ưng thuận của người cho và khôn gây nguy hiểm quá đáng cho người đó. Hiến tặng các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý, nhưng trước khi lấy các bộ phận đó, phải xác định người hiến tặng chắc chắn đã chết.

477. Những việc nào đối nghịch với việc tôn trọng sự toàn vẹn thể lý của con người?
Những việc đó là: bắt cóc, bắt người làm con tin, khủng bố, tra tấn, bạo lực trực tiếp triệt sản. Việc cắt bỏ một phần thân thể của một người chỉ được chấp nhận về mặt luân lý nếu mục đích là để chữa bệnh cho chính người đó.

478. Phải chăm sóc những người hấp hối như thế nào?
Những người hấp hối có quyền được sống xứng đáng với phẩm giá vào những giây phút cuối cùng của đời sống trần thế, nhất là được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và các Bí tích, giúp họ chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.

479. Phải đối xử với thân xác người quá cố như thế nào?
Thân xác người quá cố phải được đối xử với lòng tôn trọng và bác ái. Hội Thánh cho phép hỏa táng, nếu việc này không phải là do từ chối đức tin về sự phục sinh thân xác.

480. Chúa đòi hỏi mỗi người điều gì về vấn đề hòa bình?
Đức Kitô, Đấng đã tuyên bố “phúc cho ai xây dựng hòa bình” (Mt 5, 9), đòi hỏi sự bình an của tâm hồn và kết án thái độ giận dữ, là muốn báo thù vì điều xấu mình đã phải chịu. Người cũng kết án lòng thù ghét, là ao ước điều xấu cho tha nhân. Những thái độ này, nếu cố ý và ưng theo trong những vấn đề quan trọng, đều là những tội trọng nghịch lại với đức ái.

481. Hòa bình trên thế giới là gì?
Hòa bình trên thế giới cần thiết để đời sống con người được tôn trọng và phát triển. Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh hay là sự cân bằng giữa các thế lực đối lập, nhưng là sự “ổn định trật tự” (Thánh Augustino), “thành quả của công lý” (Is 32, 17) và hiệu lực của đức ái. Hòa bình trần thế là hình ảnh và hoa trái sự bình an của Đức Kitô.

482. Hòa bình trên thế giới đòi buộc điều gì?
Hòa bình trên thế giới đòi buộc sự phân phối cách công bằng và bảo vệ tài sản của con người, sự tự do giao tiếp giữa con người, sự tôn trọng phẩm giá của con người và các dân tộc, sự kiên trì thực hiện công lý và tình huynh đệ.

483. Về mặt luân lý, khi nào được phép sử dụng lực lượng quân sự?
Việc sử dụng lực lượng quân sự chỉ được biện minh về mặt luân lý khi đồng thời hội đủ những điều kiện sau đây: chắc chắn thiệt hại đã phải chịu do đối phương là trầm trọng và kéo dài; mọi giải pháp hòa bình đều vô hiệu; triển vọng thành công khá chắc chắn; các vũ khí hủy diệt hiện đại không gây ra sự tàn phá lớn hơn là sự thiệt hại cần phải loại bỏ.

484. Trong trường hợp có nguy cơ chiến tranh, ai có trách nhiệm đánh giá chính xác về những điều kiện đó?
Trách nhiệm này tùy thuộc vào sự phán đoán khôn ngoan của những người cầm quyền, những vị này cũng có quyền đề ra cho công dân nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. Những ai vì lý do lương tâm từ chối cầm súng thì có thể thi hành nghĩa vụ này bằng những hình thức khác phục vụ cộng đồng.

485. Trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý đòi buộc điều gì?
Ngay cả trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý vẫn luôn có hiệu lực. Luật này đòi buộc phải đối xử nhân đạo với những người không chiến đấu, các thương binh và các tù binh. Các hành động cố ý đi ngược với quyền lợi của các dân tộc, và các mệnh lệnh buộc thi hành các hành động đó, đều là những tội ác mà sự vâng phục tối mặt không đủ để chạy tội. Phải kết án những sự hủy diệt hàng loạt, cũng như việc tận diệt một dân tộc hay một sắc tộc thiểu số. Đó là những tội rất nặng nề. Về mặt luân lý, phải chống lại các mệnh lệnh buộc thi hành các tội ác như thế.

486. Chúng ta phải làm gì để tránh chiến tranh?
Vì chiến tranh gây ra những sự dữ và bất công, nên chúng ta phải làm tất cả những gì hợp lý để ngăn chặn chiến tranh bằng bất cứ giá nào. Đặc biệt phải tránh việc tích trữ và buôn bán những vũ khí không do các chính quyền hợp pháp quy định; tránh những bất công về mặt kinh tế và xã hội; tránh việc kỳ thị chủng tộc và tôn giáo; tránh ganh ghét, ngờ vực, kiêu căng và tinh thần báo thù. Tất cả những gì được thực hiện để khắc phục các tệ hại này và những xáo trộn khác, đều góp phần xây dựng hòa bình và đẩy xa chiến tranh.

ĐIỀU RĂN THỨ SÁU
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC NGOẠI TÌNH

487. Con người có bổn phận gì đối với giới tính của mình?
Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, có cùng một phẩm giá nhân bản. Ngài đã khắc ghi nơi mỗi người ơn gọi yêu thương và hiệp thông. Mỗi người phải chấp nhận giới tính riêng của mình và nhận ra tầm quan trọng của nó đối với toàn thể con người, tính đặc thù của mỗi giới tính và việc hai giới tính bổ túc cho nhau.

488. Khiết tịnh là gì?
Khiết tịnh là sự hòa nhập thành công tính dục trong con người. Tính dục thực sự nhân bản khi được hòa nhập cách đúng đắn trong liên hệ giữa người với người. Khiết tịnh là một nhân đức luân lý, một ơn lộc của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Chúa Thánh Thần.

489. Nhân đức khiết tịnh đòi hỏi những gì?
Nhân đức khiết tịnh đòi hỏi việc tập luyện sự tự chủ, tức là tập sống sự tự do của con người, hướng đến việc tự hiến bản thân. Để đạt được mục đích này, cần phải có sự giáo dục đầy đủ và thường xuyên, được thực hiện qua từng giai đoạn tăng trưởng.

490. Có những phương tiện nào giúp chúng ta sống khiết tịnh?
Có nhiều phương tiện như: ân sủng Thiên Chúa, sự trợ giúp của các Bí tích, việc cầu nguyện, sự hiểu biết bản thân, việc thực hành khổ chế tùy theo những hoàn cảnh khác nhau, việc thực hành các nhân đức luân lý, đặc biệt là nhân đức tiết độ, nhằm để lý trí hướng dẫn các đam mê.

491. Theo cách nào, tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội được mời gọi sống đức khiết tịnh?
Các người Kitô hữu luôn theo Đức Kitô là khuôn mẫu đời sống khiết tịnh; họ được mời gọi sống khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình: những người sống bậc đồng trinh hay đời đọc thân thánh hiến, là cách sống trổi vượt để sẵn sàng hiến mình cho Thiên Chúa với trái tim không chia sẻ; những người lập gia đình được mời gọi sống khiết tịnh theo bậc vợ chồng; những người không lập gia đình cũng được mời gọi sống khiết tịnh bằng cách tiết dục.

492. Những tội chính phạm đến đức khiết tịnh là những tội nào?
Những tội nặng phạm đến đức khiết tịnh, tùy theo bản chất của từng đối tượng, là: ngoại tình, thủ dâm, ta dâm, khiêu dâm, mại dâm, hiếp dâm, các hành vi đồng tính luyến ái. Các tội này là biểu hiện của đam mê dâm đãng. Nếu phạm các tội này với các trẻ vị thành niên, thì sẽ xúc phạm cách nặng nề hơn và sự toàn vẹn thể lý và luân lý của các em.

493. Tại sao điều răn thứ sáu “Ngươi không được ngoại tình” lại ngăn cấm tất cả các tội lỗi nghịch với đức khiết tịnh?
Dù trong bản văn Thánh Kinh về Mười Điều Răn, chúng ta chỉ đọc “Ngươi chớ phạm tội ngoại tình” (Xh 20, 14), nhưng truyền thống Hội Thánh vẫn theo sát các giáo huấn luân lý của Cựu Ước và Tân Ước, luôn xem điều răn thứ sáu như bao gồm tất cả các tội phạm đến đức khiết tịnh.

494. Đâu là trách nhiệm của chính quyền dân sự đối với đức khiết tịnh?
Chính quyền có trách nhiệm cổ võ sự tôn trọng phẩm giá con người, cũng có trách nhiệm góp phần tạo ra một môi trường xã hội thuận lợi cho đức khiết tịnh. Nhờ những luật lệ thích hợp, chính quyền phải ngăn chặn việc bành trướng các trọng tội nghịch đức khiết tịnh đã kể trên, đặc biệt để bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người yếu đuối nhất.

495. Bản năng giới tính được sắp đặt để nhằm những lợi ích nào của tình yêu Hôn nhân?
Đối với những người đã được Rửa tội, tình yêu hôn nhân được thánh hóa nhờ Bí tích Hôn phối; tình yêu này nhằm những lợi ích là: sự duy nhất, thủy chung, bất khả phân ly và mở ngõ cho việc sinh con cái.

496. Hành vi vợ chồng có ý nghĩa gì?
Hành vi vợ chồng có hai ý nghĩa: hòa hợp nên một (vợ chồng hiến thân cho nhau), và sinh sản (mở ngõ cho việc truyền sinh). Thiên Chúa đã muốn giữa hai ý nghĩa đó có sự liên kết không thể tách rời, nên không ai được phép loại bỏ một trong hai ý nghĩa đó.

497. Khi nào việc điều hòa sinh sản là phù hợp với luân lý?
Việc điều hòa sinh sản là một trong những phương diện của trách nhiệm làm cha làm mẹ. Việc làm này phù hợp cách khách quan với luật luân lý, khi được chính đôi vợ chồng thực hiện, mà không bị một áp lực bên ngoài, cũng không do ích kỷ, nhưng vì những lý do chính đáng và bằng những phương pháp phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của luân ý, nghĩa là nhờ việc tiết dục định kỳ và sử dụng những thời kỳ không thể thụ thai.

498. Đâu là những phương pháp điều hòa sinh sản không phù hợp với luân lý?
Mọi hành động nhằm mục đích hay tạo phương thế ngăn cản sự truyền sinh – ví dụ như trực tiếp triệt sản hoặc chống lại sự thụ thai – trước hoặc trong khi giao hợp, hoặc trong diễn tiến các hậu quả tự nhiên của việc giao hợp, tự bản chất là không phù hợp với luân lý.

499. Tại sao thụ tinh và thụ thai nhân tạo không phù hợp với luân lý?
Thụ tinh và thụ thai nhân tạo không phù hợp với luân lý, vì tách rời việc sinh sản với hành vi mà nhờ đó đôi vợ chồng trao hiến cho nhau, và như vậy, áp đặt kỹ thuật lên trên nguồn gốc và vận mệnh của con người. Ngoài ra, việc thụ tinh và thụ thai nhân tạo nhờ những kỹ thuật trong đó có một người ngoài đôi vợ chồng can dự vào, thì vi phạm quyền của con được sinh ra từ người cha và người mẹ mà nó biết, hai người được liên kết với nhau bằng hôn nhân và có độc quyền là chỉ nhờ nhau mà cả hai mới được làm cha, làm mẹ.

500. Con cái phải được nhìn nhận như thế nào?
Con cái là một tặng phẩm của Thiên Chúa, tặng phẩm tuyệt hảo nhất của hôn nhân. Không có một quyền nào để đòi được có con (theo nghĩa là quyền có con với bất cứ giá nào). Trái lại, đứa con có quyền là hoa trái của hành vi vợ chồng của cha mẹ nó, cũng như có quyền được tôn trọng như là một vị ngay từ lúc nó được thụ thai.

501. Đôi vợ chồng có thể làm gì nếu họ không có con?
Nếu không được Thiên Chúa ban tặng con cái, sau khi đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, đôi vợ chồng có thể sống quảng đại qua việc bảo trợ hay nhận con nuôi, hay tham gia những công tác phục vụ tha nhân. Như vậy, họ thực hiện một sự sinh sản quý giá về mặt thiêng liêng.

502. Những tội nào phạm đến phẩm giá của Hôn nhân?
Những tội phạm đến phẩm giá của hôn nhân là: ngoại tình, ly hôn, đa thê, loạn luân, tự do sống chung (sống chung không hôn nhân, nhân tình), hành vi tính dục trước hôn nhân hay ngoài hôn nhân.

ĐIỀU RĂN THỨ BẢY
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC TRỘM CẮP

503. Điều răn thứ bảy nói lên điều gì?
Điều răn này nói lên rừang của cải được dành cho mọi người và được phân phối cho mọi người, nói về quyền tư hữu, việc tôn trọng con người và tài sản của họ, việc tôn trọng tính toàn vẹn của công trình tạo dựng. Hội Thánh nhìn điều răn này là nền tảng cho giáo huấn xã hội của mình, để xét đến hành động đúng đắn trong lĩnh vực kinh tế, trong đời sống xã hội và chính trị, trong quyền lợi và trách nhiệm lao động của con người, trong công bằng và tình liên đới giữa các quốc gia, trong tình thương đối với người nghèo.

504. Đâu là những điều kiện của quyền tư hữu?
Người ta có quyền tư hữu với điều kiện là tài sản đó đạt được hay nhận được một cách chính đáng, và với điều kiện phải coi là hàng đầu sự kiện rằng của cải được dành cho mọi nguời nhằm đáp ứng những nhu cầu căn bản của mọi người.

505. Mục đích của quyền tư hữu là gì?
Tài sản riêng có mục đích bảo đảm sự tự do và phẩm giá của các cá nhân, qua việc giúp họ đáp ứng được những nhu cầu căn bản cho những người mà họ có trách nhiệm, và cho cả những ai đang sống thiếu thốn.

506. Điều răn thứ bảy quy định những gì?
Điều răn thứ bảy buộc phải tôn trọng tài sản của người khác, qua việc thực thi công bằng và bác ái, sống tiết độ và liên đới. Đặc biệt, điều răn này đòi buộc:
- Tôn trọng các lời hứa và các hợp đồng đã cam kết.
- Đền bù những điều bất công đã gây ra vừa hoàn trả những gì đã trộm cắp;
- Tôn trọng sự toàn vẹn của công trình sáng tạo, bằng cách sử dụng khôn ngoan và chừng mực những tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ, đặc biệt quan tâm đến những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

507. Con người phải có thái độ nào đối với các động vật?
Con người phải đối xử tốt đẹp với các động vật vì chúng là những thụ tạo của Thiên Chúa, tránh cách yêu thương thái quá hoặc sử dụng mù quáng, nhất là với các thí nghiệm khoa học vượt quá giới hạn hợp lý và gây đau đớn vô ích cho chúng.

508. Điều răn thứ bảy cấm những điều gì?
Điều răn thứ bảy trước hết cấm trộm cắp, tức là chiếm đoạt tài sản người khác trái với ý muốn hợp lý của họ. Điều này cũng xảy ra khi trả lương không công bằng, đầu cơ giá trị các tài sản để gây lợi cho mình mà làm thiệt hại cho người khác, giả mạo chi phiếu hay hóa đơn. Ngoài ra còn cấm trốn thuế hoặc làm ăn gian lận; cố ý gây thiệt hại cho tài sản cá nhân hoặc công cộng; cho vay nặng lại; tham nhũng; lạm dụng tài sản chung nhằm lợi riêng; cố ý làm không tốt công việc, lãng phí.

509. Nội dung học thuyết xã hội của Hội Thánh là gì?
Học thuyết xã hội của Hội Thánh là sự khai triển có hệ thống các chân lý của Tin Mừng về phẩm giá con người và chiều kích xã hội của con người, đề ra những nguyên tắc để suy tư, quy định những tiêu chuẩn để phán đoán, và trình bày những quy luật và định hướng để hành động.

510. Khi nào Hội Thánh can thiệp vào lĩnh vực xã hội?
Hội Thánh can thiệp bằng việc đưa ra một phán đoán luân lý trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, khi các quyền căn bản của con người, lợi ích chung hoặc ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi

511. Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện như thế nào?
Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện theo những phương pháp riêng của mình, trong khuôn khổ của trật tự luân lý, để phục vụ con người toàn diện và phục vụ toàn thể cộng đồng nhân loại, trong sự tôn trọng công bằng xã hội. Đời sống kinh tế và xã hội phải lấy con người làm chủ thể, trung tâm và cùng đích.

512. Điều gì đi ngược vào học thuyết xã hội của Hội Thánh?
Đi ngược với học thuyết xã hội của Hội Thánh là các hệ thống kinh tế và xã hội chủ trương hy sinh những quyền lợi căn bản của con người, hay coi lợi nhuận là quy luật tuyệt đối và mục đích tối hậu của chúng. Do đó, Hội Thánh phi bác có ý thức hệ trong thời đại mới dưới bất cứ hình thức nào, hay dưới những hình thức vô thần và chuyên chế khác. Ngoài ra, đối với thực hành chủ nghĩa tư bản, Hội Thánh phi bác chủ nghĩa cá nhân và quan niệm coi luật thị trường có vị trí tuyệt đối trên lao động của con người.

513. Lao động có ý nghĩa gì đối với con người?
Đối với con người, lao động vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi, nhờ đó con người cộng tác với Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Thật vậy, bằng lao động cách cẩn trọng và thông thạo, con người phát huy những khả năng đã được ghi khắc trong bản tính của mình, biểu lộ những hồng ân của Đấng Sáng Tạo và những tài năng mà họ đã lãnh nhận; thỏa mãn những nhu cầu của bản thân và những người thân cận; cũng như phục vụ cộng đồng nhân loại. Ngoài ra, nhờ ơn Thiên Chúa giúp, lao động có thể là một phương tiện để thánh hóa và cộng tác với Đức Kitô để cứu độ những người khác.

514. Mọi người đều được quyền gì về vấn đề lao động?
Mọi người đều được quyền có một việc làm ổn định và lương thiện, không bị kỳ thị bất công, được quyền tự do chọn lựa về mặt kinh tế và được quyền hưởng đồng lương công bằng.

515. Nhà nước có trách nhiệm gì về vấn đề lao động?
Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm sự tự do cá nhân và quyền tư hữu, cũng như giá trị tiền tệ ổn định và những dịch vụ công ích có hiệu quả. Nhà nước cũng phải giám sát và hướng dẫn việc thực thi các quyền con người trong lĩnh vực kinh tế. Tùy theo hoàn cảnh, xã hội phải giúp các công dân tìm được việc làm.

516. Những người lãnh đạo xí nghiệp có trách nhiệm gì?
Những người lãnh đạo xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về hậu quả kinh tế và sinh thái do các công việc của họ. Họ phải chú tâm đến thiện ích của con người chứ không chỉ nhắm làm gia tăng các lợi nhuận, mặc dầu lợi nhuận cũng cần thiết để bảo đảm các cuộc đầu tư, tương lai của xí nghiệp, việc làm, và sự phát triển tốt đẹp của đời sống kinh tế.

517. Các công nhân có trách nhiệm gì?
Họ phải chu toàn các công việc của mình một cách có lương tâm, thành thạo và nhiệt tình, tìm cách giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại. Việc sử dụng đình công bất bạo động là hợp pháp về mặt luân lý, khi là một phương cách cần thiết để đạt được quyền lợi tương xứng, nhưng phải nhắm đến công ích.

518. Làm thế nào thực hiện sự công bằng và tình liên đới giữa các quốc gia?
Trên bình diện quốc tế, tất cả các quốc gia và các cơ chế phải hoạt động trong tình liên đới và nguyên tắc hỗ trợ, nhằm mục đích loại bỏ hay ít là giảm thiểu sự khốn cùng, sự bất bình đẳng về tài nguyên và các phương tiện kinh tế, các bất công kinh tế và xã hội, việc bóc lột con người, sự gia tăng mức nợ của các nước nghèo, những cơ chế máy móc bất nhân gây chương ngại cho sự phát triển của các quốc gia chậm tiến.

519. Các người Kitô hữu tham gia vào đời sống chính trị và xã hội như thế nào?
Các người Kitô hữu giáo dân trực tiếp tham gia vào đời sống chính trị và xã hội bằng cách làm cho tinh thần Kitô giáo thấm nhập vào các thực tại trần thế, và bằng cách cộng tác với mọi người, như những chứng nhân đích thực của Tin Mừng và những người kiến tạo hòa bình và công lý.

520. Tình yêu đối với người nghèo dựa trên nền tảng nào?
Tình yêu đối với người nghèo dựa trên nền tảng Tin Mừng của các Mối Phúc và theo gương của Chúa Giêsu, Đấng luôn quan tâm đến người nghèo. Chúa Giêsu đã nói: “Mỗi lần các người làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các người đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Tình yêu đối với người nghèo thể hiện qua việc dấn thân chống lại sự nghèo khổ về vật chất và rất nhiều hình thức nghèo đói về văn hóa, luân lý và tôn giáo. Các việc bác ái, giúp về tinh thần hay vật chất, và nhiều tổ chức từ thiện đã xuất hiện trải qua bao thế kỷ, là một chứng từ cụ thể về tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo, là nét đặt trưng của các môn đệ Chúa Giêsu.

ĐIỀU RĂN THỨ TÁM
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC LÀM CHỨNG GIAN

521. Con người có bổn phận nào đối với chân lý?
Mọi người đều được kêu gọi phải thành thật và trung thực trong hành động cũng như trong lời nói. Mọi người có bổn phận phải tìm kiếm và gắn bó với chân lý, hướng cuộc đời mình theo các đòi hỏi của chân lý. Trong Đức Giêsu Kitô, chân lý về Thiên Chúa được tỏ hiện cách trọn vẹn. Người là Chân Lý. Ai bước theo Người, thì sống trong Thánh Thần chân lý và tránh xa lối sống hai mặt, dối trá và đạo đức giả.

522. Người Kitô hữu làm chứng cho chân lý như thế nào?
Người Kitô hữu phải làm chứng cho chân lý Tin Mừng trong mọi lĩnh vực của hoạt động công khai và riêng tư, dù phải hy sinh mạng sống mình, nếu cần thiết. Tử đạo là chứng từ cao cả nhất cho chân lý đức tin.

523. Điều răn thứ tám cấm những gì?
Điều răn thứ tám cấm:
- Làm chứng dối, thề gian nói dối; mức độ nặng nhẹ căn cứ trên sự sai lệch của sự thật, trên những hoàn cảnh, trên những ý định của kẻ nói dối và mức độ thiệt hại mà các nạn nhân phải gánh chịu;
- Phán đoán hồ đồ, nói xấu, vu khống, bôi nhọ là những tội làm giảm hay phá hoại tiếng tốt và danh dự mà mỗi người có quyền hưởng;
- Nịnh hót, tâng bốc và xu nịnh, nhất là khi nhằm mục đích phạm tội trọng hay thủ lợi bất chính.
Tất cả các tội phạm nghịch với sự thật buộc phải đền bù lại nếu gây thiệt hại cho kẻ khác.

524. Điều răn thứ tám đòi buộc những gì?
Điều răn thứ tám đòi buộc chúng ta phải tôn trọng sự thật, kèm theo sự tế nhị của đức ái: trong lĩnh vực truyền thông và thông tin, phải biết đánh giá lợi ích riêng và lợi ích chung, bảo vệ đời sống riêng tư, tránh gây gương xấu. Phải luôn bảo vệ các bí mật nghề nghiệp, trừ những trường hợp ngoại lệ, và vì những lý do nghiêm trọng và cân xứng. Cũng phải tôn trọng những chuyện tâm sự mà chúng ta đã hứa giữ bí mật.

525. Phải sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội thế nào?
Thông tin bằng các phương tiện truyền thông phải phục vụ ích lợi chung; về nội dung, thông tin phải luôn đúng sự thật và, trong giới hạn của công lý và bác ái, phải mang tính chất toàn vẹn. Mặc khác, thông tin phải được diễn tả cách chân thật và thích hợp, cẩn thận tuân giữ các luật luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con người.

526. Đâu là tương quan giữa chân lý, vẻ đẹp và mỹ thuật Thánh?
Chân lý tự bản chất là đẹp. Chân lý bao gồm sự huy hoàng của vẻ đẹp thiêng liêng. Ngoài lời nói, còn có nhiều cách diễn tả chân lý, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm này là thành quả của một tài năng được Thiên Chúa trao ban, và của cố gắng của con người. Mỹ thuật Thánh chân thật và đẹp đẽ phải gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, phải dẫn đưa chúng ta đến thờ lạy và yêu mến Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ, là vẻ đẹp tối cao của Chân Lý và Tình Yêu.

ĐIỀU RĂN THỨ CHÍN
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC HAM MUỐN
VỢ NGƯỜI TA

527. Điều răn thứ chín đòi buộc điều gì?
Điều răn thứ chín đòi buộc phải chiến thắng đam mê xác thịt trong tư tưởng cũng như trong ước muốn. Cuộc chiến đấu chống lại dục vọng phải cần thiết đến việc thanh luyện tâm hồn và thực hành đức tiết độ.

528. Điều răn thứ chín cấm điều gì?
Điều răn thứ chín cấm nuôi dưỡng những ý tưởng và ước muốn về những hành vi bị điều rắn thứ sáu cấm đoán.

529. Làm thế nào để đạt tới sự thanh sạch của tâm hồn?
Với ơn Chúa, trong cuộc chiến đấu chống lại các ước muốn sái trái, người tín hữu đạt được thanh sạch của tâm hồn nhờ nhân đức và hồng ân khiết tịnh, nhờ sự trong sáng nơi ý hướng, nơi cái nhìn bên ngoái và bên trong, nhờ chế ngự các tình cảm và trí tưởng tượng, và nhờ cầu nguyện.

530. Sự thanh sạch còn có những đòi buộc nào khác nữa không?
Đức thanh sạch đòi hỏi phải có sự nết na: gìn giữ những gì thầm kín của con người, diễn tả sự tế nhị của đức khiết tịnh, kiểm soát cái nhìn và cử chỉ cho phù hợp với phẩm giá của con người và sự hiệp thông của họ. Đức thanh sạch đòi buộc phải ngăn chặn thói khiêu dâm đang lan tràn và tránh xa những gì đưa đến sự tò mò không lành mạnh. Đức thanh sạch còn đòi hỏi phải thanh tẩy môi trường xã hội, bằng cuộc chiến đấu chống lại sự suy đồi phong hóa dựa trên một quan niệm sai lạc về tự do của con người.

ĐIỀU RĂN THỨ MƯỜI
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC HAM MUỐN TÀI SẢN
CỦA NGƯỜI TA

531. Điều răn thứ mười đòi buộc điều gì và cấm điều gì?
Điều răn này bổ túc cho điều răn trước, buộc phải có thái độ tôn trọng tài sản của kẻ khác. Điều răn này cấm: tham lam và ham muốn bất chính tài sản của người khác; cấm ganh tị, nghĩa là cảm thấy buồn phiền khi thấy người khác có tài sản, và ước ao vô độ muốn chiếm đoạt tài sản đó.

532. Chúa Giêsu đòi buộc điều gì khi dạy tinh thần nghèo khó?
Chúa Giêsu đòi buộc các môn đệ yêu mến Người trên hết mọi sự và mọi người. Việc từ bỏ sự giàu sang trong tinh thần khó nghèo theo Tin Mừng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi những âu lo của ngày mai, sẽ chuẩn bị cho chúng ta hưởng mối phúc của “những người nghèo khó trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).

533. Khao khát lớn nhất của con người là gì?
Khao khát lớn nhất của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Tiếng kêu khát vọng của con người là: “Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa”. Thật vậy, con người chỉ có thể tìm được hạnh phúc đích thực và trọn vẹn của mình trong sự hưởng kiến và hạnh phúc nơi Đấng đã dựng nên họ vì tình yêu và cũng là Đấng lôi kéo họ về với Ngài trong tình yêu vô tận.

“Ai nhìn thấy Thiên Chúa thì đã đạt được mọi phúc lộc mà người ta có thể nghĩ tưởng ra được” (Thánh Gregorio thành Nysse).
PHẦN IV
KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO

MỤC THỨ NHẤT
KINH NGUYỆN TRONG
ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

534. Cầu nguyện là gì?
Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, hay là dâng lời cầu lên Thiên Chúa để xin những ơn lành phù hợp với Thánh ý của Ngài. Cầu nguyện luôn là một hồng ân của Thiên Chúa, Đấng đến gặp gỡ con người. Kinh nguyện Kitô giáo là một liên hệ cá nhân và sống động của con cái với Cha là Thiên Chúa vô cùng nhân lành, với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, và với Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn họ.

CHƯƠNG MỘT
MẠC KHẢI VỀ CẦU NGUYỆN

535. Tại sao mọi người đều được mời gọi cầu nguyện?
Vì trước hết qua công trình sáng tạo, Thiên Chúa kêu gọi vạn vật từ hư vô bước vào hiện hữu. Và ngay cả sau khi sa ngã, con người vẫn còn khả năng nhận biết Đấng Sáng Tạo của mình, và vẫn luôn khao khát Đấng đã tạo dựng nên mình. Mọi tôn giáo, và đặc biệt toàn bộ lịch sử cứu độ, đều làm chứng cho sự khao khát Thiên Chúa nơi con người. Nhưng chính Thiên Chúa đã bị bước trước, không ngừng lôi kéo mỗi người đến gặp gỡ Ngài cách mầu nhiệm trong việc cầu nguyện.

MẠC KHẢI VỀ CẦU NGUYỆN TRONG CỰU ƯỚC

536. Ông Abraham là mẫu gương về cầu nguyện như thế nào?
Ông Abraham là mẫu gương về cầu nguyện bởi vì ông bước đi trước nhan Thiên Chúa, lắng nghe và vâng phục Ngài. Lời cầu nguyện của ông là một cuộc chiến đấu của đức tin, vì ngay cả khi bị thử thách, ông vẫn xác tín vào sự trung thành của Thiên Chúa. Ngoài ra, sau khi đón tiếp Chúa trong lều của mình và được Chúa cho biết các dự định của Ngài, ông cả dám chuyển cầu cho các kẻ tội lỗi với một lòng tin tưởng bạo dạn.

537. Ông Mose đã cầu nguyện thế nào?
Lời cầu nguyện của ông Mose tiêu biểu cho lời cầu nguyện chiêm niệm. Thiên Chúa, Đấng đã gọi ông từ Bụi Gai bốc cháy, tiếp xúc thường xuyên và lâu giờ với ông “mặt giáp mặt như hai người bạn với nhau” (Xh 33, 11). Trong tình thân mật với Thiên Chúa, ông Mose múc được sức mạnh để kiên trì chuyển cầu cho dân mình: như vậy, lời cầu nguyện của ông tiên trưng cho lời chuyển cầu của Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô.

538. Trong Cựu Ước, nhà vua và Đền Thờ có liên quan gì đến cầu nguyện?
Dưới bóng Nhà Chúa – bên Hòm bia Giao ước, rồi nơi Đền Thờ – lời cầu nguyện của Dân Thiên Chúa phát triển nhờ sự hướng dẫn của các vị mục tử. Trong số đó, có Đavít, là vị vua “như lòng Thiên Chúa mong muốn”, là người mục tử cầu nguyện cho dân của mình. Lời cầu nguyện của ông là mẫu mực cho lời cầu nguyện của dân, vì lời này luôn gắn bó với lời hứa của Thiên Chúa, và là lòng tin tưởng đầy yêu mến đối với Đấng là Vua và là Chúa duy nhất.

539. Cầu nguyện có vai trò gì trong sứ vụ của các Tiên tri?
Nhờ cầu nguyện, các Tiên tri tìm được ánh sáng và sức mạnh để thúc đẩy dân chúng tin tưởng và hoán cải tâm hồn. Các ngài sống trong sự thân mật sâu xa với Thiên Chúa và chuyển cầu cho anh chị em của mình, là những người được các ngài loan báo điều họ đã thấy và đã nghe từ nơi Thiên Chúa. Ông Elia là Tổ phụ của các Tiên tri, nghĩa là những người tìm kiến tôn nhan Thiên Chúa. Trên đỉnh núi Carmel, ông đã giúp cho dân chúng quay về với đức tin, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng ông cầu khẩn: “Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con” (1V 18, 37).

540. Các Thánh vịnh có tầm quan trọng thế nào trong kinh nguyện?
Các Thánh vịnh là tột đỉnh của kinh nguyện trong Cựu Ước: Lời Thiên Chúa đã trở thành lời cầu nguyện của con người. Vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính cộng đoàn, và được Thánh Thần linh hứng, các Thánh vịnh ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử cứu độ. Đức Kitô đã cầu nguyện bằng các Thánh vịnh và đã đưa các Thánh vịnh đến mức toàn hảo. Vì thế, các Thánh vịnh luôn luôn là một yếu tố chính yếu và thường xuyên trong kinh nguyện của Hội Thánh; các Thánh vịnh thích hợp cho con người trong mọi hoàn cảnh và qua mọi thời gian.

TRONG CHÚA GIÊSU,
VIỆC CẦU NGUYỆN ĐÃ ĐƯỢC MẠC KHẢI
VÀ THỰC HIỆN CÁCH TRỌN VẸN

541. Chúa Giêsu đã học cầu nguyện với ai?
Với tâm hồn con người, Chúa Giêsu đã học cầu nguyện từ Mẹ Người và từ truyền thống Do Thái. Nhưng lời cầu nguyện của Người còn phát xuất từ một nguồn mạch sâu thẳm hơn nữa, vì Người là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa. Trong nhân tính thánh thiện, Chúa Giêsu dâng lên Cha của Người lời kinh tuyệt vời trong tình con thảo.

542. Chúa Giêsu cầu nguyện khi nào?
Tin Mừng nhiều lần cho thấy Chúa Giêsu cầu nguyện. Người thường lui vào nơi hoang vắng, kể cả lúc ban đêm. Người cầu nguyện trước những thời điểm quyết định cho sứ vụ của mình hay của các Tông đồ. Thực ra, cả cuộc đời của Người là cầu nguyện, vì Người thường xuyên hiệp thông với Cha của Người trong tình yêu.

543. Chúa Giêsu cầu nguyện như thế nào trong suốt cuộc khổ nạn?
Trong cơn hấp hối nơi vườn Gietsemani, cũng như qua các lời cuối cùng trên Thánh Giá, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mạc khải chiều sâu thẳm của lời cầu nguyện trong tình con thảo của Người. Chúa Giêsu chu toàn ý định yêu thương của Chúa Cha và mang lấy trên mình Người mọi nỗi âu lo của nhân loại, mọi lời van xin và chuyển cầu của lịch sử cứu độ. Người dâng tất cả lên Chúa Cha, Đấng đón nhận những lời cầu nguyện ấy và đáp lại một cách vượt quá mọi mong đợi, bằng cách làm cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại.

544. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện như thế nào?
Chúa Giêsy dạy chúng ta cầu nguyện không chỉ với lời kinh Lạy Cha, nhưng còn dạy chúng ta cầu nguyện ngay cả lúc Người cầu nguyện. Với cách thức này, thêm vào nội dung của lời cầu nguyện, Người còn dạy chúng ta những thái độ cần thiết cho việc cầu nguyện đích thực: tâm hồn thanh sạch đang tìm kiếm Nước Trời và sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù của mình; lòng tin tưởng táo bạo và đầy tình con thảo, vượt quá những gì chúng ta có thể cảm nghiệm và thấu hiểu; sự tỉnh thức giúp người môn đệ tránh được cơn cám dỗ.

545. Tại sao lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả?
Lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiểu quả, vì được kết hợp trong đức tin với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Trong Người, lời cầu nguyện Kitô giáo trở thành sự hiệp thông tình yêu với Chúa Cha. Bấy giờ, chúng ta có thể dâng những lời cầu xin lên Thiên Chúa và sẽ được nhậm lời: “Anh em hãy xin, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24).

546. Đức Trinh Nữ Maria đã cầu nguyện thế nào?
Đặc điểm kinh nguyện của Đức Maria chính là niềm vui và lòng quảng đại hiến dâng con người của Mẹ cho Thiên Chúa. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là bà Eva mới, là “Mẹ của chúng sinh”. Mẹ đã cầu xin Chúa Giêsu, Con của Mẹ, cho những nhu cầu của loài người.

547. Trong Tin Mừng, có lời cầu nguyện nào của Đức Maria không?
Ngoài lời chuyển cầu của Đức Maria tại Cana miền Galile, Tin Mừng còn ghi lại kinh Magnificat (Lc 1, 46–55), là lời ca tụng của Mẹ Thiên Chúa và của Hội Thánh, là lời hân hoan cảm tạ xuất phát từ tâm hồn của những người nghèo khó, vì niềm hy vọng của họ trở thành hiện thực khi Thiên Chúa thực hiện các lời hứa của Ngài.

KINH NGUYỆN TRONG THỜI HỘI THÁNH

548. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Gierusalem đã cầu nguyện như thế nào?
Khởi đầu sách Công vụ Tông đồ có ghi lại, trong cộng đoàn tiên khởi tại Gierusalem được Thánh Thần hướng dẫn trong đời sống cầu nguyện, “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42).

549. Chúa Thánh Thần can thiệp như thế nào trong kinh nguyện của Hội Thánh?
Chúa Thánh Thần, bậc Thầy nội tâm của kinh nguyện Kitô giáo, dạy Hội Thánh đời sống cầu nguyện; Ngài hướng dẫn Hội Thánh luôn đi sâu vào việc chiêm ngắm và kết hợp với mầu nhiệm khôn lường của Đức Kitô. Các hình thức cầu nguyện, như được trình bày trong các tác phẩm thời các Tông đồ và Tân Ước, vẫn luôn là mẫu mực cho kinh nguyện Kitô giáo.

550. Các hình thức yếu của kinh nguyện Kitô giáo là gì?
Đó là chúc tụng và thờ lạy, xin ơn và chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi. Thánh lễ chứa đựng và diễn tả tất cả các hình thức cầu nguyện này.

551. Lời kinh chúc tụng là gì?
Lời kinh chúc tụng là lời con người đáp lại các hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta chúc tụng Đấng Toàn Năng, Đấng đã chúc lành cho chúng ta trước và ban tràn đầy hồng ân của Ngài cho chúng ta.

552. Thờ lạy là gì?
Thờ lạy là sự phủ phục của con người, tự nhận mình là thụ tạo trước Đấng Sáng Tạo muôn trùng chí Thánh của mình.

553. Những hình thức khác nhau của lời kinh xin ơn là gì?
Đây có thể là một lời xin ơn tha thứ hay còn là một lời cầu khẩn khiêm tốn và tin tưởng xin ơn cho tất cả mọi nhu cầu tinh thần lẫn vật chất của chúng ta. Nhưng điều trước hết phải nài xin, là cầu cho Nước Thiên Chúa trị đến.

554. Lời kinh chuyển cầu là gì?
Kinh chuyển cầu là lời cầu nguyện xin ơn cho người khác. Lời kinh này làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu, kết hợp chúng ta với kinh nguyện của Người, Đấng chuyển cầu lên Chúa Cha cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người tội lỗi. Lời kinh chuyển cầu cần phải mở rộng đến cả những kẻ thù của chúng ta.

555. Khi nào chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời kinh tạ ơn?
Hội Thánh không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, nhất là khi cử hành Thánh lễ, trong đó Đức Kitô cho Hội Thánh tham dự vào hành động tạ ơn của Người dâng lên Chúa Cha. Đối với người Kitô hữu, mọi biến cố trong đời sống đều trở thành lý do để tạ ơn.

556. Lời kinh ca ngợi là gì?
Lời kinh ca ngợi là kinh nguyện nhận biết cách trực tiếp nhất Chúa là Thiên Chúa. Lời kinh này hoàn toàn vô vị lợi: ca ngợi Thiên Chúa vì chính Ngài, và tôn vinh Ngài vì Ngài hiện hữu.

CHƯƠNG HAI
TRUYỀN THỐNG CẦU NGUYỆN

557. Truyền thống có tầm quan trọng nào đối với việc cầu nguyện?
Trong Hội Thánh, chính qua Truyền Thống sống động mà Chúa Thánh Thần dạy cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện. Thật vậy, kinh nguyện không chỉ là sự bộc phát do một thúc đẩy nội tâm, nhưng bao gồm cả việc chiêm niệm, học hỏi và nắm bắt được những thực tại thiêng liêng mà con người có thể cảm nghiệm được.

NHỮNG NGUỒN MẠCH CỦA KINH NGUYỆN.

558. Kinh nguyện Kitô giáo có những nguồn mạch nào?
Đó là:
- Lời Chúa trao ban cho chúng ta “sự hiểu biết siêu việt” về Đức Kitô (Pl 3, 8);
- Phụng vụ của Hội Thánh loan báo, hiện tại hóa và thông truyền mầu nhiệm cứu độ;
- Các nhân đức đối thần;
- Những hoàn cảnh thường ngày, vì qua đó chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa.

“Lạy Chúa, con yêu mến Ngài, và ân sủng duy nhất mà con cầu xin là cho con được yêu mến Ngài mãi mãi (…). Lạy Thiên Chúa của con, nếu miệng lưỡi con không thể nào cũng lặp lại rằng con yêu mến Ngài, con muốn rằng tim con luôn lặp lại lời đó với Chúa theo từng nhịp thở của con” (Thánh Gioan Maria Vianney).

CON ĐƯỜNG CẦU NGUYỆN

559. Hội Thánh có những con đường cầu nguyện khác nhau không?
Hội Thánh có những con đường cầu nguyện khác nhau, tùy theo hoàn cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa.Huấn quyền có trách nhiệm xác định tính cánh trung thành của những con đường này đối với đức tin tông truyền; các vị mục tử và các giáo lý viên có trách nhiệm giải thích ý nghĩa của những con đường này; ý nghĩa đó luôn luôn có liên hệ với Đức Giêsu Kitô.

560. Đâu là con đường cầu nguyện của chúng ta?
Con đường cầu nguyện của chúng ta là chính Đức Kitô, bởi vì lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Thiên Chúa, Cha chúng ta, nhưng chỉ lên tới Ngài khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu, ít nhất là cách mặc nhiên. Nhân tính của Chúa Giêsu là con đường duy nhất, qua đó Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện cùng Cha chúng ta. Vì thế các lời kinh phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”.

561. Chúa Thánh Thần có vai trò gì trong việc cầu nguyện của chúng ta?
Vì Chúa Thánh Thần là bậc Thầy nội tâm của kinh nguyện Kitô giáo và “chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8, 26), nên Hội Thánh khuyến khích chúng ta kêu cầu và van nài Ngài trong mọi hoàn cảnh: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!”.

562. Đâu là ý nghĩa kinh nguyện Kitô giáo dâng lên Đức Maria?
Vì sự cộng tác độc đáo của Đức Maria với hoạt động của Chúa Thánh Thần, nên Hội Thánh yêu thích kêu cầu Mẹ và cùng cầu nguyện với Mẹ, vì Mẹ là người cầu nguyện tuyệt hảo, và cùng với Mẹ chúng ta ngợi khen và kêu cầu Chúa. Thật vậy, Đức Maria chỉ cho chúng ta “Con Đường”, là chính Con của Mẹ, Đấng Trung Gian duy nhất.

563. Hội Thánh cầu nguyện với Đức Maria như thế nào?
Hội Thánh cầu nguyện với Đức Maria trước tiên là bằng kinh Kính Mừng Maria, qua đó Hội Thánh van xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ. Còn nhiều kinh khác để dâng lên Đức Maria, trong đó có chỗi Mân Côi, các kinh cầu Đức Bà, cũng như các Thánh thi và thánh ca theo nhiều truyền thống Kitô giáo khác nhau.

CÁC NGƯỜI HƯỚNG DẪN CẦU NGUYỆN

564. Các Thánh là những người hướng dẫn cầu nguyện như thế nào?
Các Thánh là những gương mẫu cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta cũng van xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới trước tòa Thiên Chúa Ba Ngôi. Qua lời chuyển cầu, các ngài phục vụ ý định của Thiên Chúa cách cao cả nhất. Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, đã có nhiều đường hứong linh đạo phát sinh suốt dòng lịch sử Hội Thánh, để dạy chúng ta cách sống và thực hành việc cầu nguyện.

565. Ai có thể dạy chúng ta cầu nguyện?
Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để dạy cầu nguyện. Hội Thánh đặc biệt khuyến khích nên cầu nguyện trong gia đình hằng ngày, vì đó là chứng từ đầu tiên của đời sống cầu nguyện của Hội Thánh. Việc dạy giáo lý, những nhóm cầu nguyện, việc linh hướng tạo thành một trường học và một sự nâng đỡ cho việc cầu nguyện.

566. Những nơi nào thuận tiện cho việc cầu nguyện?
Chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, nhưng việc chọn một nơi thích hợp sẽ giúp ích hơn cho việc cầu nguyện. Nhà Thờ là nơi dành riêng cho kinh nguyện phụng vụ và việc tôn thờ Thánh thể. Những nơi khác cũng có thể giúp chúng ta cầu nguyện, chẳng hạn một “góc cầu nguyện” trong gia đình, một Tu viện hoặc một Đền Thánh.

CHƯƠNG BA
ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

567. Thời gian nào thích hợp nhất cho việc cầu nguyện?
Mọi thời điểm đều thích hợp cho việc cầu nguyện. Nhưng Hội Thánh đề nghị cho các tín hữu những chu kỳ cố định để nuôi dưỡng việc cầu nguyện liên tục: kinh sáng và kinh chiều, trước và sau khi dùng cơm, Phụng vụ các Giờ Kinh, Thánh lễ ngày Chúa nhật, kinh Mân Côi, các lễ mừng trong năm Phụng vụ.

“Chúng ta phải nhớ đến Chúa thường xuyên hơn là chúng ta hít thở” (Thánh Gregorio thành Nazianze).

568. Có mấy hình thức diễn tả đời sống cầu nguyện?
Truyền thống Kitô giáo đã lưu giữ ba hình thức chính đế diễn tả và sống cầu nguyện: khẩu nguyện, suy niệm và cầu nguyện chiêm niệm. Đặc điểm chung của cả ba hình thức này là tập trung tâm hồn.

NHỮNG HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN

569. Khẩu nguyện có đặc tính gì?
Khẩu nguyện liên kết thân xác chúng ta với lời cầu nguyện nội tâm. Ngay cả lời cầu nguyện thầm kín nhất cũng không thể không cần đến khẩu nguyện. Trong mọi trường hợp, khầu nguyện phải luôn xuất phát từ đức tin của bản thân người cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta một công thức tuyệt hảo của khẩu nguyện, đó là kinh Lạy Cha.

570. Suy niệm là gì?
Suy niệm là suy tư trong cầu nguyện. Trên hết, việc suy tư này bắt đầu từ Lời Chúa trong Thánh Kinh. Suy niệm vận dụng trí tuệ, tưởng tượng, tình cảm, ước muốn, để đào sâu đức tin, hoán cải tâm hồn và củng cố ý chí muốn bước theo Đức Kitô. Đây là bước khởi đầu tiến đến việc kết hợp với Chúa trong tình yêu.

571. Cầu nguyện chiêm niệm là gì?
Chiêm niệm là đơn sơ chiêm ngắm Thiên Chúa, trong thinh lặng và trong tình yêu. Đó là một hồng ân của Thiên Chúa, một khoảnh khắc của đức tin thuần túy trong đó người cầu nguyện tìm kiếm Đức Kitô, phó thác mình cho ý định yêu thương của Chúa Cha và đặt mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Terexa Avila định nghĩa chiêm niệm là một cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, “trong đó chúng ta năng dành thời gian để một mình ở bên Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương chúng ta”.

CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA CẦU NGUYỆN.

572. Tại sao cầu nguyện lại là một cuộc chiến đấu?
Cầu nguyện là một quà tặng của ân sủng, nhưng trước đó luôn luôn phải có một sự đáp ứng dứt khoát từ phía chúng ta, bởi vì ai cầu nguyện cũng phải chiến đấu chống lại chính bản thân mình, chống lại môi trường xung quanh và nhất là chống lại Tên Cám Dỗ, là kẻ làm tất cả để người ta bỏ cầu nguyện. Cuộc chiến đấu của cầu nguyện gắn liền với sự tấn tới trong đời sống thiêng liêng. Chúng ta cầu nguyện như chúng ta sống, bởi vì chúng ta sống như chúng ta cầu nguyện.

573. Có những lý do chống đối việc cầu nguyện không?
Bên cạnh những quan niệm sai lạc về cầu nguyện, nhiều người cho rằng họ không có thời giờ để cầu nguyện hoặc cầu nguyện là vô ích. Người cầu nguyện có thể nản lòng trước những khó khăn và những điều xem ra thất bại. Để thắng vượt những chướng ngại này, chúng ta cần phải khiêm nhường, tin tưởng và kiên trì.

574. Đâu là những khó khăn trong việc cầu nguyện?
Lo ra (chia trí) là khó khăn thường xuyên của việc cầu nguyện. Lo ra tách sự chú ý của chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, và cũng có thể cho thấy chúng ta đang quyết luyến điều gì. Vì thế, tâm hồn chúng ta phải khiêm tốn quay về với Chúa. Lời cầu nguyện còn thường bị sự khô khan tấn công. Ai chiến thắng được sự khô khan, thì gắn bó với Thiên Chúa bằng đức tin, cho dùng không cảm thấy một sự an ủi nào. Sự nguội lạnh là một hình thức lười biếng về mặt thiêng liêng do lơ là việc tỉnh thức và do sự chiểnh mảng của tâm hồn.

575. Làm thế nào để củng cố lòng tin tưởng hiếu thảo của chúng ta?
Lòng tin tưởng của người con hiếu thảo bị thử thách khi nghĩ rằng chúng ta không được Thiên Chúa nhậm lời. Lúc đó, phải tự vấn xem, đối với chúng ta, Thiên Chúa thực sự là một người Cha mà chúng ta đang cố gắng thực thi ý Ngài, hay Ngài chỉ là phương tiện để chúng ta đạt được điều mong muốn. Nếu kết hợp lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyên của Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta còn nhiều hơn ơn nọ ơn kia: đó là chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng thay đổi tâm hồn chúng ta.

576. Có thể cầu nguyện trong mọi lúc hay không?
Chúng ta có thể cầu nguyện luôn luôn, vì thời gian của người Kitô hữu là thời gian của Đức Kitô Phục sinh, Đấng “ở với chúng ta mọi ngày” (Mt 28, 20). Vì thế cầu nguyện không thể tách rời khỏi đời sống của người Kitô hữu.

“Bạn có thể cầu nguyện thường xuyêng và sốt sắng, khi ở ngoài chợ hay khi đị dạo một mình, khi đang ngồi ở cửa hàng hay khi đang mua bán, và ngay cả khi đang làm bếp” (Thánh Gioan Kim Khẩu).

577. Kinh nguyện của Chúa Giêsu trong Giờ của Người là gì?
Người ta gọi kinh nguyện này là “lời nguyện Tư tế” của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly. Chúa Giêsu, vị Thượng tế của Giao ước mới, dâng lời cầu nguyện này lên Cha của Người khi Giờ của “cuộc vượt qua”, Giờ Hy tế của Người, đã đến.
MỤC THỨ HAI
LỜI KINH CHÚA DẠY: KINH LẠY CHA

Kinh Lạy Cha
Lạy Cha chúng con ở trên trời;
Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng;
Nước Cha trị đến;
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con
Hôm nay lương thực hằng ngày;
Và tha nợ chúng con,
Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con;
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ;
Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự Dữ.

Pater Noster
Pater noster quy es in caelis;
Sanctificetur Nomen Tuum;
Adveniat Regnum Tuum;
Fiat Voluntass Tua,
Sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum quotidianum da nobis hodie;
Et dimitte nobis debita nostra,
Sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
Et ne nos inducas in tentationem;
Sed libera nos a Malo.

578. Đâu là nguồn gốc của kinh Lạy Cha?
Chúa Giêsu đã dạy chúng ta lời kinh không thể thay thế được của Kitô giáo, đó là kinh Lạy Cha, khi một môn đệ thấy Người cầu nguyện, đã thưa với Người: “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11, 1). Truyền thống Phụng vụ Hội Thánh luôn luôn dùng bản văn của Thánh Matthew (6, 9–13).

“BẢN TÓM LƯỢC TOÀN BỘ TIN MỪNG”

579. Kinh Lạy Cha có vị trí nào trong Sách Thánh?
Kinh Lạy Cha là “bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng” (Tertulliano), là “lời cầu nguyện tuyệt hảo” (Thánh Toma Aquyno). Kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm Bài giảng trên núi (Mt 5–7), và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện.

580. Tại sao kinh này được gọi là “lời kinh của Chúa”?
Kinh Lạy Cha được gọi là “lời kinh của Chúa”, vì do chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta.

581. Kinh Lạy Cha giữ vị trí nào trong kinh nguyện của Hội Thánh?
Kinh Lạy Cha là lời kinh tiêu biểu của Hội Thánh. Kinh này được “trao” vào lúc lãnh nhận Bí tích Rửa tội, để nhấn mạnh việc tái sinh vào đời sống thần linh của con cái Thiên Chúa. Bí tích Thánh thể mạc khải ý nghĩa tròn đầy của lời kinh này: những lời cầu xin của kinh này, dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, sẽ được nhậm lời cách trọn vẹn khi Chúa đến. Kinh Lạy Cha là một thành phần của Các Giờ kinh Phụng vụ.

“LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI”

582. Tại sao chúng ta có thể “Dám tin tưởng đến gần” Chúa Cha?
Vì Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, hướng dẫn chúng ta đến trước Tôn Nhan Chúa Cha, và vì Thánh Thần của Người làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Như thế, chúng ta có thể cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha với lòng tin tưởng đơn sơ và hiếu thảo, với sự vui mừng an tâm, lòng can đảm khiêm hạ và trong niềm xác tín được Thiên Chúa yêu thương và nhậm lời.

583. Làm sao chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Cha”?
Chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, vì Con Thiên Chúa làm người đã mạc khải Chúa Cha cho chúng ta và Thánh Thần của Ngài cho chúng ta biết Chúa Cha. Việc kêu cầu Thiên Chúa Cha đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Ngài, với lòng thán phục luôn mới mẻ, và gợi lên trong chúng ta lòng ước muốn sống đời con thảo. Như vậy, khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta ý thức rằng chính chúng ta là con Thiên Chúa, trong Người Con chí ái của Ngài.

584. Tại sao chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha “chúng con”?
Từ “chúng con” diễn tả một tương quan hoàn toàn mới mẻ với Thiên Chúa. Khi cầu nguyện với Chúa Cha, chúng ta thờ lạy và tôn vinh Ngài cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong Đức Kitô, chúng ta là Dân “của Ngài” và Ngài là Thiên Chúa “của chúng ta”, bây giờ và mãi mãi. Thật vậy, chúng ta gọi Ngài là Cha “chúng con” vì Hội Thánh của Đức Kitô là sự hiệp thông gồm đông đảo anh chị em, mà chỉ có “một lòng một ý” (Cv 4, 32).

585. Chúng ta cầu nguyện Lạy Cha “chúng con” với tinh thần hiệp thông và truyền giáo nào?
Bởi vì được cầu nguyện Lạy Cha “chúng con” là hạnh phúc chung của tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nên chúng ta cảm thấy mình được khẩn thiết kêu gọi hợp cùng với Chúa Giêsu mà cầu nguyện cho sự hợp nhất của các môn đệ Người. Cầu nguyện bằng kinh “Lạy Cha chúng con”, tức là cầu nguyện với mọi người và cho mọi người, để họ nhận biết một Thiên Chúa thật và được hợp nhất với nhau.

586. Thành ngữ “ở trên Trời” có nghĩa là gì?
Thành ngữ Thánh Kinh này không muốn chỉ một vị trí, nhưng muốn nói lên một cách hiện hữu: Thiên Chúa vượt xa hơn và vượt trên tất cả. Thành ngữ này diễn tả sự uy nghi, sự thánh thiện của Thiên Chúa, cũng như sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn những người công chính. Trời, hay Nhà Cha, là quê hương đích thực mà lòng chúng ta hằng hướng đến trong niềm hy vọng, ngay khi chúng ta hằng hướng đến trong niềm hy vọng, ngay khi chúng ta còn đang sống trên mặt đất này. Là những người “hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3, 3), chúng ta đang sống trên quê trời rồi.

BẢY LỜI CẦU XIN

587. Lời kinh của Chúa được kết cấu như thế nào?
Lời kinh của Chúa bao gồm bảy lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa là Cha. Ba lời cầu xin đầu tiên, có tính đối thần, hướng chúng ta về Thiên Chúa, vì vinh quang của Ngài: bởi lẽ đặc tính của tình yêu là trước tiên nghĩ đến người mình yêu. Ba lời cầu xin đó cho thấy những điều mà chúng ta phải đặc biệt nài xin: xin cho Danh Cha cả sáng. Nước Chúa trị đến, ý Cha được thể hiện. Bốn lời cầu xin cuối trình bày với Cha nhân từ những nỗi thống khổ và mong chờ của chúng ta. Chúng ta van xin Ngài ban lương thực cho chúng ta, tha thứ cho chúng ta, trợ giúp chúng ta trong các cơn cám dỗ và giải thoát chúng ta khỏi sự Dữ.

588. Lời cầu xin: “Nguyện danh Cha cả sáng” có ý nghĩa gì?
“Danh Cha cả sáng” trước hết là một lời ca ngợi nhận biết Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thật vậy, Thiên Chúa đã mạc khải Danh Thánh của Ngài cho ông Mose và Ngài muốn cho dân Ngài được thánh hiến dành riêng cho Ngài như là một dân tộc thánh thiện, nơi Ngài cư ngụ.

589. Danh Thiên Chúa được cả sáng nơi chúng ta và trên thế giới như thế nào?
Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải “nên Thánh” (1Tx 4, 7). Làm cho “Danh Thiên Chúa được cả sáng” (chính là muốn rằng việc chúng ta được thánh hiến qua Bí tích Rửa tội làm sinh động cả cuộc đời chúng ta. Đó cũng là cầu xin rằng, qua cuộc sống và lời cầu nguyện của chúng ta, Danh Thiên Chúa được mọi người nhận biết và chúc tụng.

590. Hội Thánh xin gì khi cầu nguyện: “Nước Cha trị đến”?
Hội Thánh xin cho Nước Thiên Chúa trị đến lần sau hết qua việc Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Nhưng Hội Thánh cũng cầu xin cho Nước Thiên Chúa ngày càng lớn lên trong hiện tại qua việc thánh hóa con người trong Chúa Thánh Thần, và nhờ những cố gắng của họ trong việc phục vụ công lý và hòa bình theo các Mối Phúc. Lời cầu xin này là tiếng kêu của Thánh Thần và của Hiền thê: “Lạy Chúa Giêsu! Xin ngự đến” (Kh 22, 20).

591. Tại sao chúng ta cầu xin: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời”?
Ý muốn của Cha chúng ta là “tất cả mọi người được cứu độ” (1Tm 2, 4). Vì thế, Chúa Giêsu đã đến để chu toàn cách trọn hảo ý định cứu độ của Chúa Cha. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa Cha liên kết ý muốn của chúng ta với ý muốn của Con Ngài, theo gương Đức Trinh Nữ rất Thánh và các Thánh. Chúng ta cầu xin cho ý định yêu thương nhân hậu của Ngài được thực hiện trọn vẹn dưới đất như đã được thực hiện trọn vẹn trên trời. Chính nhờ lời cầu nguyện mà chúng ta có thể “nhận ra ý muốn của Thiên Chúa” (Rm 12, 2) và được “kiên trì thi hành Thánh ý” (Dt 10, 36).

592. Lời cầu: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” có nghĩa gì?
Khi xin Thiên Chúa ban lương thực cần thiết hằng ngày để mọi người được sống, với lòng phó thác tin tưởng của những người con, chúng ta nhận biết Thiên Chúa, Cha chúng ta, là Đấng tốt lành vượt quá mọi sự tốt lành. Chúng ta cũng xin ơn biết phải hành động thế nào để công lý và tình liên đới cho phép những ai có của cải dư đầy biết giúp đỡ các nhu cầu của những người khác.

593. Đâu là ý nghĩa đặc biệt của lời cầu xin này đối với người Kitô hữu?
Vì “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4), lời cầu xin này cũng bao hàm cả cơn đói khát Lời Thiên Chúa và đói khát Mình Thánh Chúa trong Bí tích Thánh thể, cũng như đói khát Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu xin những điều này với lòng tin tưởng tuyệt đối cho ngày hôm nay, ngày hôm nay của Thiên Chúa, và những điều này được ban cho chúng ta đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, một sự tham dự trước vào bàn tiệc trong Vương quốc sẽ đến.

594. Tại sao chúng ta nói: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”?
Khi xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Ngài. Nhưng đồngt thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Ngài, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1, 14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ có thể được nhậm lời, với điều kiện là, về phần chúng ta, chúng ta phải tha thứ trước.

595. Làm sao có thể tha thứ được?
Lòng thương xót chỉ có thể đi vào tâm hồn, nếu như chính chúng ta biết tha thứ ngay cả cho kẻ thù của mình. Dù đối với con người, đòi hỏi này xem ra không thể thực hiện được, nhưng một trái tim tự hiến cho Chúa Thánh Thần sẽ có khả năng, như Chúa Giêsu, yêu thương cho đến cùng, biến đổi thương đau thành lòng thương xót, và sự xúc phạm thành lời chuyển cầu. Tha thứ chính là tham dự vào lòng khoan dung của Thiên Chúa và là một trong những đỉh cao của kinh nguyện Kitô giáo.

596. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” nghĩa là gì?
Chúng ta xin Thiên Chúa là Cha chúng ta đừng để chúng ta đơn độc dưới quyền lực của cơn cám dỗ. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần để biết phân biệt, một đàng, giữa thử thách giúp ta tăng trưởng trong sự lành với cám dỗ dẫn đến tội lỗi cùng sự chết, và đàng khác, giữabị cám dỗ với thuận theo cơn cám dỗ. Lời cầu xin này kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện của Người. Lời cầu này cũng van xin ơn tỉnh thức và bền đỗ đến cùng.

597. Tại sao chúng ta lại kết thúc bằng lời cầu xin: “Nhưng cứu chúng con cho khói ự dữ”?
Sự Dữ muốn ám chỉ một nhân vật là Satan, kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, “kẻ chuyên mê hoặc toàn thể thiện hạ” (Kh 12, 9). Đức Kitô đã chiến thắng ma quỷ. Nhưng chúng ta cầu xin cho cả gia đình nhân loại được giải thoát khỏi Satan và mọi việc làm của nó. Chúng ta cũng cầu xin hồng ân quý giá là sự bình an và ơn kiên trì chờ đợi Đức Kitô đến, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự Dữ cách dứt khoát.

598. Chữ “Amen” cuối cùng có nghĩa là gì?
“Vào cuối kinh, bạn thưa Amen, có nghĩa là “Mong được như vậy”, để nhất trí với lời kinh mà Thiên Chúa đã dạy chúng ta” (Thánh Xyrilo thành Gierusalem).