Bài giảng đón mừng năm Giáp Ngọ
(Mt 5,1-10.6,25-34)
Những lời chúc xuân của Chúa Giêsu xem ra lạ thường và khó hiểu. Trong
đêm giao thừa, Chúa ban tám mối phúc thật, phải gọi là tám mối phúc thiệt,
nghĩa là thật mà thiệt ! Còn trong ngày mồng một tết, Chúa bảo chúng ta ăn no
ngủ kỹ, đừng lo cho ngày mai, thế nhưng chúng ta đã phải lo trối chết mới được
ăn tết.
Chúa lấy gương mẫu sống tự nhiên của chim trời và hoa huệ, vì trời sinh
voi trời sinh cỏ. Nhưng chúng ta đâu phải là chim là hoa, mà là người, phải tất
bật mới sống được. Có lẽ lời dạy của Chúa ứng với tuổi thơ chỉ biết “ăn no vô
lo” hoặc “ăn vô mà vô lo”, vì đã có cha mẹ lo giùm. Chúa ở trong gia đình
Nagiarét 30 năm trường, biết rõ những vui buồn của cuộc sống, nên mới khẳng định
:“Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34), mà khổ thì phải lo. Chúa bảo “Chả
lo gì” thì ít ra cũng hàm ý “Chỉ lo già” !
Suy cho cùng : chỉ có những ai sống tám mối phúc thật mới không lo gì. Bởi
lẽ cứ tin tưởng nơi Chúa quan phòng, thì dù nghèo khổ, đói khát, chịu thương chịu
khó… vẫn an bần lạc đạo : an bình với duyên nghèo và an vui với đạo lành. Chúa
sẽ biến đổi nỗi buồn thành niềm vui (Ga 16,20), niềm vui không ai lấy mất được
(Ga 16,22) và niềm vui trở nên trọn vẹn (Ga 16,24). Những cái mà người đời tìm
kiếm : giầu sang, quyền quý, bổng lộc… phải chăng chỉ là những phúc giả, những
lộc ảo ? Phù vân quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân (Gv 1,2). Phúc thật là
khởi đi từ cái nghèo thật để đến cái giầu thật, là làm giầu trước mặt Thiên
Chúa (Lc 12,21). Phúc thật là chấp nhận thương đau để được thương yêu. Phúc thật
chính lả bước qua cửa hẹp để đưa đến sự sống (Mt 7,13-14), là “tiên ưu hậu lạc”
như ông Lagiarô, chứ không phải “ưu tiên lạc hậu” như ông trọc phú.
Bí quyết hạnh phúc là chấp nhận cuộc sống trong niềm tín thác nơi Chúa.
Từ chỗ cam lòng đến bằng lòng và vui lòng, thì không còn khổ và chẳng phải lo. Theo
thánh Augustinô : trong tình yêu không có đau khổ, nếu có thì yêu luôn nỗi khổ ấy.
Nếu còn lo thì “Hãy trút mọi nỗi lo âu cho Chúa” (1 Pr 5,7), để tình yêu Chúa sẽ
biến tất cả những cái đó thành ách êm ái và gánh nhẹ nhàng (Mt 11,30). Chúa mời
gọi chúng ta “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra
tay” (Tv 37,5).
Chúa ra tay hùng mạnh nhưng cũng đầy yêu thương, giúp chúng ta vững bước
trong năm Phúc Âm Hoá đời sống gia đình. Vững bước tức là vừa mạnh, vừa nhanh, vừa
chắc chắn như hình tượng của con ngựa trong năm Giáp Ngọ này. Ít là có 3 tính cách
của loài ngựa như sau : năng lực, tốc độ và trung tín. Sức mạnh của bất cứ cỗ
máy hay vật nào cũng lấy sức ngựa làm tiêu chuẩn, người gọi là mã lực. Tốc độ
như ngựa phi đường xa, bước nhảy vọt như phi mã hay thời gian sánh ví với “bóng
câu qua cửa sổ”. Trung tín không kém loài chó : một khi con ngựa đã chịu thuần
phục để cho chủ cưỡi thì luôn gắn bó trung thành. Mạnh, nhanh, nhưng còn sức nhớ
lạ lùng : người ta thường bảo ‘ngựa già nhớ đường’, cũng như người già nhớ đường
về quê hương.
Năm ngựa nói về chuyện ngựa như sau. Một cặp vợ chồng rất mê đánh số đề,
một buổi sáng ra ngoại ô, thấy có một cây to đổ xuống bên đường, vì đêm qua mưa
to gió lớn. Nhìn thấy mấy nhân viên đang cưa cây, bà vợ nói với chồng : họ đang
cưa ngọn, đúng rồi, trời cho : cưa ngọn tức là con ngựa ! Hai người hí hủm đánh
số 12 của con ngựa. Thế nhưng tối về, số đề không ra con ngựa mà ra con chó với
số 11. Ông chồng bừng tỉnh : mình vội vàng quá, nhìn không kỹ, trời mách bảo mà
mình không hay. Cưa ngọn thì cây còn, tức là con cầy. Thế mà mình không biết !
Chuyện vui đầu năm về cưa ngọn mà cây còn gởi một lời nhắn bảo chúng ta
phải sống đạo có cây có ngọn, nghĩa là phải trưởng thành và cân bằng giữa nội
dung và hình thức. Có những người sống đạo ngọn mà quên thân với gốc. Những hoa
lá cành rườm rà, rậm rạp, rối rắm cần phải cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái (Ga 15,2).
Đã hơn một lần Chúa Giêsu dạy: vì một chi thể làm cớ phạm tội thì phải móc mắt,
chặt tay, chặt chân để bảo vệ toàn thân (Mt 5,29-30; Mc 9,43-47). Đức Thánh Cha
nhắc bảo chúng ta sống giản dị, bớt đi những sang trọng phô trương bên ngoài, để
nghĩ đến người nghèo. Chúng ta nhớ lại lời chất vấn :“Anh chị em có có từ bỏ mọi
sự sang trọng của ma quỷ không ?” Sự sang trọng của ma quỷ là phô trương đánh
bóng cho mình khác hẳn với sự sang trọng của Thiên Chúa là tìm vinh danh Chúa.
Thánh Phaolô đã khẳng định :“Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1 Cr 1,31; 2
Cr 10,17). Đình đám, hoành tráng, sành điệu, nổ dữ… khác hẳn với hữu xạ tự
nhiên hương :“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy
những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên
trời (Mt 5,16).
Người Công giáo trong năm Giáp Ngọ phải thực sự là những nhân chứng, chứ
không là ngựa chứng. Mã đáo thành công : thành công trong việc ra đi loan báo
Tin Mừng. Hãy cùng với thánh Phaolô chạy đến hết đường, luôn giữ vững niềm tin
(2 Tm 4,7). Chúng ta vẫn chạy và bao lâu năm chạy vẫn còn tốt, như thánh
Augustinô dạy : bene currit (chạy tốt).
Lm.Giuse Phạm Bá
Lãm, Chính Xứ Hoà Hưng